| Hotline: 0983.970.780

Đại điền: Ngoài kia gió đang thổi

[Bài 5] Tỉnh có 1.700 hộ đại điền, cấy từ 2 ha trở lên

Thứ Tư 26/10/2022 , 08:23 (GMT+7)

Hiện đại điền đang tự phát ở các địa phương nhưng nếu có chủ trương thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm thì mới thành công được.

"Hiện nay, Thái Bình có 1.700 hộ đại điền, cấy từ 2 ha trở lên. Trong đó từ 5 ha có 140 hộ, từ 7 ha có 120 hộ. Khi đã có các đại điền rồi, dứt khoát vận động để hình thành các HTX kiểu mới và thông qua đó họ sẽ được hưởng mọi chế độ chính sách của nhà nước, không còn phải “tự bơi” nữa", ông Đinh Vĩnh Thụy - Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình, nêu quan điểm.

Thúc đẩy nhanh quá trình hình thành đại điền

Chủ trương của tỉnh Thái Bình với đại điền ra sao thưa ông?

Thời gian vừa qua cơ cấu kinh tế nông thôn đã thay đổi mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp. Thái Bình tiếng là tỉnh nông nghiệp, trước chiếm 40-45% tỷ trọng kinh tế nhưng giờ chỉ khoảng 21%.

Bài liên quan

Trong quá trình chuyển dịch kinh tế như thế có sự chuyển dịch lao động khiến cho nông nghiệp thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Hệ số sử dụng đất giảm, trước khoảng 2,5-2,8 lần, giờ chỉ xoay quanh 2 lần, trước vụ đông trên đất 2 lúa chiếm 40%, giờ chỉ khoảng 20% và có nhiều ruộng bỏ hoang.

Những ai còn tha thiết với ruộng đồng thì vẫn cấy, còn lại cho người khác mượn. Việc đó diễn ra từng ngày, từng giờ, đang thể hiện rất rõ. Để thúc đẩy nhanh quá trình đó, tỉnh Thái Bình đã ban hành chủ trương hỗ trợ việc dồn đổi, tích tụ đất đai theo hai hướng:

Thứ nhất là hỗ trợ công các địa phương chỉ đạo, vận động nông dân cho người khác thuê ruộng, cứ mỗi ha được 1 triệu/năm. Thứ hai là hỗ trợ người cho thuê ruộng được 10 kg thóc/năm. Chính sách đó bắt đầu thực hiện từ năm 2022 và theo tiêu chí vùng cho thuê phải từ 10 ha trở lên.

Empty

Anh Trần Xuân Lưỡng ở xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương là một người tiên phong trong đại điền. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sau khi có chính sách như vậy, tốc độ tích tụ đất đai tăng hơn so với trước. Bằng chứng là cuối năm 2021 mới có 968 hộ đại điền cấy từ 2 ha, nay đã có 1.700 hộ. Qua khảo sát thì họ làm có lãi và có những người lãi tới 1,4 tỉ/năm.

Rõ ràng là nông dân nếu có quy mô đất đủ lớn thì có thể làm giàu. Muốn nông dân thiết với nông nghiệp phải làm giàu từ nông nghiệp. Vậy thì con đường duy nhất là phải mở rộng quy mô sản xuất cho nông dân, từ đó họ mới có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học, cơ giới hóa tất cả các khâu, làm ra được sản phẩm đủ điều kiện bán trên thị trường, nâng cao giá trị cho nông sản. Đầu vào thấp đầu ra thì tăng lên, tự nhiên có lãi, với diện tích lớn có thể làm giàu.

Tôi nghe nói khái niệm nông dân đi giày cao gót là của ông khi ví về những nông dân như chị Trần Thị Lanh người cấy 100 ha lúa. Vậy ông có thể lý giải cụ thể hơn về chuyện này được không?  

Tôi cho rằng nông dân thời hiện đại là nông dân cổ cồn, áo trắng, đứng lên chỉ đạo, thuê người khác làm chứ không phải như thời xưa lúc nào cũng vác cuốc, cày, lam lũ. Như chị Trần Thị Lanh sắm máy móc, thuê người khác làm, có thể đi giày cao gót, tham gia các diễn đàn, quảng bá cho sản phẩm gạo của nhà mình.

Bài liên quan

Tuy nhiên từ thực tế của hơn 1.700 đại điền tỉnh Thái Bình, dẫu đã nhìn thấy tương lai rồi nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn. Thứ nhất là khi mở rộng quy mô sản xuất, có thêm máy móc và lượng thóc thu hoạch nhiều lên thì phải có chỗ để chế biến, để làm kho, trụ sở. Một hộ nông dân sao có đất để làm?

Thứ hai là đại điền nhưng bản chất vẫn là nông dân, thiếu những kiến thức tổ chức sản xuất như thế nào để rõ về nguồn gốc, đảm bảo an toàn, rồi cách marketing ra sao…

Thứ ba là vẫn chịu tác động rất lớn trên thị trường, nếu đơn lẻ họ phải mua giống, phân bón, vật tư với giá cao, rồi không thể kết hợp các máy móc của từng hộ để hỗ trợ nhau thành ra hiệu quả sản xuất thấp.

Từ thực tế đó, tôi đã tổ chức họp các hộ đại điền lại, nói với họ rằng giai đoạn một các bác mới có ruộng, giai đoạn tới quan trọng hơn là tổ chức sản xuất. Dứt khoát là phải hình thành các hợp tác xã (HTX) kiểu mới bởi chỉ có liên kết với nhau mới làm được những thứ mà kinh tế hộ không thể giải quyết được.

Ví dụ, được mua vật tư đầu vào với giá rẻ bởi số lượng lớn, được góp những máy móc vào cùng sử dụng để khai thác hiệu quả hơn, được hưởng những chính sách ưu đãi của nhà nước cho HTX, được liên kết với các doanh nghiệp để tạo thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Đã có hàng loạt HTX kiểu mới hình thành như thế.

Hiện doanh nghiệp đã về để liên kết với nông nghiệp Thái Bình, đạt tỷ lệ trên 10% diện tích nhưng chưa chặt chẽ. Có thể vụ này được, vụ sau tan bởi làm với nhiều hộ nông dân nếu không bán được hàng thì họ bán cho doanh nghiệp, còn nếu tự bán được thì họ lại phá bỏ giao kèo. Nhưng nếu liên kết với HTX kiểu mới, với quy mô ruộng lớn như các đại điền thì không bao giờ dám phá vỡ hợp đồng.  

Empty

Ông Đinh Vĩnh Thụy - Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình: Nên có cơ chế hỗ trợ cho người ta thực hiện dồn đổi diện tích. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không để đại điền “tự bơi”

Hiện nay tôi có cảm giác là các đại điền vẫn đang “tự bơi” là chủ yếu chứ nhà nước chưa có những chính sách cụ thể cho việc này?

Có hai việc mà chính quyền cần phải làm, thứ nhất là tổng thống kê lại toàn bộ số hộ nông dân trên địa bàn, qua đó xác định ai có nguyện vọng làm ruộng và ai không. Những ai có nguyện vọng làm ruộng sẽ quy hoạch gọn vào một khu, còn những người không cũng quy hoạch gọn vào một khu theo từng làng, từng xã một. Sở NN-PTNT Thái Bình đã tham mưu với tỉnh như thế trong đề án cơ cấu ngành nhưng chưa thực hiện được.

Bài liên quan

Thứ nữa là ban hành cơ chế hỗ trợ người tích tụ, tập trung đất đai (cái này đã có), người cho thuê ruộng cũng có một tí, công cán bộ chỉ đạo ở xã cũng có một tí và người thuê ruộng sẽ được hưởng lợi từ “ngân hàng ruộng” tại địa phương mình, thuê theo hướng dài lâu. Đó là hoàn thành giai đoạn 1.

Giai đoạn 2, khi đã có các đại điền rồi, dứt khoát vận động để hình thành các HTX kiểu mới và thông qua đó họ sẽ được hưởng mọi chế độ chính sách của nhà nước, không còn phải “tự bơi” nữa. Cả hai giai đoạn này đều phải tiến hành song song.  

Trong 120 hộ đại điền diện tích từ 7 ha trở lên, từ đầu năm đến nay 2 đã mất vì tai nạn lật máy gặt và điện giật. Vậy ông suy nghĩ ra sao về chuyện an toàn lao động khi tiến lên sản xuất ở quy mô lớn?

Nông dân ở ta hầu như chưa được đào tạo gì, nhận thức còn nhiều hạn chế. Từ một nông dân bình thường tiến lên nông dân cổ cồn ở thời đại này rõ ràng cần nhà nước hỗ trợ. Trong chương trình hỗ trợ kinh tế tập thể của Chính phủ có đào tạo cho nông dân từ tổ chức sản xuất, chế biến đến làm thị trường.

Trước đây ở Thái Bình có mấy chục ngàn nông dân thì chương trình đó khả năng khó, nhưng giờ đại điền thu vào số lượng 1.700 hộ thì chúng tôi có thể sẵn sàng đào tạo cho họ. Trang bị cho họ những kiến thức vận hành máy móc, thiết bị, đừng kéo điện ra đồng đánh chuột, đừng vác máy ra đồng phun thuốc sâu bừa bãi… Thông qua đó thì những tai nạn, rủi ro chắc chắn sẽ được hạn chế.  

Empty

Anh Trần Xuân Lưỡng ở xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương là một người tiên phong trong đại điền. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ thực tế đại điền ở Thái Bình, suy ra muốn làm ở quy mô toàn quốc thì theo ông cần phải như thế nào?

Theo tôi, Nhà nước nên hỗ trợ một phần kinh phí để các địa phương thực hiện việc đó. Phải chỉ đạo rà soát lại số hộ, xong tuyên truyền vận động ai thiết tha với đồng ruộng thì cho gọn vào một khu, bố trí ruộng tốt nhất cho họ, còn những hộ nào không làm thì vào một khu.

Thứ hai là nên có cơ chế hỗ trợ cho người ta thực hiện dồn đổi diện tích. Thái Bình mới có hỗ trợ công chỉ đạo, hỗ trợ người có ruộng cho thuê, còn người đi thuê ruộng thì chưa nhưng đúng ra đã có một cách gián tiếp rồi, bởi nếu nông dân cho thuê được hỗ trợ 10 kg thóc/sào/năm thì sẽ hạ giá cho thuê xuống.

Bài liên quan

Nghị quyết Trung ương 5 có nói các địa phương nên hình thành ngân hàng đất ruộng, từ đó cho thuê thì là cách bền vững nhất và chúng ta phải thúc đẩy nhanh quá trình đó. Còn việc sửa đổi Luật Đất đai, mức hạn điền còn thấp cũng hạn chế phần nào việc tích tụ.

Hiện đại điền đang tự phát ở các địa phương nhưng nếu có chủ trương thống nhất từ Trung ương xuống địa phương giống như Nghị quyết 10, thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp thì mới thành công được. Nông dân ta vẫn nặng nề về chuyện tư hữu đất đai lắm! Ruộng không cấy đấy nhưng dứt khoát không bỏ ra, cho người khác thuê.

Tự phát mượn ruộng, thuê ruộng nếu là cùng xã thì còn có sự tin tưởng nhưng sang xã khác thì khó. Phải có trọng tài đứng ở giữa để đảm bảo đó chính là cấp ủy, chính quyền. Phải công khai quy hoạch của từng vùng để nông dân biết là có nhiều chỗ chỉ làm nông nghiệp chứ không thể chuyển đổi sang công nghiệp, khu dân cư được để họ không đắn đo khi cho thuê, cho mượn nữa.

Xin cảm ơn ông.

Tỉnh Thái Bình cũng đang có chính sách hỗ trợ máy làm đất, thu hoạch nhưng không quá 50% giá trị, máy cấy nhưng không quá 40 triệu đồng, thiết bị sấy  nhưng không quá 200 triệu đồng.

(thực hiện)

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.