| Hotline: 0983.970.780

Những hệ lụy từ các dự án thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên

Thứ Tư 19/05/2021 , 17:10 (GMT+7)

Chỉ một dòng sông mà phải ‘gánh’ đến hàng chục công trình thủy điện. Thủy điện có mặt, nhiều diện tích rừng biến mất, nỗi khổ cũng dập dồn tìm đến với người dân.

Bài 1: Nỗi niềm dòng sông 'gánh' hàng chục thủy điện

Năm 1989, công trình thủy điện đầu tiên có mặt tại Bình Định. Không lâu sau đó, có thêm hàng chục thuỷ điện khác ‘nối đuôi’ nhau ra đời, tập trung tại huyện Vĩnh Thạnh.

Vừa ra khỏi thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) là chúng tôi gặp ngay Nhà máy thủy điện Định Bình đứng lừng lững. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vừa ra khỏi thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) là chúng tôi gặp ngay Nhà máy thủy điện Định Bình đứng lừng lững. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thủy điện ‘nối đuôi’ ra đời

Con đường từ thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) đi xã vùng cao Vĩnh Kim hoang vắng vô cùng. Rong ruổi cả chặng đường dài 35km, lâu thật lâu mắt tôi mới “chạm” được vài căn nhà sàn của đồng bào dân tộc Bana đứng xiêu vẹo trông rất đơn độc.

Đất rộng người thưa nhưng dọc trên chặng đường lại chen đầy những công trình thủy điện. Vừa ra khỏi thị trấn Vĩnh Thạnh theo hướng đi xã vùng cao Vĩnh Sơn là chúng tôi gặp ngay Nhà máy thủy điện Định Bình đứng lừng lững trên địa bàn xã Vĩnh Hảo. Công trình này có công suất lắp máy 9.9 MW do Công ty CP Thủy điện Định Bình làm chủ đầu tư.

Con đường từ thị trấn Vĩnh Thạnh đi xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) rất vắng, chỉ thấy toàn những công trình thủy điện. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Con đường từ thị trấn Vĩnh Thạnh đi xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) rất vắng, chỉ thấy toàn những công trình thủy điện. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lên thêm 1 đoạn nữa là Nhà máy thủy điện Ken Lút Hạ cũng nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hảo, công trình này có công suất lắp máy 6 MW do Công ty CP Thủy điện Bình Định làm chủ đầu tư. Phía trên Nhà máy thủy điện Ken Lút Hạ là công trình thủy điện Trà Xom nằm trên địa bàn xã vùng cao Vĩnh Sơn, công trình này có công suất lắp máy 20 MW do Công ty CP Thủy điện Trà Xom làm chủ đầu tư.

Rẽ qua nhánh đường dẫn về xã Vĩnh Kim một đoạn, chúng tôi tiếp tục gặp Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5, công trình này có công suất lắp máy 28 MW do Công ty CP Đầu tư Vĩnh Sơn làm chủ đầu tư. Qua khỏi làng Đăk Tra (xã Vĩnh Kim) đi về phía cuối nguồn sông Kôn, chúng tôi lại gặp Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn, đây là nhà máy thủy điện đầu tiên có mặt trên địa bàn Bình Định được xây dựng vào năm 1989, đến năm 1994 bắt đầu phát điện. Công trình thủy điện Vĩnh Sơn có công suất lắp máy 66 MW do Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh làm chủ đầu tư.

Cách Nhà máy thủy điện Định Bình chẳng bao xa là Nhà máy thủy điện Ken Lút Hạ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cách Nhà máy thủy điện Định Bình chẳng bao xa là Nhà máy thủy điện Ken Lút Hạ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chỉ vòng quanh mấy làng quê heo hút của vùng đất nghèo Vĩnh Thạnh mà chúng tôi đã thấy “hoa mắt” với những công trình thủy điện. Ấy vậy mà đã hết đâu. Theo Sở Công thương Bình Định, theo quy hoạch, trên địa bàn Bình Định có đến 17 nhà máy thủy điện lớn, nhỏ.

Chỉ tính riêng tại Vĩnh Thạnh, ngoài các nhà máy thủy điện Định Bình, Ken Lút Hạ, Trà Xom, Vĩnh Sơn 5 và Vĩnh Sơn như đã kể trên; còn có Nhà máy thủy điện Đăk Ple nằm trên địa bàn xã Vĩnh Sơn, công trình này có công suất lắp máy 4.4 MW; Nhà máy thủy điện Nước Trinh 1 có công suất lắp máy 3.5 MW và Nhà máy thủy điện Nước Trinh 2 có công suất lắp máy 8 MW cùng nằm trên địa bàn xã Vĩnh Kim đều do Công ty CP Thủy điện Bình Định làm chủ đầu tư.

Phía trên Nhà máy thủy điện Ken Lút Hạ là công trình thủy điện Trà Xom nằm trên địa bàn xã vùng cao Vĩnh Sơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Phía trên Nhà máy thủy điện Ken Lút Hạ là công trình thủy điện Trà Xom nằm trên địa bàn xã vùng cao Vĩnh Sơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chưa hết, sông Kôn đi qua xã Vĩnh Kim còn  phải “gánh” công trình Thủy điện Vĩnh Sơn 3 có công suất lắp máy 30 MW và công trình Thủy điện Vĩnh Sơn 2 có công suất lắp máy 80 MW đều do Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, trên địa bàn xã Vĩnh Kim còn công trình Thủy điện Vĩnh Sơn 4 có công suất lắp máy 18 MW do Công ty CP Đầu tư Vĩnh Sơn làm chủ đầu tư. Công trình này dù đã được khởi công xây dựng vào tháng 4/2016, thế nhưng do vướng nhiều diện tích rừng nên bị hoãn thi công đến nay đã 5 năm.

Sông Kôn bị “vắt kiệt” đến tận cùng, nằm về phía cuối dòng, đoạn đi qua xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) còn có Nhà máy thủy điện Tiên Thuận, công trình này có công suất lắp máy 9,5 MW do Công ty CP Tiên Thuận làm chủ đầu tư.

Thủy điện “nuốt” rừng

Cũng như nhiều địa phương khác, Bình Định không chủ động quy hoạch thủy điện, chỉ thực hiện theo quy hoạch của Bộ Công Thương.

Nhằm tận thu lợi thế dòng chảy bậc thang của thượng nguồn sông Kôn, trong những năm qua, Bộ Công thương đã quy hoạch trên dòng sông này những 13 công trình thủy điện, có tổng công suất lắp máy 289,3 MW. Hầu hết trong số các công trình thủy điện nói trên đều nằm trên địa bàn huyện miền núi Vĩnh Thạnh với 6 công trình đang hoạt động.

Rẽ qua nhánh đường dẫn về xã Vĩnh Kim một đoạn, chúng tôi tiếp tục gặp Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Rẽ qua nhánh đường dẫn về xã Vĩnh Kim một đoạn, chúng tôi tiếp tục gặp Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Sở dĩ công trình thủy điện Trà Xom chiếm nhiều diện tích đất là do phải ngăn lòng hồ trong thung lũng để tạo lòng hồ mới, lưu vực lòng hồ chiếm nhiều diện tích để chứa nước nên mất nhiều diện tích rừng. Thủy điện Ken Lút Hạ cũng vậy. Những công trình nằm trên lòng sông thì lòng hồ chứa nước chính là lòng sông nên ít mất diện tích rừng”

ông Nguyễn Ngọc Sang, Phó phòng Quản lý năng lượng thuộc Sở Công thương Bình Định

Một thời gian không lâu sau khi Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn đi vào hoạt động vào năm 1994 với tổng vốn đầu tư hơn 954 tỷ đồng, từ đó đến nay có thêm hàng chục nhà máy thủy điện khác đã và đang được xây dựng.

Riêng trong năm 2015, dòng sông Kôn tiếp tục “gánh” thêm 5 nhà máy thủy điện khác, gồm: Thủy điện Trà Xom và thủy điện Vĩnh Sơn 5 đều nằm trên địa bàn xã Vĩnh Kim; thủy điện Tiên Thuận có công suất nằm trên địa bàn xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn); thủy điện Văn Phong  nằm trên địa bàn xã Bình Tường (huyện Tây Sơn) và nhà máy thủy điện Ken Lút Hạ có công suất 6 MW nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh).

Đó là chưa kể nhiều nhà máy thủy điện đang triển khai đầu tư xây dựng mà sắp tới đây sông Kôn lại phải tiếp tục “gánh vác”, đơn cử như Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 4 nằm trên địa bàn xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) có vốn đầu tư hơn 621 tỷ đồng.

Làm thủy điện phải cần áp lực nước. Muốn có áp lực nước, thủy điện phải được xây dựng trên tầng cao. Mà trên tầng cao thì toàn là rừng nguyên sinh có nhiệm vụ phòng hộ đầu nguồn xung yếu. Do đó, nhà máy thủy điện mọc lên càng dày thì rừng nguyên sinh mất đi càng nhiều, theo đó, môi sinh càng bị hủy hoại nghiêm trọng.

Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn, công trình thủy điện đầu tiên tại Bình Định nằm về phía thượng nguồn sông Kôn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn, công trình thủy điện đầu tiên tại Bình Định nằm về phía thượng nguồn sông Kôn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đơn cử như công trình thủy điện Trà Xom có diện tích lưu vực lòng hồ (hồ 1 và hồ 2) là 86,9km2, công trình này có tổng diện tích đất bị chiếm dụng cho dự án là 355,8ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 181,45ha, đất phi nông nghiệp hơn 4ha, đất ở 1,71ha, đất chuyên dùng 1,37ha, đất sông suối 9,62ha, đất rừng 80,26ha và đất chưa sử dụng 77,34ha. Các công trình khác như thủy điện Vĩnh Sơn 2, thủy điện Vĩnh Sơn 3, thủy điện Tiên Thuận, thủy điện Vĩnh Sơn 4, thủy điệnVĩnh Sơn 5 và thủy điện Nước Lương mỗi công trình còn “nuốt” hàng trăm héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu khác tại các địa phương, nhiều nhất là ở huyện Vĩnh Thạnh.

“Hiếm có con sông nào lại phải “gánh” đến hơn chục công trình thuỷ điện như sông Kôn. Sự chen chúc của những công trình thủy điện đã khiến dòng sông biến dạng. Đó là chưa kể nhiều diện tích rừng nguyên sinh phòng hộ đầu nguồn bị xóa sổ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương luôn phải chịu áp lực về những kiến nghị, kiện tụng của nhân dân địa phương về những bức xúc do thủy điện mang lại. Hết kiến nghị bằng đơn thư, họ lại phản ánh qua những cuộc tiếp túc cử tri các cấp”, một cựu lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh, bộc bạch.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.