Xuất khẩu cá tra sẽ tăng trưởng mạnh 2 tháng cuối năm. Algeria là thị trường tiềm năng cho cà phê Việt Nam. Hải Dương chỉ còn một huyện nợ đọng xây dựng nông thôn mới. Cả nước chỉ có trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Xuất khẩu cá tra sẽ tăng trưởng mạnh 2 tháng cuối năm
Hùng Khang khai thác
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá tra tháng 10 sang các thị trường đạt gần 173 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 10, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn tiếp tục là thị trường đứng đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam và ghi nhận tăng trưởng dương với giá trị đạt tương đương so với tháng trước đó 56 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, EU đã tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam từ tháng 9 và duy trì mức tăng ổn định trong tháng 10 là 10% với giá trị đạt gần 15 triệu USD. Trong đó, Đức vẫn là điểm sáng của khối thị trường này khi xuất khẩu cá tra Việt Nam sang đây tăng 44% so với 10 tháng đầu năm 2022.
Algeria là thị trường tiềm năng cho cà phê Việt Nam
Hùng Khang khai thác
Với dân số hơn 46 triệu người, Algeria là quốc gia không trồng cà phê nên phải nhập khẩu 100% để phục vụ nhu cầu trong nước. Mỗi năm, Algeria nhập khẩu khoảng 130.000 tấn cà phê hạt các loại với trị giá khoảng 300 triệu USD. Hiện nay Algeria nằm trong danh sách 10 thị trường xuất khẩu cà phê thô lớn nhất của Việt Nam.
Cà phê Robusta và Arabica của Việt Nam có mùi vị đặc biệt, tạo độ bọt cao, khả năng hấp thụ đường tốt hơn cà phê các nước khác. Chính vì vậy dù có khảng cách xa địa lý xa song cà phê Việt Nam vẫn được ưu tiên nhập khẩu vào Algeria và thường chiếm thị phần lớn nhất.
Cà phê của Việt Nam chiếm từ 30-50% thị phần cà phê nhập khẩu của Algeria. Và cũng là mặt hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam sang Algeria, thường chiếm trên 60% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của nước ta vào thị trường này, do đó Algeria sẽ là thị trường tiềm năng cho cà phê Việt Nam.
Hải Dương chỉ còn một huyện nợ đọng xây dựng nông thôn mới
Hùng Khang khai thác
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, địa phương này chỉ còn huyện Ninh Giang nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới cấp huyện với gần 89 tỷ đồng.
Đối với cấp xã, số nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của toàn tỉnh dự kiến hơn 309 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020 không còn nợ đọng).
Nguyên nhân dẫn đến nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới do nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng rất lớn. Ngân sách địa phương còn khó khăn, tỉnh không nhận được hỗ trợ từ Trung ương. Nguồn vốn đầu tư thực hiện các công trình, dự án chủ yếu từ thu đấu giá đất song tình hình đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua gặp khó khăn, ảnh hưởng tới nguồn trả nợ.
Cả nước chỉ có trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Hùng Khang khai thác
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số khá khiêm tốn so với tổng số trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Thời gian qua, nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả, đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng còn thiếu bền vững, mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới chỉ tạo ra được khối lượng nhưng giá trị chưa cao.
Thêm vào đó, nông nghiệp luôn là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro khi luôn đối diện thách thức về biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn; dịch bệnh, giá cả thị trường biến động; do đó đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua vẫn còn khá khiêm tốn.