| Hotline: 0983.970.780

Đại điền: Ngoài kia gió đang thổi

[Bài 6] Gặp đại điền nếu về quê làm ruộng, bố mẹ sẽ từ con

Thứ Năm 27/10/2022 , 09:01 (GMT+7)

Nông dân là bần cùng nhất xã hội mà mày đòi về làm thì tao cũng chịu, công ăn học coi như đổ xuống sông, xuống biển. Nếu cố tình về tao sẽ từ.

Cho mày ăn học rồi để về làm nông dân à?

Anh Nguyễn Văn Thắng - một đại điền của xã Ngô Quyền (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) nhớ lại lời của bố mẹ khi biết đứa con học Đại học Mỏ địa chất sau 5 năm đi làm bỗng dưng đùng đùng bỏ việc để về quê đòi làm ruộng.

Bài liên quan

Bố mẹ anh đều là nông dân nên thấm thía nỗi cực nhọc, muốn cho con cái phải thoát ly. Năm xưa anh chịu khó học hành cũng cùng chung ý định đó. Tốt nghiệp, anh làm ở phòng kỹ thuật của một công ty khai mỏ ở khu vực Đông Bắc, đúng ngành được đào tạo.

Lương tháng tuy được 10 triệu nhưng thường phải xa nhà, lúc đó anh vừa lập gia đình, có thêm con nhỏ mà vợ thì mới ra trường đi làm, thu nhập cũng khá bấp bênh. Khi đó Ngô Quyền là một xã có số người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất huyện Thanh Miện, nhờ vậy mà kinh tế của nhiều gia đình trở nên khấm khá, sung túc nhưng cũng vì thế mà các thôn xóm trở thành “làng rỗng”, những cánh đồng màu mỡ dần vắng bóng người gieo cấy để đất hoang. 

Empty

Anh Nguyễn Văn Thắng - một đại điền của xã Ngô Quyền vui với ngày thu hoạch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sau một thời gian đắn đo, Thắng viết đơn xin nghỉ việc nhưng không dám nói trước với người thân, chỉ khi về hẳn quê thì mọi người mới biết. Ai cũng phản đối dữ dội, mà mạnh mẽ nhất là bố mẹ, dọa sẽ từ con nếu anh cứ nhất quyết đâm đầu vào ruộng.

Thuyết phục không được, anh lẳng lặng làm để kết quả công việc sẽ là câu trả lời. Năm 2014, anh thuê ruộng của dân với mức 70.000đ/sào để cấy 14 mẫu lúa chung với anh rể. Không làm lúa kiểu thủ công như ông cha nữa mà Thắng sắm cái máy cấy - trở thành người thứ hai trong xã sở hữu công cụ hiện đại này.

Bài liên quan

Ngày mới bắt đầu gom ruộng để trồng lúa anh gặp phải muôn vàn khó khăn. Nhiều thửa ruộng bỏ hoang không cùng một khu mà lại “xôi đỗ” mỗi nơi một miếng, chỗ cao, chỗ trũng, đường đi lại khó khăn, mương máng bị sạt lở rất khó canh tác anh phải thuê máy xúc về cải tạo, phát quang cỏ dại.

Năm 2018, anh lập xưởng sản xuất mạ với 5,5 vạn khay, sắm thêm các máy cấy, máy cày, máy gieo hạt và 1 lò sấy 10 tấn thóc/mẻ. Nhờ vậy mỗi vụ có thể cấy được 600-700 mẫu trong đó 55 mẫu của gia đình mình ở 2 xã Ngô Quyền và Phạm Kha, còn lại là làm dịch vụ cho bà con. Tại xã Ngô Quyền lúc đầu anh phải thuê ruộng, về sau dân chán ruộng gọi cho mượn không lấy tiền, tại xã Phạm Kha thì anh làm hợp đồng với HTX thuê luôn 30 mẫu với mức giá 110.000đ/sào/vụ.

Empty

Anh Nguyễn Văn Thắng giữa những thửa ruộng lớn của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Mỗi cái máy cấy to mỗi ngày cấy được 10 mẫu ruộng tương đương với 50-70 người cấy tay. Mỗi máy gặt to mỗi ngày gặt được 10-15 mẫu ruộng, tương đương 50-70 người gặt tay. Mỗi dây chuyền gieo hạt mỗi ngày đảm bảo mạ cho 50-70 mẫu. Mỗi cái téc 1.000 lít dung dịch thuốc sâu đặt trên cái máy cày mỗi ngày phun được 20-25 mẫu…

Vợ tôi học Đại học Giao thông Vận tải, giờ về quê nhưng đang làm cho một công ty nên trong nhà chồng làm nông nhưng vợ không biết là tôi cấy bao nhiêu mẫu, không biết sâu bệnh thế nào đâu, chỉ thấy đến vụ tiền đổ vào tài khoản mình thôi.

Bài liên quan

Tôi từng bị một công ty giống hợp đồng sản xuất với mình rồi nhưng đến vụ thu mua, do lấy được ở chỗ khác đã đủ số lượng nên tìm đủ lý do nào là lúa xanh, nào lúa lẫn để “bỏ bom” tới vài chục tấn thóc. Bởi thế mà giờ tôi chỉ làm lúa thịt, tự nhân giống Bắc Thơm và nếp để cấy, còn giống TBR 225 thì mua. Đến mùa gặt máy sẽ xả thẳng vào từng cái lồ 1 tấn, xe chở về cho nâng đổ luôn vào lò sấy, không phải phơi. 

Làm nông cũng không nói trước được điều gì, như vụ xuân năm 2022, hai vạn khay mạ chết không hiểu vì sao, mất 300 triệu đồng đã đành còn bị chậm thời vụ, phải đền thóc giống cho dân khoảng 500 triệu đồng nữa. Nhưng may mắn là, từ hồi cấy lúa, tôi chưa từng bị lỗ năm nào, chỉ có điều lãi nhiều hay lãi ít, nói chung thu nhập cũng tương đương với những người đi xuất khẩu lao động Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Được cái là tự do, tự tại, làm những điều mình thích. Ngày ngày tôi dạo quanh khắp các cánh đồng rộng 55 mẫu của mình, đi thăm lúa mà coi như đi tập thể dục, được gặp gỡ bà con, được hít thở không khí trong lành, rất thích”. Thắng tâm sự. Tuy anh không nói số lãi mình thu được mỗi năm nhưng một số người làng ước đoán với tôi rằng cũng vào khoảng trung bình 400-500 triệu.

Empty

Anh Nguyễn Văn Thắng bên cánh đồng vàng rực. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trở lại nơi từng làm đơn xin trả lại ruộng

Thanh Miện chính là mảnh đất hơn 10 năm trước tôi viết loạt bài “Mối lo làng quê” phản ánh chuyện nông dân xin làm đơn trả lại ruộng. Chuyện chấn động cả nghị trường Quốc hội vì ngày xưa một phần vì khẩu hiệu người cày có ruộng mà cách mạng thành công mà nay lại sinh chán đất. Nhiều đại biểu đã chất vấn ông Bùi Thanh Quyến - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương hồi ấy về chuyện này.  

Tình cờ thế nào, giờ về lại gặp người quen cũ, “hiệp sĩ khuyến nông” Vũ Văn Tiến - nguyên Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Miện được ông dẫn đi thăm các mô hình đại điền. Nghỉ hưu từ năm 2020, hiện 65 tuổi nhưng ông vẫn ngày ngày đạp xe trung bình 40 km trong và ngoài huyện để tư vấn cho nông dân không công bằng cách hỏi đáp trực tiếp rồi livestream qua facebook cho nhiều người cùng xem.

Bài liên quan

Hiện “hiệp sĩ khuyến nông” đang hỗ trợ kỹ thuật cho 9 HTX trong huyện, được mỗi đơn vị trả 2-5 triệu tiền công/năm tùy tâm và 11 hộ đại điền trong huyện nhưng không lấy phí. Ông kể: “Chuyện đại điền manh nha từ 10 năm trước và phát triển mạnh từ năm 2015 trở lại đây. Tôi ước tính trong huyện có 18-20 hộ cấy từ 20 mẫu trở lên, có hơn 20 hộ cấy từ 5-10 mẫu trở lên, trong đó vợ chồng Thìn - Ái ở xã Ngũ Hùng cấy nhiều nhất, khoảng 150 mẫu.

Không như hộ nông dân nhỏ càng ngày càng bỏ ruộng nhiều, những đại điền nhờ sản xuất ở quy mô lớn mà họ mua đầu vào cái gì cũng rẻ nên dù giá bán thóc tương đương nhưng đem lại hiệu quả lớn. Anh Nguyễn Văn Thắng là một người trẻ dám nghĩ dám làm, lúc nào cũng đầu trần lang thang trên đồng.

Empty

Ông Vũ Văn Tiến ngồi ngay trên bờ mương vừa tư vấn cho nông dân về một loại cỏ, vừa livestream. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi tư vấn kỹ thuật cho HTX của địa phương này 34 năm, giờ tư vấn thêm cho Thắng, khi thấy hợp lý thì thôi, chứ còn lăn tăn gì là cậu phản biện đến cùng. Có khi tôi đến thông báo sâu bệnh, cậu ta cười bảo: “Cháu đã phun thuốc 2-3 hôm trước rồi”, vì cũng dự báo sâu bệnh đúng loại giống tôi, không lệch pha chút nào. Tri thức hóa nông dân là ở chỗ đó.

Tôi biết nhà cậu ta từ hồi ngày xưa chỉ là cấp bốn lợp rạ, sau lợp ngói, thế mà gần đây xây cái nhà mới, to lớn như biệt thự, trước là vườn cây, ao cá, rất mát mẻ, sạch đẹp cũng chỉ nhờ cấy lúa mà khấm khá lên. Điều đáng khâm phục là đợt sản xuất gặp thiên tai, thất bại nặng mà cậu vẫn hết sức bình tĩnh, gặp tôi vẫn cười như không, chứ như người khác là suy sụp ngay…

Việc hình thành đại điền là quy luật tự nhiên hiện nay. Những ai còn tuổi đi làm công nhân lương 5-7 triệu/tháng, già trên 50-70 tuổi không đi công nhân được thì nhặt chỉ hay gấp áo mưa cũng được 3-4 triệu/tháng. Cấy 1 mẫu ruộng cả vụ lãi 1-2 triệu không bằng đi làm 1 tháng thì dại gì mà người ta cấy? Vả lại dạo này thiên tai nhiều người ta cũng sợ cấy.

Empty

Ngôi nhà mới xây của anh Nguyễn Văn Thắng - một đại điền của xã Ngô Quyền. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Trẻ cậy cha, già cậy con”, hiện ở nông thôn con cái đi thoát ly hay đi xuất khẩu lao động, gửi tiền về cho bố mẹ xây nhà to, dưỡng già, câu đầu tiên chúng nói thường là: “Cả đời bố mẹ vất vả nhiều rồi, nay đừng cấy lúa nữa”.

Ruộng bỏ hoang nhiều lắm, nhất là nơi có khu công nghiệp hay có nghề phụ. Cho mượn ruộng gọn vùng còn có người cấy, cho kiểu “xôi đỗ”, mảnh nọ mảnh kia những nơi khác nhau không ai nhận. Trong hình dung của tôi, sau này mỗi xã chỉ cần 3-5 người cấy lúa quy mô lớn thôi.

Giờ có máy móc làm hết nên không giới hạn về diện tích nữa, quan trọng là cái đầu tổ chức. Giờ giá lúa gạo thấp, lợi nhuận của việc làm ruộng thấp, còn mượn được chứ khi nào giá thóc gạo lên, các đại điền phải trả tiền thuê cho nông dân thôi”.

Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương, chỉ tính riêng các hộ thuê, mượn đất để sản xuất rau màu vụ đông từ 1 ha trở lên trên địa bàn có 243 hộ, với tổng diện tích 1.774 ha. Đặc biệt nhiều có huyện Gia Lộc có 83 hộ, trong đó hộ ông Lê Văn Am, Nguyễn Văn Bậc ở thị trấn trồng tới 30 ha lúa kết hợp su hào, bắp cải. Có những vụ một sào rau “đánh đổ” mấy chục sào lúa về lợi nhuận.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...