| Hotline: 0983.970.780

Mong về Quỹ Nghiên cứu lúa gạo Quốc gia

[Bài 7] Định hướng phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Ấn Độ

Chủ Nhật 10/12/2023 , 11:00 (GMT+7)

Bộ giống chất lượng và đổi mới canh tác là nền tảng của quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành lúa gạo Ấn Độ, giúp đảm bảo nguồn cung gạo trong nước và xuất khẩu.

Ấn Độ là một trong những cường quốc về sản xuất lúa gạo.

Ấn Độ là một trong những cường quốc về sản xuất lúa gạo.

Ấn Độ và Việt Nam hiện là hai quốc gia sản xuất gạo chủ lực, chiếm 55% lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới. Do đó, trao đổi thông tin ngành lúa gạo giữa hai nước là rất cần thiết để chung tay đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Ông Himanshu Pathak, Tổng giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ, có cuộc trao đổi riêng với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Từ khi Hội đồng được thành lập vào năm 1965, các dự án cải tiến lúa gạo toàn diện đã góp phần tạo ra 1375 giống lúa, trong đó có 117 giống lúa lai (năm 2020).

Lúa phát thải thấp, thích ứng biến đổi khí hậu

Cũng như Việt Nam, Ấn Độ đặt mục tiêu phát triển hệ thống 1 triệu ha lúa gieo sạ trực tiếp. Định hướng này dựa vào những nghiên cứu đã chỉ ra rằng kỹ thuật gieo sạ trực tiếp sẽ giảm 30% phát thải khí nhà kính do trồng lúa gây ra, hướng tới nông nghiệp xanh, bền vững. Điều này sẽ giúp hàng triệu nông hộ nhỏ ở Ấn Độ thích ứng với thời tiết bất thường, đảm bảo sinh kế.

Đây là nỗ lực nhằm chuyển đổi sản xuất lúa gạo, được Tập đoàn Bayer đầu tư hệ thống, hỗ trợ chuyển đổi số, đào tạo năng lực cho nông dân. Dự kiến năm 2040, Ấn Độ sẽ có 75% diện tích đất canh tác sử dụng phương pháp gieo sạ trực tiếp, so với 11% như hiện nay.

Giai đoạn đầu của dự án do Bayer đầu tư đã đạt thành công đáng kể với 99% nông dân Ấn Độ tham gia hiểu phương pháp gieo sạ, đạt 75% lợi tức đầu tư cao hơn so với phương pháp cấy truyền thống. Do đó, Bayer sẽ giới thiệu mô hình này tại các quốc gia khác ở Châu Á Thái Bình Dương, bắt đầu từ Philippines vào năm 2024.

Tổng giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ Himanshu Pathak bàn về nghiên cứu lúa lai tại Đại hội Lúa gạo quốc tế 2023. Ảnh: Quỳnh Chi.

Tổng giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ Himanshu Pathak bàn về nghiên cứu lúa lai tại Đại hội Lúa gạo quốc tế 2023. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Himanshu nói: “Thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành khoa học toàn cầu nói chung, ở Ấn Độ nói riêng. Để đạt được mục tiêu này, Ấn Độ đang triển khai chương trình toàn quốc về biến đổi khí hậu, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, nghiên cứu khoa học lúa gạo được tập trung nhằm phát triển các giống lúa được trồng trong điều kiện ngập nước và giảm phát thải khí metan”.

Ở Ấn Độ, các cánh đồng lúa thải ra khoảng 3,4 triệu tấn khí metan mỗi năm, là một trong những tác nhân chính dẫn tới hiện tượng trái đất nóng lên. Do đó, ngành khoa học lúa gạo Ấn Độ luôn chú trọng giảm thiểu khí thải metan trong quá trình lúa phát triển.

Bên cạnh đó, các yếu tố quan trọng khác đối với khoa học gạo không chỉ là đảm bảo nguồn cung trong nước, mà còn củng cố an ninh lương thực toàn cầu. Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và trồng lúa bền vững được coi là ưu tiên hàng đầu, phát triển các giống lúa cải tiến, có khả năng chống chịu cao. Tuy vậy, năng suất lúa ở các địa phương chưa đồng đều, nhiều nơi đối mặt với hạn hán, lũ lụt…

Một số mẫu gạo tại Ấn Độ.

Một số mẫu gạo tại Ấn Độ.

Tất cả các khía cạnh này cần được giải quyết đồng bộ, khoa học. Cụ thể, đối với cây lúa, Ấn Độ đã phát triển được số lượng lớn các giống có khả năng chịu hạn, chịu nhiệt, chịu lũ lụt, kháng côn trùng hại, dịch bệnh… Đặc biệt trong bối cảnh khí hậu biến đổi thất thường, tình trạng côn trùng gây hại cho đồng lúa ngày càng khó dự đoán.

Việc đầu tư cho bộ giống lúa chất lượng cao là mục tiêu đầu tiên để Ấn Độ chuyển đổi cơ cấu toàn ngành. Mục tiêu thứ 2 nhằm giải quyết tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu là thay đổi cách trồng lúa.

“Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để phát triển công nghệ gieo sạ trực tiếp. Chúng ta đều biết gieo sạ trực tiếp giúp giảm phát thải khí nhà kính tới 35-40%, tiết kiệm 35-40% lượng nước sử dụng trong trồng trọt”, Tổng giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ nói.

Tuy vậy, người nông dân Ấn Độ đang đối mặt với nhiều vấn đề khi chuyển đổi phương pháp canh tác lúa từ cấy sang gieo sạ trực tiếp. Một trong số đó là vấn đề cỏ dại nghiêm trọng. Phương pháp cấy lúa trước đây giữ nước trên ruộng khoảng 15 ngày sau khi cấy, ngăn cỏ dại mọc lên. Nhưng đối với phương pháp gieo sạ trực tiếp, cỏ dại mọc lan rộng, ảnh hưởng cây lúa non.

Theo đó, phát triển các giống lúa chịu thuốc diệt cỏ là lĩnh vực được nghiên cứu rộng rãi ở Ấn Độ. Các nhà khoa học cho ra đời và đưa ra thị trường 2 giống lúa có khả năng này, đem lại lợi ích cho canh tác gieo sạ.

Mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu

Có thể thấy, phát triển nghiên cứu bộ giống là nền tảng cho quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành lúa gạo Ấn Độ. Bộ giống chất lượng tạo điều kiện cho người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu và thay đổi phương thức canh tác. Đây là những điều kiện tiên quyết để Ấn Độ đảm bảo nguồn cung gạo trong nước.

Đến năm 2050, ước tính dân số Ấn Độ là khoảng 1,7 tỷ người, cần hơn 162 triệu tấn gạo/năm, trong khi sản lượng gạo hiện nay là 122 triệu tấn/năm. Đồng thời, quá trình đô thị hóa nhanh chóng không cho phép tăng diện tích đất trồng trọt ở quốc gia này; diện tích từ 44 triệu ha đã giảm còn 38 triệu ha trong những năm gần đây. Thời gian tới, ngành lúa gạo Ấn Độ sẽ tăng sản lượng theo chiều dọc, trọng tâm là phát triển giống lúa có thể chống chịu biến đổi khí hậu, kháng bệnh, năng suất tốt.

Basmati tạo nên thương hiệu gạo Ấn Độ trên thị trường thế giới. Ảnh: CIAT.

Basmati tạo nên thương hiệu gạo Ấn Độ trên thị trường thế giới. Ảnh: CIAT.

Tổng sản lượng 122 triệu tấn gạo/năm của Ấn Độ có 100 triệu tấn được tiêu thụ trong nước và 22 triệu tấn xuất khẩu. Trong số đó, thị phần gạo Basmati, loại gạo chất lượng cao là khoảng 4,6 triệu tấn, mang lại kim ngạch 5 tỷ đô la. 17 triệu tấn còn lại là các loại khác Basmati. Đặc biệt, châu Phi nhập khẩu gần 10 triệu tấn gạo khác Basmati, chiếm gần nửa tỷ trọng gạo Ấn Độ xuất khẩu.

Vì vậy, nền khoa học Ấn Độ đề cao hợp tác nghiên cứu, phát triển, cải thiện năng suất ở các quốc gia khác, cũng như vai trò đảm bảo an ninh lương thực, giảm đói nghèo.

Bàn về cơ hội hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ, Tổng giám đốc Himanshu nói: “Thủ tướng của chúng tôi, ngài Narendra Modi luôn nói cả thế giới là một gia đình. Bất cứ thành viên nào của gia đình chịu đói, dù ở Ấn Độ, Việt Nam hay những nơi khác, trách nhiệm chung của khoa học lúa gạo là đảm bảo ai cũng ‘ăn ngon ngủ kỹ’. Do đó, chúng tôi sẽ nỗ lực hợp tác nghiên cứu các giống lúa cải tiến.

Cần nhấn mạnh, quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Việt Nam rất bền chặt, đặc biệt trong nghiên cứu nông nghiệp. Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam, PGS.TS Bùi Bá Bổng từng là nghiên cứu sinh Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ, nơi tôi hiện là Tổng giám đốc. Chúng tôi cùng lấy bằng Tiến sĩ về di truyền học, cùng học cách nhân giống lúa, trồng lúa. Một trong những người thầy của chúng tôi, Tiến sĩ V. L. Chopra đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thành lập Viện Di truyền Nông nghiệp (AGI) tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, quan hệ hợp tác nông nghiệp giữa hai nước trong vòng 10 năm trở lại đây có dấu hiệu trầm lắng; chưa tương xứng với tiềm năng và truyền thống hữu nghị và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai nước.

Tổng giám đốc Himanshu mong rằng trong tương lai, nền khoa học Việt Nam - Ấn Độ sẽ hợp tác nghiên cứu, đào tạo nhân lực. Ảnh: Quỳnh Chi.

Tổng giám đốc Himanshu mong rằng trong tương lai, nền khoa học Việt Nam - Ấn Độ sẽ hợp tác nghiên cứu, đào tạo nhân lực. Ảnh: Quỳnh Chi.

Do đó, Tổng giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ mong rằng trong tương lai 2 nước sẽ đẩy mạnh hợp tác nhằm trao đổi nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực, sẵn sàng ứng phó với tình trạng khan hiếm lương thực toàn cầu.

Ông Himanshu khẳng định Việt Nam và Ấn Độ đều có vai trò cung cấp lương thực cho thế giới. Do đó, hai nước cần phối hợp, trao đổi để đảm bảo thị trường xuất khẩu công bằng, giá cả bình ổn. Bên cạnh đó, ông mong nền khoa học 2 nước sẽ chia sẻ cởi mở, phối hợp phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao kiến thức, công nghệ.

Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ (ICAR) là cơ quan cao nhất để điều phối, hướng dẫn và quản lý nghiên cứu và giáo dục trong nông nghiệp bao gồm trồng trọt, thủy sản và khoa học động vật trên toàn quốc. Với 113 viện nghiên cứu, 74 trường đại học nông nghiệp và 731 trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trải khắp đất nước, ICAR là một trong những hệ thống nghiên cứu nông nghiệp quốc gia lớn nhất thế giới. Hội đồng đóng vai trò tiên phong trong việc mở ra cuộc Cách mạng Xanh và những phát triển của nông nghiệp Ấn Độ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.