| Hotline: 0983.970.780

Những hệ lụy từ các dự án thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên

[Bài 3] Ám ảnh thủy điện xả lũ

Thứ Sáu 21/05/2021 , 08:57 (GMT+7)

Đến mùa mưa bão, cả người dân sống bên cạnh những công trình thủy điện lẫn người dân sống ở vùng hạ du đều nơm nớp lo sợ thủy điện xả lũ…

Gương mặt ông Đinh Đôi, Bí thư làng O3 xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) như chùng xuống khi kể chuyện nhà 3 hộ dân trong làng bị thủy điện xả lũ cuốn trôi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Gương mặt ông Đinh Đôi, Bí thư làng O3 xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) như chùng xuống khi kể chuyện nhà 3 hộ dân trong làng bị thủy điện xả lũ cuốn trôi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Ông Đinh Đôi, Bí thư làng O3, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), tuy nay đã 68 tuổi nhưng còn rất năng động. Thấy chúng tôi bước vào căn nhà sàn, đang giúp vợ nấu cơm trưa bên bếp lửa ông Đôi liền đứng dậy tiếp khách rất vui vẻ. Đang chuyện trò hào hứng, nhưng khi nhắc đến chuyện thủy điện xả lũ, gương mặt ông Đôi bỗng chùng xuống, đượm buồn pha lẫn chua xót.

Ông Đôi kể: Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa lũ là người dân làng O3 thấp thỏm đứng ngồi không yên. Mỗi khi nghe Thủy điện Vĩnh Sơn 5 hú còi báo hiệu xả lũ là bà con nháo nhào, cứ như tử thần sắp gõ cửa. Sợ lắm. Kinh hoàng nhất là mùa lũ năm 2013. Trời đất đang hung hãn bởi những cơn mưa như trút nước thì thủy điện Vĩnh Sơn 5 xả đập đột ngột, đoạn sông Kôn chảy qua làng O3 vẫn khô khốc quanh năm do thủy điện chặn dòng, bỗng dâng nước cuồn cuộn.

Ông Đinh Đôi, Bí thư làng O3 xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), dắt tác giả ra bờ sông Kôn chỉ nơi 3 căn nhà của ông Đinh Trăm, Đinh Hùng, Đinh Nghé bị lũ cuốn trôi vào năm 2013. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Đinh Đôi, Bí thư làng O3 xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), dắt tác giả ra bờ sông Kôn chỉ nơi 3 căn nhà của ông Đinh Trăm, Đinh Hùng, Đinh Nghé bị lũ cuốn trôi vào năm 2013. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Đập thủy điện Vĩnh Sơn 5 nằm ngay trên làng O3, nên khi thủy điện xả lũ là người dân ở đây bị ảnh hưởng trực tiếp. Chỉ trong vòng 1 tiếng rưỡi đồng hồ sau khi thủy điện xả lũ, dòng nước sông Kôn đã cuốn phăng 3 căn nhà của ông Đinh Trăm, Đinh Hùng và Đinh Nghé. 3 căn nhà này không nằm sát bờ sông lắm, thế nhưng dòng lũ hung hãn đã nhanh chóng xâm thực vào bờ đến 50m, dài 600m, cuốn phăng cả 3 căn nhà nói trên cùng mọi vật dụng trong nhà. Cũng may trước đó chính quyền địa phương đã vận động 3 hộ dân nói trên đi sơ tán chứ nếu không giờ họ đã không còn đi rẫy được nữa rồi”, ông Đinh Đôi ngậm ngùi nhớ lại.

Ông Đinh Khu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), không khỏi bức xúc khi nhắc đến chuyện thủy điện xả lũ. Ông Khu chậm rải kể: Ngoài cơn lũ lịch sử xảy ra vào năm 2013, những cơn lũ năm 2016 và năm 2020 cũng là nỗi kinh hoàng của người dân xã Vĩnh Kim. Bình thường thì không sao, nhưng khi thủy điện xả đập là dòng nước sông Kôn trở nên xoáy mạnh, cuốn vào làng O3. Ví như trong đợt lũ vừa xảy ra vào cuối năm 2020, khi thủy điện xả lũ dân làng O3 phải tháo chạy nháo nhào.

Làng Đăk Tral, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) nằm hiu hắt dưới 'họng' thủy điện Vĩnh Sơn 5. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Làng Đăk Tral, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) nằm hiu hắt dưới “họng” thủy điện Vĩnh Sơn 5. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Còn làng Đăk Tral nằm ngay họng thủy điện Vĩnh Sơn 5 thì chia thành 2 vùng cách biệt, 1 vùng là trung tâm xã Vĩnh Kim, nhà cửa chủ yếu là trụ sở cơ quan, vùng kia là những khu dân cư của 107 hộ dân người Bana sinh sống. Đặc thù của làng Đăk Tral là nằm giữa kênh dẫn nước của thủy điện Vĩnh Sơn 5 và sông Kôn, nếu thủy điện xả lũ gây ra sự cố thì 107 hộ dân làng Đăk Tral không biết phải chạy hướng nào để thoát thân.

“Thủy điện Vĩnh Sơn 5 đào lòng kênh dài 3km dẫn nước về nhà máy nằm phía bên dưới để phát điện, đây là kênh hở. Khi thủy điện xả lũ, nước trong kênh lớn quá sẽ tràn ra ngoài làng. Trong đợt lũ xảy ra năm 2016, lãnh đạo UBND xã trực tiếp đi kiểm tra, thấy nước từ kênh thủy điện tràn vào làng nguy kịch quá, tôi phải yêu cầu thủy điện Vĩnh Sơn 5 đưa xe múc đến phá kênh để nước không tràn xuống làng, khi ấy mới giải nguy được cho người dân làng Đăk Tral. Trường Tiểu học làng Đăk Tral thì nằm ngay dưới chân đập thủy điện Vĩnh Sơn 5, nếu xảy ra bất trắc thì chắc chắn ngôi trường sẽ bị lũ xóa sổ”, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim Đinh Khư, chia sẻ.

Họa chồng họa

Ắt nhiên làm thuỷ điện là phải cần đến nước, nhưng nếu hàng ngàn héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu đồng loạt biến mất đồng nghĩa là thủy điện đã xoá sổ những “trạm” giữ nước. Theo ý kiến nhiều chuyên gia về môi trường, thì thuỷ điện phá hoại tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học nặng nề nhất. Ngoài ra, thuỷ điện còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng hạ lưu.

Làm thuỷ điện là phải đắp đập. Bao nhiêu nguồn dinh dưỡng mà rừng cung cấp cho hệ sinh thái các dòng sông sẽ bị đập thủy điện “gạn” lại, khi các dòng sông dưới hạ lưu cạn kiệt các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, thì các loài cá, ốc sẽ không thể sống nổi. Sông mà không còn cá thì người dân vùng hạ lưu sống nhờ vào những nghề sông nước ắt cũng phải “chết đói” theo. Rừng càng bị tàn phá thì bão lũ cũng sẽ xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ngày 15/11/2013, một trận lũ kinh hoàng đã đâm thẳng vào Nhà máy thủy điện An Khê-Kanak nằm trên địa bàn xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) gây hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngày 15/11/2013, một trận lũ kinh hoàng đã đâm thẳng vào Nhà máy thủy điện An Khê-Kanak nằm trên địa bàn xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) gây hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhãn tiền nhất là trận lũ lịch sử xảy ra vào cuối năm 2013 mà tôi tận mắt chứng kiến sự “thần tốc” của nó. Giữa buổi chiều ngày 15/11/2013, đang ngồi làm việc tại UBND huyện Tây Sơn thì cánh nhà báo chúng tôi bỗng nghe chị cán bộ văn phòng ủy ban râm ran thông tin lũ lớn đang xảy ra tại huyện Vĩnh Thạnh. Anh em bàn bạc chiều hôm ấy kéo nhau lên Vĩnh Thạnh để làm lũ, chưa kịp thực hiện ý định thì lũ đã ùa về đến Tây Sơn.

Chỉ trong loáng mắt, khoảng sân rộng của UBND huyện Tây Sơn đã ngập nước cao đến hơn 1m. Cơn lũ “thần tốc” đến mức những hộ dân định cư ở những vùng đất cao nhất của huyện Tây Sơn cũng trở tay không kịp.

“Rừng bị phá để làm thủy điện hết rồi, còn cây cối đâu mà giữ nước, mưa trút bao nhiêu nước xuống thượng nguồn là bấy nhiêu nước ồ ạt chảy về xuôi nên mới xảy ra lũ lớn và nhanh đến vậy”, khi ấy chúng tôi nghe người dân huyện Tây Sơn vừa chạy lũ vừa than trời như vậy.

Đập thủy điện Vĩnh Sơn 5 chặn dòng, sông Kôn phía trên đập nước ngập tràn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đập thủy điện Vĩnh Sơn 5 chặn dòng, sông Kôn phía trên đập nước ngập tràn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mùa lũ thủy điện xả lũ đã đành, cả vào mùa khô người dân xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) cũng bị những đợt xả lũ bất ngờ của công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5 đe dọa.

“Không biết hệ thống thủy điện trên sông Kôn được thiết kế kiểu gì mà công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5, công trình thi công muộn nhất trên sông Kôn tính đến thời điểm này, cả vào mùa khô cũng xả lũ.

Bởi, nếu thủy điện Vĩnh Sơn 5 tích nước quá đầy sẽ làm ngập tổ máy phát điện của thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh nằm phía trên đó. Vào mùa nắng mà có mưa dông là mực nước sông Kôn bên trên chân đập thủy điện Vĩnh Sơn 5 sẽ dâng cao, khi ấy, do sợ ngập tổ máy của thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh nên thủy điện Vĩnh Sơn 5 phải xả đập.

Nhiều khi họ xả (thủy điện Vĩnh Sơn 5-PV) mà không hú còi báo động trước, nước xuống đột ngột làm trôi hết ống nhựa của dân làng O3 dùng để dẫn nước sinh hoạt từ trên núi về sinh hoạt khiến dân làng O3 nhiều phen hoảng hốt. Những lúc như vậy dân làng O3 bị “cầm cố” trong làng 4-5 ngày liền không đi đâu được, bởi cây cầu treo bắc vào làng làm chưa xong, bà con phải lội sông để sang bên xã, khi thủy điện xả lũ là dòng sông tràn ngập nước mất cả đường đi”, ông Đinh Đôi, Bí thư làng O3, bức xúc cho hay.

Ông Đinh Khư, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), đề nghị 'Khi quy hoạch thủy điện ngành chức năng phải đi khảo sát thực tế, quy hoạch vừa phải thôi'. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Đinh Khư, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), đề nghị “Khi quy hoạch thủy điện ngành chức năng phải đi khảo sát thực tế, quy hoạch vừa phải thôi”. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Đinh Khu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, xác nhận chiếc cầu treo làng O3, công trình do Bộ GT-VT đầu tư giao cho Công ty Đạt Tiến ở Quảng Ngãi thi công từ năm 2018, tính đến nay đã hơn 3 năm mà vẫn chưa xong. Bí thư làng O3, ông Định Đôi, phải vận động người dân cả làng  khoảng 150 người vào rừng chặt lồ ô, luồng mang về gác làm mặt cầu để đi, 2 bên mố cầu người dân chặt cây rừng làm thang để leo lên cầu. Dân cả làng làm 1 ngày rưỡi mới xong. Nếu không có cây cầu này, vào mùa khô mà đập của thủy điện Vĩnh Sơn 5 xả nước thì người dân làng O3 lâm cảnh “nội bất xuất” vì không thể đi qua sông.

“Chúng tôi mong khi quy hoạch thủy điện, ngành chức năng phải đi khảo sát thực tế, quy hoạch vừa phải thôi, đừng tràn lan, phải có tầm nhìn tổng quan. Cứ cái kiểu Trung ương “ấn” xuống địa phương phải thực hiện, công trình thủy điện cứ chồng chất lên nhau như trên sông Kôn bây giờ, khi sự cố xảy ra thì chính quyền cấp xã là khổ nhất. Khi cuộc sống người dân mất ổn định, họ cứ kêu ca thì người nghe đầu tiên là chính quyền xã, nghe mà không thể xử lý vì vượt tầm khiến chúng tôi xót xa lắm”, ông Đinh Khư, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, kiến nghị.

Xem thêm
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất