Năm 1973 ông Nguyễn Văn Tuấn vào lái xe cho Lâm trường Púng Luông ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đơn vị của ông vừa làm nhiệm vụ trồng rừng, vừa làm nhiệm vụ chống phỉ.
Mù Cang Chải lúc đó toàn là đồi núi trọc nom tựa như sa mạc bởi nạn đốt nương làm rẫy, du canh du cư của người Mông. Dân bản lúc đó vẫn còn tiêu tiền đồng bạc trắng hoa xòe thời thuộc Pháp chứ không biết tiêu tiền giấy, không biết trồng lúa nước vì sợ… bẩn váy mà chỉ biết làm nương. Những người Kinh như ông Tuấn khi lên đây đã khai phá những chỗ đất trũng và bằng phẳng để cấy lúa nước với mục đích tăng gia:
“Nếu chính sách nhà nước không cho trồng rừng thì có lẽ các đồi núi ở đây vẫn chỉ như sa mạc bởi không có cây để giữ nước. Lúc đầu người Kinh làm ruộng bón phân trâu, phân bò, người Mông bảo bẩn, cười chê nhưng khi có lúa ăn rồi thì chúng tôi mới chuyển giao kỹ thuật cho dân trồng.
Trong khi đó, người Mông làm nương chỉ 2 năm là đất bạc màu không thể trồng được gì nên cũng học theo người Kinh để trồng lúa nước và cũng biết bón phân trâu. Dần dần những thửa ruộng bậc thang được hình thành, đặc biệt nhiều từ những năm 80.
Năm 1982 thành lập công ty đặc sản chuyên thu mua thuốc phiện, vận động dân trồng cây thuốc phiện. Lúc đó đi đâu cũng toàn thấy một màu hoa thuốc phiện. Đến khi Liên Xô tan rã, thị trường xuất khẩu thuốc phiện không còn thì năm 1992 ta đã cấm hẳn cây trồng này. Lâm trường được giao nhiệm vụ tìm cây trồng thay thế thuốc phiện như chè, quế, táo Tàu, lê, thảo quả… Tôi chở cây đi các nơi, đường lúc đó nhiều chỗ còn không có, mùa mưa phải cuốn xích vào bánh xe mới chạy nổi.
Đầu những năm 90 tôi đã chở phân hóa học vào trong xã Nậm Khắt để bán nhưng chẳng mấy ai mua vì không biết cách dùng. Mãi đến cả chục năm sau họ mới biết dùng phân hóa học. Không chỉ người dân tại Nậm Khắt mà dân ở xã Púng Luông cùng huyện, dân ở xã Ngọc Chiến của tỉnh Sơn La cũng sang tìm mua”.
Ngay từ thuở ban đầu đó phân bón Lâm Thao đã xuất hiện rồi mới đến sản phẩm của các công ty khác nhưng tâm lý của nông dân vẫn thích nhất là phân bón có logo ba cành lá cọ. Mỗi năm ông Tuấn bán khoảng 500 tấn phân, trong đó có hơn 100 tấn của Lâm Thao gồm cả sản phẩm mới có chứa vi sinh ở vụ này. Ông Tuấn dẫn tôi đến thung lũng hoa hồng mới hình thành trên địa bàn xã Nậm Khắt. Trên là trời xanh mây trắng, dưới là sắc hoa thắm còn đẫm sương đêm khiến cho tôi ngỡ ngàng như lạc vào một góc trời Âu nào đó.
Người dân Mê Linh, Hà Nội thường đi tìm những nơi có tiểu vùng khí hậu mát mẻ để trồng hoa hồng như Ngọc Chiến tỉnh Sơn La, Sìn Hồ tỉnh Lai Châu, Sapa tỉnh Lào Cai. Năm 2019 anh Trần Văn Vĩ cùng mấy người đồng hương đã tìm lên Nậm Khắt và mê ngay mảnh đất này vì khí hậu mát mẻ và giá nhân công rẻ. Họ đứng lên thuê đất của dân với giá 40 triệu đ/ha và được huyện, tỉnh hỗ trợ làm các thủ tục pháp lý để yên tâm thành lập HTX hoa Nậm Khắt với hơn 10 thành viên do anh Vĩ làm giám đốc.
Về sau thấy làm ăn được, HTX đã phát triển lên 16 thành viên với diện tích hơn 60 ha và tiềm năng mở rộng còn được khoảng 100 ha nữa. Riêng anh Vĩ có hơn 3 ha với hơn 20 mặt hoa các loại, mỗi năm thu lãi được 1-1,5 tỉ đồng. Trung bình mỗi ha hoa hồng đầu tư 1 tỉ đồng trong đó phân bón chiếm tỷ lệ lớn, 400-600 triệu đồng gồm cả phân hữu cơ lẫn vô cơ:
“Giá phân chênh nhau không nhiều nhưng phân Lâm Thao dù chất lượng, giúp hoa đẹp và bền lâu, tuy nhiên do hỗ trợ cho đại lý ít nên họ cũng ít cho nhà vườn mua chịu nên năm rồi tôi mới dùng được vài tấn. Nếu mà đại lý hỗ trợ cho chịu vài tháng thì không chỉ tôi mà nhiều người trồng hoa khác trong HTX sẽ chuyển sang dùng hết hàng Lâm Thao”, anh Vĩ khẳng định…
Anh Mùa A Páo - cán bộ Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Phát triển Nông nghiệp huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đồng thời cũng là người Mông ở một nơi có tỷ lệ đồng bào chiếm hơn 90% nên hiểu rõ lối suy nghĩ của dân quê mình. Trước nhiều người Mông nhận thức còn kém, giờ cùng với hệ thống giao thông, mạng internet phát triển, được cán bộ tập huấn nhiều thì nhận thức của họ đã nâng cao dần.
Đơn vị của anh liên kết với các công ty, với các xã để tuyên truyền cho nông dân hiểu phải mua hàng chính hãng, không nên vì ham rẻ mà mua phân kém chất lượng, phân nhái: “Người già không biết chữ thì khó nói, nhưng người trẻ biết chữ thì dễ nói hơn. Chúng tôi tuyên truyền qua nhiều cách như qua hình ảnh, qua hội nghị hay qua thực tế mắt thấy, tay sờ.
Với những người bảo thủ, không có gì tốt bằng làm mô hình cụ thể để họ so sánh với cách làm cũ. “Tôi đã nói nhiều, tuyên truyền nhiều mà anh không theo, giờ tôi làm cho anh xem có tốt hơn cách anh làm kiểu cũ, có được nhiều bao thóc, bao ngô hơn không”.
Khi cây ngô, cây lúa trong mô hình được bón phân chất lượng, đúng kỹ thuật phát triển tốt, cho năng suất cao hơn cây ngô, cây lúa trong ruộng đối chứng vẫn làm theo kiểu cũ thì ở vụ sau những người này mới chịu làm theo. Huyện Mù Cang Chải đang phát triển du lịch nhưng mới chỉ được một phần nhỏ, còn phần lớn đồng bào kinh tế vẫn phụ thuộc chính vào nông nghiệp nên chuyện thay đổi nhận thức phải làm một cách liên tục và sáng tạo.