| Hotline: 0983.970.780

Làng dưới chân động cát

Thứ Hai 24/01/2022 , 07:17 (GMT+7)

Tựa lưng vào núi cát, làng nhìn ra sông Kiến Giang. Ai cũng nói: 'Sơn thủy hữu tình'…

Trước, ai đã từng rong ruổi thiên lý Bắc - Nam, khi qua đoạn đường quốc lộ 1 chạy sát triền chân núi cát trắng xóa thì đó chính là làng tôi. Mỗi khi gió bão tung cát trắng mù trời thì cụ Nguyễn Hải già nhất làng lại bảo: “Vùng ni là hẹp nhất nước. Có khi gió tung cát bay sang tận bên Lào chứ chẳng chơi”.

Tôm, cá… đầy vơi

Trước mặt làng Bắc Ngũ (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) là con sông Kiến Giang. Sau lưng là những đồi núi cát trùng điệp. Làng như tựa hẳn lưng vào động cát. Từ chân động cát, hàng ngàn mạch nguồn nước trong vắt, ngọt lịm chảy xuyên qua làng mạc, qua những cánh đồng rồi nhè nhẹ hòa vào dòng Kiến Giang lững lờ trôi về biển.

Giàn rớ trên sông Kiến Giang trước mặt làng. Ảnh: TP.

Giàn rớ trên sông Kiến Giang trước mặt làng. Ảnh: TP.

Đoạn sông Kiến Giang trước làng tôi có được những con hói giao hòa, nước lên xuống theo thủy triều. Bên mạn vùng cát chảy từ hướng biển Đông vào có hói Kêng, hói Mới, hói Bến Hàn, hói Củi, hói Lượng… Bên phía tây trổ về thì thông với vùng ruộng Ông Đồng rộng bát ngát có hói Sỏi, hói Chọc, hói Nhà Thờ… Nhờ vậy mà tôm, cá bội phần hơn ở những đoạn sông khác.

Ngày trước, tôi vẫn hay xuống đò ban đêm đi đóng đáy với anh Vừa là anh con dì. Tôi chèo thuyền ra sông, giữa hai cộc đáy, anh Vừa thả lưới. Lưới đáy như kiểu lưới rê của ngư dân vùng biển. Tôm cá theo nước xuôi vào hai vạt đáy cuốn trôi về đoạn cuối chui vào đụt đáy.

Khoảng chừng vài giờ đồng hồ mỗi lần, anh Vừa chèo đẩy con thuyền cặp vào cột đáy bên kia rồi bảo tôi phụ kéo đụt đáy lên. Trong ánh sáng mờ nhạt của chiếc đèn chai, cái đụt tựa bụng con trăn lớn căng tròn khi no mồi cứ trườn lên theo nhịp kéo và xả vào lòng thuyền cơ man nào là tôm, cá, rạm… Lẫn trong mớ cá tôm bạc đang nhảy lách chách là những con tôm vỏ xanh lè (quê tôi thường gọi là tôm tú). Com tôn này lớn bằng cổ tay trẻ em, có vỏ xanh biếc, bán giá đắt như tôm hùm.

Khi mũi thuyền được buộc vào một cột đáy, anh Vừa vào nhóm lửa nấu bếp. Mấy con tôm tú được cho vào nồi lửa sôi réo. Mùi thơm ngọt của tôm chín dậy lên. Từ vỏ màu xanh, con tôm chuyển sang màu đỏ gạch, nhìn là nước miếng cứ ứa ra… Đợi đến khi đó, anh Vừa vớt mấy con tôm ra khỏi nồi, để xuống tấm ván thuyền. Anh với tay lấy chén muối đâm dầm ớt cay đưa ra. Hai anh em vừa bóc vỏ tôm vừa xuýt xoa vì nóng. Tôm tú ngọt lịm, chấm với muối ớt cay xé lưỡi quyện vào nhau giữa bốn bề sóng nước thì còn gì ngon bằng. Tôi đang tuổi lớn, sức ăn như nước lên. Vậy mà, cũng chỉ gắng đến con tôm thứ ba là thấy no và đã miệng. Anh Vừa chỉ ăn một con. Anh bảo, ăn nhiều cũng thấy nhạt miệng, rồi với tay lấy cái chai xị đựng rượu còn non nửa đưa lên tợp một ngụm ra chiều khoái hơn ăn tôm.

Về quê đi quay rớ giàn trên sông bắt cá thật là cuốn hút. Ảnh: TP.

Về quê đi quay rớ giàn trên sông bắt cá thật là cuốn hút. Ảnh: TP.

Mỗi đêm đóng đáy, thuyền anh Vừa chở về chừng cả tạ tôm. Chị tôi đón trên bến sông bán cho mọi người. Kiểu bán vừa cho vừa lấy tiền. Anh Vừa cười bảo: “Thì của sông nước. Ai mua thì bán, ai xin thì cũng cho mà cậu. Có ai tiếc chi mô”.

Bây giờ, nghề đóng đáy cũng đã mai một nhiều. Hai bên sông Kiến Giang là hàng chục giàn rớ quay như nét vẽ giữa trời chiều. Mùa này, cá mòi nhiều, rớ quay lên thấy cá bám trắng xóa trên lưới. Cá lớn cũng chỉ bằng ba ngón tay người lớn. Nhưng loại cá này thịt mềm, ngọt và xương mềm nên dễ ăn. Khi làm sạch thì kho hay nướng, rán dầu… chi cũng được.

Có bữa cuối tuần, biết tôi về quê, đứa cháu thuần Việt nhưng lại có tên Cu Tây mang cho tôi hơn chục ký cá mòi còn giãy tươi rói. Thấy tôi lưỡng lự, thằng Cu Tây nói nhỏ: “Ông mang về thành phố, mang chia cho các nhà lối phố một ít đi. Cháu quay rớ cũng xem như của nhà làm ra, cho ông, cho bà con dưới đó gọi là ăn lấy thảo thôi mà”.

Nồng nàn và quặn nhớ…

Hồi còn ở quê, tôi có cô bạn thân tên Thanh, nhưng không học cùng trường. Em mộc mạc như cây lúa ngòi đồng Vạt, có chiếc răng khểnh và ngôi lúm đồng tiền thật dễ thương. Chẳng biết xui khiến gì, vào một trưa, khi em đi cắt cỏ về thì gặp tôi ngay ngã ba đầu làng. Bó cỏ xanh mướt đẫm nước làm chiếc áo hoa mỏng của em cũng đẫm nước.

Gặp thì thường thôi như bao lần gặp mà sao tôi như bị luồng điện xém áo chạy qua lưng. Dưới lượt vải áo hoa đẫm nước là khuôn ngực thanh xuân nhú lên nho nhỏ, một chút căng của tuổi chớm xuân thì. Bất chợt, em thoáng giật mình khi bắt gặp ánh mắt tôi đang bối rối khi nhìn lướt vào đó. Em nhìn xuống và chợt nhận ra khuôn ngực trẻ con của mình đã thành thiếu nữ tự lúc nào. Bó cỏ trên tay em cứ xạc xào rơi xuống chân và bất giác hai tay em vòng lên che lấy khuôn ngực. Em bỏ chạy, mặc cho tôi có gọi quay lại để ôm bó cỏ về…

Cuối năm, nhiều nhà chung nhau mổ lợn để ăn Tết như cách thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Ảnh: TP.

Cuối năm, nhiều nhà chung nhau mổ lợn để ăn Tết như cách thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Ảnh: TP.

Khi học cuối năm cấp 3 trường huyện thì Thanh theo gia đình vào khu kinh tế mới ở Tây Nguyên rồi vắng tin nhau từ đó.

Có lần đi công tác về ghé lại nhà, nghe mẹ bảo:

- Hồi sáng đi chợ, con Thanh có đến chào, nó về mấy hôm trước mà nghe quay trở vô trong đó hôm qua rồi.

Nghe tin em về quê mà không gặp được, cũng thấy xao xuyến bâng khuâng những kỷ niệm tuổi học trò. Vẫn nhớ cái áo hoa em mặc đẫm nước khi ôm mớ cỏ buổi trưa ngày nào.

Về làng, thì thấy nhà ông Thức cuối xóm đang mổ lợn. Thường thì vào dịp cuối năm, vài nhà ở gần nhau chung đụng, nhắm sẵn một con lợn để ăn Tết. Được ưa nhất là loại lợn sề chậm lớn, thịt sẽ nhiều nạc, và cỗ lòng sẽ ngon. Ông Thức hớn hở: “Con lợn này nuôi hơn nửa năm nay rồi, chỉ cho ăn rau, cám và bã rượu ủ thôi nên thịt thơm và ngon lắm. Mấy nhà chia nhau thịt xương cũng vừa vặn cho mấy ngày Tết. Thôi thì gặp dịp, mấy chú ngồi cùng uống chút rượu xuân”.

Cỗ lòng lợn vừa luộc chín tới đang bốc khói lan trong chiều se se lạnh. Ông Thức bảo đứa cháu lấy chai rượi nếp chôn đất từ năm ngoái lên để đãi đằng khách làng. Mọi người ngồi quanh tấm chiếu rộng trãi giữa nhà để uống rượu. Thằng Tân bạn tôi nói như rang bắp: “Ui trời, cuối năm được nhắm lòng lợn tươi với rượi nếp ủ đất thì sướng thôi rồi. Dạ, mời các anh, các cụ lên ly thôi chứ chịu không nổi nữa rồi”. Mọi người cùng cười rồi hè nhau cụng ly côm cốp.

Đám thanh niên xắn tay giúp làm bữa tiệc nhỏ cuối năm tại nhà mổ lợn. Ảnh: TP.

Đám thanh niên xắn tay giúp làm bữa tiệc nhỏ cuối năm tại nhà mổ lợn. Ảnh: TP.

Tôi chầm chậm thả bộ từ ngã rẽ đi về nhà mình. Đến cổng thì nghe tiếng thưa dạ đằng sau. Một cô bé chừng bảy, tám tuổi xinh xắn lễ phép: “Dạ, ông cháu mời ông lên nhà ăn cơm ạ”. Hóa ra, đó là cháu ngoại của Quốc, thằng bạn cùng thời cắt cỏ, tát đìa bắt cá với tôi, nhà ở xóm trong.

Những bữa cơm quây quần cuối năm, đông con cháu, có được người bạn dự là vui lắm. Quốc với tay định mở lon bia, tôi ngăn lại và chỉ vào thẩu rượu. Nó cười khè khè: “Đúng đúng, cuối năm uống với nhau ly rượu nấu thơm nồng là đã thấy Tết về ngay rồi”.

Làng dựa lưng vào núi cát, mặt hướng ra bờ sông Kiến Giang nên ai cũng nói câu “sơn thủy hữu tình”. Sau mùa giông bão, cả làng hè nhau kiếm cây phi lao, tràm trồng kín những động cát trắng sát làng. Những hàng cây này lớn lên, ken dày thành bức tường xanh chống được cát bay, cát lấp.

Những tháng năm dần qua, đời sống bà con khấm khá lên thì nhà xây, nhà tầng cứ đua nhau mọc lên. Về làng, hiếm tìm ra được ngôi nhà xây ba gian nữa rồi. Quốc bảo, nhà có khó đến mấy cũng vay mượn để làm được ngôi nhà đổ mái bằng mà tránh bão, trú mưa chớ. Nên bây chừ không còn nhà tạm nữa mô.

Động cát bây giờ sừng sững mấy chục cây cột điện gió phía sau làng. Ảnh: TP.

Động cát bây giờ sừng sững mấy chục cây cột điện gió phía sau làng. Ảnh: TP.

Vậy rồi, vùng cát như bừng tỉnh giấc khi Công ty cổ phần điện gió B&T đầu tư trên 8.200 tỷ đồng xây dựng dự án điện gió. 60 “ống cối xay” đứng sừng sững sau động cát. Những ngày gió lớn, cánh quạt khổng lồ cứ qua kêu ù ù như tiếng động cơ máy bay. Cứ mỗi buổi chiều, ông Thức gần 90 tuổi lại vác ghế ra ngồi dưới bóng râm của bụi tre lớn còn lại của làng. Ông phanh ngực đón gió từ biển thổi vào. Thấy tôi, ông nhướng mắt lên bảo: “Cái thằng quạt gió đó quạt khiếp. Nhờ nó mà gió mát thêm đấy phải”.

Bọn con cháu đi qua nghe thấy chỉ dám cười chứ không dám cãi cái suy nghĩ mộc mạc và cảm nhận chân chất của một người sinh ra, lớn lên và còn những ngày cuối đời trên vùng cát.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xuất khẩu nông sản 4 tháng đạt hơn 19 tỷ USD

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, do có sự chuẩn bị, dự báo chính xác nên 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 19 tỷ USD (tăng hơn 23%).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đội Bình nghĩa sĩ Hà thành muôn thuở chẳng phai mờ

Ông Đặng Đình Tân - nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ cho biết, để ghi công cụ Đội Bình, tổng Đại Bối đổi tên thành tổng Đội Bình, nay là xã Đội Bình.