| Hotline: 0983.970.780

Ký sự làng dưới chân động cát

Bài 2: Việc làng nước thì siêng

Thứ Sáu 25/02/2022 , 15:19 (GMT+7)

Đám trai làng Thạch Bắc được bà con khen lấy khen để mỗi khi có thiên tai, dịch hoạ đổ về. Những khi ấy, anh em cứ “ém” việc nhà để lo cho việc chung…

Nghe tôi bảo có năm tấn hàng cần bổ dỡ và vận chuyển đi lên hỗ trợ cho bà con đồng bào dân tộc ở xã miền núi Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), bị lũ ngập phải di dời lên chân núi để ở tạm trong lán bộ đội thì đám trai làng phá lên cười: “Ông cứ để đó. Coi như là xong rồi nhé”. Mờ sáng hôm sau, dù trời đang mưa, hơn chục thằng trai làng đã có mặt và bắt tay vào việc…

Vượt sạt lỡ đất lên với đồng bào

Thắng Phạt bảo với anh trai tên là Luận có cái xe tải đi cùng để chở hàng lên xã miền núi. Thấy tôi bảo đường đi lại khó khăn, hiểm trở do bị sạt lỡ núi. Luận bảo: “Ông yên tâm. Đường này cháu có chạy mấy chuyến rồi, nhưng chỉ chạy vào mùa nắng ráo. Cho cháu đi để coi như cháu ủng hộ chuyến xe vận chuyển”.

Thanh niên làng Thạch Bắc tự nguyện bốc, vận chuyển gạo đi cứu trợ cho bà con vùng bị mưa lũ tàn phá. Ảnh: N.Tâm

Thanh niên làng Thạch Bắc tự nguyện bốc, vận chuyển gạo đi cứu trợ cho bà con vùng bị mưa lũ tàn phá. Ảnh: N.Tâm

Hơn 3 tấn gạo được đám trai làng xếp hàng bốc lên xe gọn gàng. Việc không nặng, nhưng cứ đứng chuyền bốc nên mỏi tay hơn. Thằng Heo, mồ hôi chảy trên má vớ chai nước uống như mưa đang đổ ngoài mái hiên.

Thêm hàng hóa nữa là chuyến xe ngót gần 5 tấn. Luận chảy xe lên làng để qua đêm để sáng mai đi sớm. Gần chục đứa lại xung phong theo xe vượt Trường Sơn. Tôi cứ ái ngại, đường xa, nguy hiểm, cả đám ngồi trên xe liệu có an toàn. Thằng Phạt nhe răng cười: “Toàn bọn “đặc nhiệm” cả đấy. Cháu nói đi đông để phòng xe bị lầy, lún có nhân lực mà đẩy chứ giữa rừng thì có ai hỗ trợ được”. Có lý, vậy là cả bọn trèo ngồi gọn trên thùng xe lên đường.

Con đường lên Trường Sơn qua trận mưa lũ nhão như hồ loãng, bên dốc núi thì sụt lún, nứt toác nhìn thấy lạnh sống lưng. Chiếc xe chở nặng gầm gừ xả khói mù mịt cố trườn lên qua những bãi lấy.

Có khi ô tô như hụt hơi, tiếng máy rồ lên nghe thảm. Những khi ấy, đám trai làng lại xuống xe, ghé vai tì thành xe mà rướn sức phụ đẩy. Khi xe trườn qua được bãi lầy thì cả đám bùn đất lấm từ đầu đến chân.

Chuyến đưa hàng cứu trợ lên vùng miền núi xã Trường Sơn. Ảnh: N.Tâm

Chuyến đưa hàng cứu trợ lên vùng miền núi xã Trường Sơn. Ảnh: N.Tâm

Khi qua một đoạn cua gấp, đá to đá nhỏ từ núi trôi sụt xuống kè như trường sát con đường. Chiếc xe nghiêng hẳn, thùng xe xiết vào khối đã lớn toác một mãng lớn. Luân bảo: “Không sao, mai về đưa đi thợ hàn lại là được”.

Xe hàng cứu trợ đến được tận tay bà con bản Sắt, đến với các em học sinh trường dân tộc bán trú… trong niền hân hoan của cả đám trai làng. Xong việc, cả bọn vội trèo lên xe xuôi về đồng bằng, không kịp cho bà con dân bản nói lời cảm ơn.

Trận lũ lịch sử vào tháng 10 năm 2020 thật khó quên với người dân Quảng Bình và cả làng Thạch Bắc. Theo nhiều người già trong vùng thì trận lũ này “tính cả trăm nay nay mới có”.

Lũ vào ban đêm, nước lên như tống. Từ mờ sáng, nước lũ đã ngập đến sát chân động cát. Bác cả nhà tôi năm nay gần 80 tuổi cứ nắc nỏm: “Từ bé đến giờ mới thấy lũ lớn như vậy”.

Trong đêm mịt mù, mưa như ai cầm gáo dừa đổ nước lên đầu, tiếng kêu, tiếng khóc, tiếng súc vật rống lẫn vào tiếng gào của gió mưa. Đám trai làng người sũng nước chống đò đi hết những nhà ngập sâu để chuyển người lên vùng an toàn.

Mấy anh em con nhà ông Xuân có mấy chiếc đò nhôm đều dùng vào việc cứu người. Đám trai chia nhau thành mấy nhóm, mỗi nhóm có một đò nhôm xuyên đêm hỗ trợ đưa bà con lánh nạn.

Chống đò xuyên qua lũ để đưa hàng đến giúp bà con đang bị ngập lụt. Ảnh: N.Tâm

Chống đò xuyên qua lũ để đưa hàng đến giúp bà con đang bị ngập lụt. Ảnh: N.Tâm

Bọn thằng Phạt, Cu Lỳ, thằng Tây, Giáp Lòi, Pháp Nổ, Dũng, Diễn Đen… quẳng hết việc nhà lao vội từng chuyến đò đến từng nhà đưa bà con đi.

Trong mưa, có người kêu bảo nhờ chuyển mấy bao thóc kẻo bị lũ trôi. Thằng Phạt gắt um: “Thóc lúa, heo ca cái gì. Để đó, mai hắng hay. Bây chừ ưu tiên đi cứu người cái đã”. Nói rồi, lại khom người chống thuyền vút đi trong màn mưa réo.

Nói vậy là làm, hết người an toàn, cả bọn lại  đi “cứu” lương thực, heo gà. Nhà nào cũng chống đò đến. Lại hì hục đánh vật với sóng nước xiết để bắt heo giữa dòng.

Con heo lớn của nhà mệ Niềm ở đầu làng to như con bê cứ phi ra dòng nước lũ. Mấy lần đám thằng Phạt bắt được, đưa lên thuyền thì nó cứ nhè lũ mà băng xuống, trôi đi. Mệt đến phờ người nhưng cả bọn vẫn hè nhau bắt cho kỳ được rồi “áp tải” lên chân động cát nhốt ở đó.

Rạng sáng, việc cứu người, cứu thóc lúa đã hòm hòm gọn. Bà Hồng nhanh tay bắc bếp nấu cho nồi cơm to. Cả bọn giờ mới thấy đói rệu rã người, vội xúm quanh nồi cơm chìa bát. Cơm chỉ ăn với nước mắm ớt chứ chưa ai chuẩn bị được thức ăn gì trong lũ. Nhoãng cái, mỗi thằng nện gọn 3- 4 bát cơm đầy rồi đứng lên, chống đò qua thôn bên cạnh để hỗ trợ giúp bà con.

Khi cơn lũ lớn tạm yên, việc đón các đoàn đến cứu trợ cũng nhờ đám thanh niên này. Suốt ngày, cả đám chia nhau từng tốp trực để chống đò đưa gạo, mì tôm, nước mắm, thực phẩm, bánh kẹo… đến cho bà con đang thiếu.

Có đoàn cứu trợ thấy cả bọn làm nhiệt tình quá nên ngỏ ý gửi chút tiền bồ dưỡng. Thằng Phạt đại diện cho đám thanh niên nhẹ nhàng từ chối. “Có đoàn từ thiện mô thì cô giới thiệu về đây cho bà con là được”- thằng Phạt nói như gửi gắm.

Hỗ trợ thôn cấp phát hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ. Ảnh: N.Tâm

Hỗ trợ thôn cấp phát hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ. Ảnh: N.Tâm

Ông Mai Trọng Đông, Trưởng thôn Bắc Ngũ cũng phải khen đám thanh niên nhiệt tình. “Lớp đó giúp việc thôn trong mưa lũ đắc lực lắm đó”- ông Đông xác nhận.

Có khi, có đoàn cứu trợ về được ít hàng mà nhà dân khó khăn thì đông. Nếu đưa ra họp bình chọn thì cũng khó. Không khéo còn “mất lòng mất bề”, rồi mang tai tiếng. Thằng Phạt, Thấy Duy, Cu Tây, thằng Phòng, thằng Heo, Diễn Đen… đứng ra đảm trách việc phân phối hàng.

Chúng chia nhau kéo xe bò chở hàng băng nước lũ đến trao tận từng nhà. “Nhà nào khó khăn nhiều, nhà yếu thế trong làng là bọn cu nắm được hết. Có nhà có con em, bà con gửi hàng về rồi muốn nhận thêm cũng không được. Họ có gọi thì bọn cu cứ giã điếc mà chạy qua ngõ đến nhà đang khó, đang cần gấp.”

“Vậy là huề hòa. Ai cũng có phần hết. Cũng chẳng có ai thắc mắc gì bọn cháu cả. Quà nhà bọn cháu không có thì coi như làm việc công rất công bằng rồi”- thằng Diễn Đen diễn giãi.

Lũ vừa rút lại hay tin bà con ở Nghệ An bị ngập nặng, cần hỗ trợ. Cả bọn lại kéo xe bò đi từng ngõ loa oang oang xin bà con hỗ trợ “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Thằng Đệc còn lên mạng xã hội kêu gọi. Ba hôm sau, cả đám gom được ba xe tải hàng đầy với tất cả các hàng hóa, vật dụng mà bà con vùng lũ đang cần. Cả đám lại chia nhau lên xe đi cứu trợ. “Sáng nay bọn cháu xuất quân đi Nghệ An. Cháu làm trưởng đoàn ông nhá”- thằng Đệc a lô báo với tôi như vậy.

Đám trai làng chống đò chở người dân vượt qua lũ lớn. Ảnh: N.T

Đám trai làng chống đò chở người dân vượt qua lũ lớn. Ảnh: N.T

Cái hồi đầu năm, dịch Covid-19 bao vây thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Đám thanh niên làng Thạch Bắc lại giông cờ mở trống kéo xe bò cắm cờ đi khắp làng.

Đến đâu, chúng cũng quyên góp được bí đỏ, bí xanh, bầu, rau củ quả, đậu mè… để gửi ô tô vận chuyển vào giúp bà con đang gặp khó trong đó. Nhà bà Sắc được mấy chục quả bí ngô cũng đưa ra ủng hộ.

Còn dành lại mấy trái để ăn, thấy đám thanh niên nhiệt tình quá, bà lại kêu chúng lấy đi hết, không để dành nữa. “Thôi mình chịu khó một chút cũng được. Mong bà con trong đó bình an là mừng rồi”- bà Sắc nói với đám thanh niên.

Khi ngồi nhậu với đám trai làng, thằng Phạt mới bảo: “Bọn cháu thấy việc tốt nên làm thì hè nhau và có trách nhiệm với bà con thôi. Vì giờ, bọn cháu cũng chẳng có tổ chức thanh niên, đoàn viên hay hội hè gì mà tham giá cả. Chỉ là là sức trẻ nên làm việc tốt mà thôi”.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.