| Hotline: 0983.970.780

Những hệ lụy từ các dự án thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên

[Bài 2] Thủy điện làm xáo trộn đời sống người dân

Thứ Năm 20/05/2021 , 13:55 (GMT+7)

Công trình thủy điện đi đến đâu là đời sống người dân sở tại bị xáo trộn đến đó. Thủy điện hết giành đất sản xuất đến giành nước sinh hoạt của người dân.

Dân làng O3, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) không có ruộng lứa nước, chỉ làm nương rẫy và trồng rừng sản xuất. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Dân làng O3, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) không có ruộng lứa nước, chỉ làm nương rẫy và trồng rừng sản xuất. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thủy điện “nuốt” đất sản xuất

Công trình thủy điện chiếm nhiều diện tích đất nhất ở Bình Định được điểm danh là công trình thủy điện Trà Xom nằm trên địa bàn xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Công trình này có tổng diện tích đất bị chiếm dụng cho dự án là 355,8ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp bị công trình này tước mất là 181,45ha.

Năm 2008, khi công trình thủy điện Trà Xom khởi công xây dựng thì ngoài mất đi hàng trăm héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu, người dân xã Vĩnh Sơn còn mất đi 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, khoảng 30ha, cùng hàng trăm héc ta diện tích nương rẫy, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 117 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở đây.

Không còn đất sản xuất, đồng bào Bana ở xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) suốt ngày ở nhà lấy rượu làm vui. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Không còn đất sản xuất, đồng bào Bana ở xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) suốt ngày ở nhà lấy rượu làm vui. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Riêng dân làng K8 là mất trắng diện tích sản xuất nông nghiệp. Mất đất sản xuất là đồng nghĩa người dân địa phương mất đi nguồn lương thực, thế nhưng khi ấy đơn vị chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Trà Xom không đền bù thích đáng cho bà con khiến câu chuyện trở nên lùm xùm 1 thời gian dài.

Khi quy hoạch dự án thì giá cả thị trường chưa “bùng nổ”, thế nhưng khi tổ chức thi công vào năm 2008 thì đơn vị chủ đầu tư lại lấy giá cách đó nhiều năm để áp giá đền bù khiến người dân địa phương rất bức xúc. Khi ấy, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã đề nghị đình chỉ thi công đối với công trình thủy điện Trà Xom và thủy điện Vĩnh Sơn 5 do chậm đền bù giải phóng mặt bằng, vi phạm môi trường trong quá trình thi công và chưa thực hiện tái định canh, định cư cho người dân.

Hoặc như công trình thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh và Vĩnh Sơn 5 cũng “tước” mất của đồng bào dân tộc Bana ở xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) nhiều diện tích đất sản xuất. Theo ông Đinh Khu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, xã này có 567 hộ dân với 2.133 nhân khẩu, chiếm 41,76% trong đó là hộ nghèo theo tiêu chí mới.

Thế nhưng diện tích lúa nước ở xã Vĩnh Kim có rất ít, chỉ 33ha chia đều cho người dân 3 làng K6, Kon Trú và O2. Người dân 3 làng còn lại của xã Vĩnh Kim là Đăk Tral, O3 và O5 thì tịnh không hộ nào có ruộng lúa nước, đất sản xuất chủ yếu là nương rẫy trồng cây công nghiệp ngắn ngày và một ít diện tích trồng rừng sản xuất.

Đoạn sông Kôn từ làng O3 đến làng suối Nước Mật cạn trơ đáy, cả đoạn sông dài khoảng 6km bày đầy đá núi lổm chổm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đoạn sông Kôn từ làng O3 đến làng suối Nước Mật cạn trơ đáy, cả đoạn sông dài khoảng 6km bày đầy đá núi lổm chổm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Cây ngắn ngày trồng ở 3 làng Đăk Tral, O3 và O5 năng suất rất bấp bênh, thường xuyên bị mất mùa. Bởi địa thế của xã Vĩnh Kim như nằm trong chảo, 1 bên là núi, 1 bên là sông Kôn. Mùa nắng thì khí hậu ở Vĩnh Kim nóng khủng khiếp, mùa mưa thì nước tràn về kinh hoàng nên khó có cây trồng nào chịu đựng thấu”, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim Đinh Khư, cho hay.

Cũng theo ông Đinh Khư, dân xã Vĩnh Kim chủ yếu làm nông nghiệp, thế nhưng khi hàng chục héc ta đất sản xuất ở đây bị mất đi để nhường chỗ cho các công trình thủy điện thì người dân địa phương lập tức lâm cảnh long đong. Những hộ đồng bào dân tộc thiểu số định cư từ lâu thì có đất sản xuất, nhưng rồi cũng mất dần khi những công trình thủy điện có mặt, còn những hộ mới tách sau này thì không có chút đất nào để “cắm cuốc”.

Đã sống thì không thể không ăn, mà không có đất sản xuất thì lấy đâu lương thực để ăn. Vậy là nhiều người dân địa phương tự ý phá rừng làm nương rẫy, dù biết rõ đây là hành vi vi phạm pháp luật nhưng họ làm liều để kiếm kế sinh nhai. Thậm chí có nhiều người còn lên rừng khai thác lâm sản trái phép bán để kiếm tiền mua mắm, mua gạo.

“Khi trên địa bàn xã xuất hiện nhiều công trình thủy điện thì cuộc sống của bà con lập tức bị đảo lộn. Mất đất sản xuất, bà con không còn làm ruộng, đi rẫy, cứ quanh quẩn ở nhà tụ tập uống rượu gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương”, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim Đinh Khư bộc bạch.

Thủy điện “bức tử” sông Kôn

Theo người dân xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), từ khi công trình Thủy điện Vĩnh Sơn 5 có mặt trên địa bàn xã này thì đoạn sông Kôn chạy từ bờ đập công trình kéo dài đến suối Nước Mật khoảng 6km  thường xuyên bị trơ đáy, do nhà máy chặn dòng để phục vụ sản xuất điện. Dòng sông một thời nước đầy ăm ắp, phục vụ đắc lực cho chăn nuôi, cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân 2 làng O3 và Đăk Tral nay trở thành dòng sông chết.

Anh Trần Hữu Sâm (54 tuổi) là người Kinh có vợ là dân địa phương lên định cư tại làng Đăk Tral (xã Vĩnh Kim) đã 30 năm, cho biết: Cứ sau mùa mưa là Thủy điện Vĩnh Sơn 5 chặn dòng dẫn nước về nhà máy để sản xuất điện, vào mùa khô là đoạn sông Kôn phía dưới chân đập lập tức trơ đáy.

Từ khi trên địa bàn xuất hiện nhiều công trình thủy điện, cuộc sống của người dân làng Đăk Tral, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) trở nên xáo trộn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Từ khi trên địa bàn xuất hiện nhiều công trình thủy điện, cuộc sống của người dân làng Đăk Tral, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) trở nên xáo trộn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nói về nước sinh hoạt của người dân địa phương, ông Đinh Văn Vinh (54 tuổi), người làm trưởng làng Đăk Tra từ năm 2012 đến nay, ca thán: “Trước kia, khi trên địa bàn xã Vĩnh Kim chưa xuất hiện các công trình thủy điện thì nguồn nước sông Kôn rất dồi dào, người dân tắm rửa sinh hoạt thoải mái. Hồi ấy, cá, ốc dưới sông còn rất nhiều, bà con bắt làm thức ăn hàng ngày đỡ tốn tiền đi chợ nhiều lắm. Sau khi các công trình thủy điện trên đầu nguồn đắp đập thì bà con mất đi cuộc sống thoải mái lúc xưa. Bây giờ, vào mùa khô, bà con có muốn tắm cũng đành nhịn vì sông cạn khô nước, thậm chí nước sinh hoạt cũng không có, hiện bà con phải mua ống nhựa dẫn nước từ trên suối về để dùng”.

Ông Đinh Văn Vinh (bìa trái), Trưởng làng Đăk Tral, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), trò chuyện với PV. 

Ông Đinh Văn Vinh (bìa trái), Trưởng làng Đăk Tral, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), trò chuyện với PV. 

Theo ông Đinh Văn Vinh, Trưởng làng Đăk Tral, làng này hiện có 77 hộ dân đồng bà dân tộc Bana và 20 hộ dân người Kinh. Nguồn thu nhập chính của người dân ở đây là chăn nuôi bò, hộ nuôi nhiều đến vài chục con, hộ nuôi ít cũng 5-6 con. Trước khi có các công trình thủy điện thì nước sông dồi dào lũ bò mặc sức uống, tắm, cả vào mùa khô lũ bò cũng không thiếu nước. Thế nhưng từ khi có các công trình thủy điện, vào mùa nắng nóng lũ bò nuôi ở đây mất đứt nguồn nước uống, cứ đành phải liếm những vũng nước đọng còn sót lại trong dòng sông rất ô nhiễm. Uống nước bẩn khiến lũ bò sinh bệnh, bao nhiêu lo lắng ập đến với người dân làng Đăk Tral.

Cũng theo ông Vinh, do nước sông cạn kiệt nên mạch nước ngầm ở đây cũng bị hụt mất, tất cả các giếng đào của bà con trong làng bị khô nước, giếng nào còn được chút nước cũng ô nhiễm không sử dụng được. Nước sinh hoạt cho người, cho gia súc bị thiếu, đời sống của bà con ở đây đã vất vả giờ càng trở nên khốn khó hơn. Nguồn nước sông Kôn cạn kiệt đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động sản xuất của gần hơn 100 hộ dân ở đây.

“Sau khi Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 đi vào vận hành, suốt thời gian dài sau đó người dân làng Đăk Tral phải sử dụng nguồn nước mất vệ sinh được đơn vị chủ đầu tư bơm từ một ao nước tù, trước đây là cửa hầm phụ tuyến đường hầm của thủy điện được chặn lại để cấp cho dân, dù nước này rất mất vệ sinh. Bây giờ đã có hệ thống cung cấp nước sinh họa, nhưng bấy lâu nay bị hư hỏng, bà con lại phải dẫn nước từ suối về để sử dụng”, ông Đinh Văn Vinh, Trưởng làng Đăk Tral.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.