| Hotline: 0983.970.780

Ngành cao su đối mặt thách thức

Bài 2. Lên miền núi tìm công nhân

Thứ Sáu 22/07/2022 , 08:59 (GMT+7)

Thiếu công nhân đang là nỗi lo lớn của nhiều công ty cao su trong những năm qua. Donaruco đã có cách làm hay để giải bài toàn này.

Thiếu lao động đang là nỗi lo lớn của các công ty cao su. Ảnh: Thanh Sơn.

Thiếu lao động đang là nỗi lo lớn của các công ty cao su. Ảnh: Thanh Sơn.

Thu nhập cao vẫn thiếu lao động

Trong ngành cao su, nhịp độ cạo D3 (3 ngày cạo 1 lần) được coi là cho năng suất mủ cao nhất. Tuy nhiên, do thiếu hụt lao động, từ nhiều năm nay, các công ty cao su đã lần lượt phải từ bỏ nhịp độ cạo tối ưu này.

Ông Phạm Nguyên Khang, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận, cho biết, hiện tổng số lao động của công ty là 1.100 người, giảm nhiều so với trước đây. Nguyên nhân là do các khu công nghiệp mọc lên nhiều ở Long Khánh (Đồng Nai), Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) … đã hút nhiều lao động cao su.

Trước đây, mỗi công nhân Cao su Bình Thuận được giao phụ trách cạo 3 ha (D3). Nhưng do thiếu lao động, nay mỗi công nhân phải làm 4 ha (D4), có nông trường giao 5 ha/người (D5). Công ty đang cố gắng duy trì nhịp độ cạo chung là D4, vì cạo D5 thì năng suất rất thấp.

Thu nhập bình quân của người lao động ở Cao su Bình Thuận là hơn 9,5 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập cao nếu so với mặt bẳng chung của 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh (Bình Thuận). Nhưng công ty vẫn khó tuyển được công nhân mới.

Ông Nguyễn Minh Đoan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa, chia sẻ, toàn bộ các nông trường của công ty đã phải chuyển sang cạo D4  từ 4 năm nay do thiếu lao động. Ngoài ra, công ty còn phải tổ chức đấu thầu, khoán việc cho bên ngoài để bù đắp việc thiếu hụt lao động.

Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, lại có nhiều khu công nghiệp nên việc tuyển người vào làm công nhân cao su là rất khó, dù lương công nhân cao su ở đây cũng khá tốt.

Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người ở Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa là 12 triệu đồng/tháng, thuộc vào Top đầu trong các đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, vậy mà trong những năm qua, công ty vẫn luôn thiếu khoảng 200-300 lao động/năm.

Cách làm hay của Donaruco

Một bé gái người Hà Giang đứng chơi trong sân một khu nhà ở cho công nhân của Donaruco. Ảnh: Thanh Sơn.

Một bé gái người Hà Giang đứng chơi trong sân một khu nhà ở cho công nhân của Donaruco. Ảnh: Thanh Sơn.

Cách đây mấy năm, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco) cũng từng thiếu hụt khá nhiều lao động. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐTV Donaruco, cho biết, có những năm Tổng công ty thiếu 500-600 lao động.

Để giải bài toán thiếu hụt lao động, Donaruco đã tìm tới nhiều giải pháp, trong đó, một cách làm hay là chủ động tuyển lao động từ các vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế còn chưa phát triển.

Năm 2020, Donaruco đã tới tỉnh Hà Giang để tuyển công nhân. Để có được thành công trong đợt tuyển dụng này, Đoàn Thanh niên Donaruco đã được giao nhiệm vụ kết nghĩa với Tỉnh đoàn Hà Giang. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Bí thư Đoàn Thanh niên Donaruco, kể lại, Tỉnh đoàn Hà Giang hỗ trợ rất tích cực cho Donaruco, khi tổ chức gặp gỡ lãnh đạo các huyện, xã và thanh niên địa phương.

Tại những buổi gặp gỡ ấy, Đoàn Thanh niên Donaruco giới thiệu cho lãnh đạo và thanh niên địa phương biết biết về làm công nhân cao su là như thế nào, thu nhập ra sao … Ai có thắc mắc gì, đều được giải đáp thỏa đáng ngay tại chỗ. Để tăng thêm sức thuyết phục, Đoàn Thang niên Donaruco còn đưa cả một công nhân của Tổng công ty, là người Hà Giang, tới các buổi gặp gỡ đó, để công nhân này nói về công nghiệp, nơi ăn chốn ở, thu nhập … của chính bản thân mình tại Donaruco.

Nhờ cách làm rất bài bản và có sức thuyết phục như vậy, ngay trong lần đầu tiên Donaruco lên Hà Giang tuyển công nhân, đã có hàng trăm bạn trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang, đăng ký vào Đồng Nai làm công nhân cho Donaruco.

Sau khi vào Đồng Nai, các công nhân người Hà Giang đều được Donaruco bố trí nơi ăn, chốn ở đàng hoàng, được đào tạo tay nghề. Để công nhân yên tâm gắn bó với công việc mới, thời gian đầu, khi tay nghề của họ còn non, năng suất lao động còn thấp, Donaruco ưu tiên bố trí cho họ những vườn cây dễ cạo, để giúp họ có thu nhập. Nhờ vậy, lúc mới đầu, một số người thấy nản do chưa bắt kịp được với công việc mới, chưa quen với vùng đất mới, nhưng họ vẫn ở lại. Tới khi đã làm việc thành thạo và và có thu nhập tốt, họ đã yên tâm gắn bó lâu dài, đồng thời còn vận động bà con ngoài quê vào làm.

Lắp đặt máy lọc nước cho một gia đình công nhân người Hà Giang. Ảnh: Thanh Sơn.

Lắp đặt máy lọc nước cho một gia đình công nhân người Hà Giang. Ảnh: Thanh Sơn.

Trong thời gian qua, Đoàn Thanh niên Donaruco vẫn giữ mối liên kết chặt chẽ với Tỉnh đoàn Hà Giang. Đoàn Thanh niên Donaruco thường xuyên quay những clip về cuộc sống ổn định cả về vật chất lẫn tinh thần của công nhân người Hà Giang ở Đồng Nai và gửi về Hà Giang.

Vì vậy, những năm tiếp theo liên tục có thêm nhiều người Hà Giang vào làm công nhân cho Donaruco. Đến thời điểm này, đang có trên 700 công nhân người Hà Giang làm việc tại các nông trường của Donaruco. Riêng nông trường Cẩm Đường có tới 307 công nhân người Hà Giang trên tổng số công nhân là 406 người.

Làm công nhân có tiền, có xe

Tới thăm làng công nhân cao su của nông trường Cẩm Đường (Tổng Công ty Cao su Đồng Nai), chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cuộc sống ổn định của các công nhân người Hà Giang đang sinh sống và làm việc ở đây.

2 vợ chồng chị Giàng Thị Mai thuộc nhóm những người mới rời quê hương, đến làm công nhân cao su từ đầu năm nay. Vợ chồng chị Mai vốn quê ở huyện Xín Mần, Hà Giang. Hồi còn ở quê, do ruộng đất ít nên không đủ cái ăn cho cả gia đình gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con. Được người anh làm công nhân cao su ở Đồng Nai kể về công việc, thu nhập, nơi ăn chốn ở, 2 vợ chồng chị Mai quyết định gửi đứa con lớn ở lại với ông bà, mang theo 2 đứa nhỏ vào làm công nhân cao su cho Donaruco.

Do mới vào làm được vài tháng, tay nghề còn chưa cao, năng suất lao động còn thấp, nên thu nhập bình quân của vợ chồng chị Mai mới được khoảng 6 triệu đồng/tháng cho một người. Nhờ được Tổng công ty bố trí chỗ ở, nên mỗi tháng, gia đình chỉ Mai chỉ tiêu hết một phần lương, phần còn lại  (6 triệu đồng) được gửi về cho cha mẹ.

Chị Giàng Thị Mai cho biết nhờ được Tổng công ty bố trí chỗ ở và đã có thu nhập, nên hàng tháng vợ chồng chị có tiền gửi về cho cha mẹ ở quê. Ảnh: Thanh Sơn.

Chị Giàng Thị Mai cho biết nhờ được Tổng công ty bố trí chỗ ở và đã có thu nhập, nên hàng tháng vợ chồng chị có tiền gửi về cho cha mẹ ở quê. Ảnh: Thanh Sơn.

Anh Sùng Seo Pán, quê ở xã Bản Ngò, Xín Mần, Hà Giang. Hồi ở quê, do có nhiều nương rẫy nên gia đình anh có cái ăn quanh năm, nhưng tiền bạc thì thường xuyên thiếu. Được chú ruột rủ vào làm công nhân cao su cho Donaruco,  2 vợ chồng Sùng Seo Pán quyết định vào Nam.

Đến nay, do tay nghề đã thành thạo, vợ chồng Sùng Seo Pán có thu nhập khá tốt, những tháng đầu năm, mỗi người được khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, những tháng cuối năm thì từ 10-12 triệu đồng. Cũng như vợ chồng Mai, mỗi tháng, vợ chồng Pán cũng đề giành ra được một phần lương để gửi về cho cha mẹ. Tính ra, mỗi năm, vợ chồng Pán gửi về nhà khoảng 100 triệu đồng. Đây là khoản tiền mà Pán chưa bao giờ dám nghĩ tới khi còn sống nhờ vào nương rẫy ở quê.

Ông Nguyễn Thế Hựu, Chủ tịch Công đoàn Donaruco, chia sẻ, vào dịp Tết Nguyên đán, Tổng công ty ký hợp đồng với công ty du lịch, tổ chức những chuyến xe đưa công nhân người Hà Giang và gia đình về quê ăn Tết. Có năm, ngoài xe đưa người về quê, Tổng công ty còn thuê cả xe tải chở theo 85 cái xe máy, hầu hết là xe côn tay Exciter (giá trên dưới 50 triệu đồng/chiếc) mà công nhân mới mua sắm được nhờ thu nhập từ làm cao su.

Khi đã gần tới quê, công nhân đề nghị các xe ô tô dừng lại để lấy xe máy tự chở nhau chạy về nhà. Hình ảnh một đoàn người, chủ yếu là các cặp vợ chồng trẻ người dân tộc thiểu số, sau một thời gian vào Đồng Nai làm công nhân cao su đã mua được xe máy loại tốt và dùng xe chở nhau về quê ăn Tết, đã gây ấn tượng rất mạnh với bà con ở quê.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất