
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố mức thuế quan mới tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng ở Washington, D.C. hôm 2/4. Ảnh: CNN.
Những mức thuế quan của ông Trump, vốn đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ nhiều đồng minh lâu năm của Mỹ, được cho là sẽ dựng lên những 'rào cản mới' bao quanh nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới, đảo ngược nhiều thập kỷ tự do hóa thương mại vốn đã định hình nên trật tự toàn cầu.
Các đối tác thương mại dự kiến sẽ phản ứng bằng các biện pháp trả đũa riêng, có thể dẫn đến giá cả tăng cao đáng kể đối với mọi mặt hàng, từ xe đạp đến rượu vang. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 34%, bên cạnh mức 20% mà ông Trump đã áp dụng trước đó, nâng tổng mức thuế mới lên 54%. Các đồng minh thân cận của Mỹ cũng không thoát khỏi việc bị đánh thuế, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với mức thuế 20% và Nhật Bản bị đánh thuế 24%.
Theo Olu Sonola, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Mỹ tại Fitch Ratings, thuế nhập khẩu thực tế của Mỹ đã tăng vọt từ 2,5% vào năm 2024 lên 22% dưới thời ông Trump.
"Mức thuế quan như vậy chưa từng xảy ra kể từ năm 1910", ông Sonola cho biết trong một tuyên bố. "Đây là một bước ngoặt, không chỉ đối với nền kinh tế Hoa Kỳ mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia có thể sẽ rơi vào suy thoái. Bạn có thể phải vứt bỏ hầu hết các dự báo nếu mức thuế quan này vẫn duy trì trong một thời gian dài".
Ông Trump cho biết "thuế quan hồi đáp" vừa qua nhằm phản đối các khoản thuế và các rào cản phi thuế quan khác áp dụng đối với hàng hóa của Hoa Kỳ. Ông lập luận rằng các mức thuế mới sẽ thúc đẩy việc làm trong ngành sản xuất trong nước.
"Trong nhiều thập kỷ, đất nước chúng ta đã bị bóc lột bởi nhiều quốc gia từ gần đến xa, cả bạn và thù", ông Trump phát biểu tại một sự kiện ở Vườn Hồng tại Nhà Trắng.
Các nhà kinh tế nước ngoài đã cảnh báo rằng thuế quan có thể cản trở nền kinh tế toàn cầu, làm tăng nguy cơ suy thoái và làm tăng chi phí sinh hoạt của một gia đình trung bình ở Hoa Kỳ lên hàng nghìn USD.
Canada và Mexico, hai đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ, hiện đang phải đối mặt với mức thuế 25% đối với nhiều mặt hàng và sẽ không phải chịu thêm mức thuế nào nữa.
Ngay cả một số thành viên đảng Cộng hòa cũng bày tỏ lo ngại về chính sách thương mại hung hăng của ông Trump. Vài giờ sau thông báo hôm 2/4, Thượng viện đã bỏ phiếu 51-48 để thông qua luật chấm dứt mức thuế quan của ông Trump đối với Canada, với một số ít thành viên đảng Cộng hòa không đồng tình với tổng thống. Tuy nhiên, việc thông qua tại Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát được xem là bất khả thi.
Chuyên gia kinh tế hàng đầu của ông Trump, Stephen Miran, trả lời Fox Business rằng thuế quan sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ về lâu dài, dù chúng sẽ gây ra một số bất lợi ban đầu. Ông Miran, chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của ông Trump, phát biểu với chương trình "Kudlow" của Fox Business rằng: "Liệu có những biến động ngắn hạn nào xảy ra không? Chắc chắn là có".
Theo tờ thông tin của Nhà Trắng, thuế quan có đi có lại không áp dụng cho một số mặt hàng nhất định, bao gồm đồng, dược phẩm, chất bán dẫn, gỗ, vàng, năng lượng và "một số khoáng sản không có sẵn tại Mỹ".
Sau phát biểu của mình, ông Trump cũng đã ký một lệnh nhằm đóng một lỗ hổng thương mại được sử dụng để vận chuyển các kiện hàng giá trị thấp, những kiện hàng có giá trị 800 USD trở xuống, được miễn thuế từ Trung Quốc, được gọi là "de minimis". Lệnh này áp dụng cho hàng hóa từ Trung Quốc và Hồng Kông và sẽ có hiệu lực vào ngày 2/5, theo Nhà Trắng, động thái này nhằm mục đích hạn chế dòng chảy fentanyl vào Hoa Kỳ.
Các nhà sản xuất hóa chất Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu các tiền chất được các băng đảng ma túy Mexico mua để sản xuất loại ma túy chết người này, các quan chức phòng chống ma túy Hoa Kỳ cho biết. Một cuộc điều tra của Reuters năm ngoái cho thấy những kẻ buôn lậu thường chuyển các hóa chất này qua Hoa Kỳ bằng cách khai thác quy tắc de minimis. Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.
Vị quan chức này cho biết ông Trump cũng đang lên kế hoạch áp dụng các mức thuế khác nhắm vào chất bán dẫn, dược phẩm và các khoáng sản quan trọng.
Hàng loạt lệnh trừng phạt của ông Trump đã làm rung chuyển thị trường tài chính và các doanh nghiệp vốn phụ thuộc vào các thỏa thuận giao dịch đạt được từ giữa thế kỷ trước.
Trước đó cùng ngày, chính quyền cho biết một loạt thuế quan riêng đối với ô tô nhập khẩu mà ông Trump công bố tuần trước sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 3/4. Trước đó, Trump đã áp thuế 25% đối với thép và nhôm và mở rộng mức thuế này lên gần 150 tỷ USD giá trị các sản phẩm chế biến.
Mối lo ngại về thuế quan đã làm chậm hoạt động sản xuất trên toàn cầu, đồng thời thúc đẩy doanh số bán ô tô và các sản phẩm nhập khẩu khác khi người tiêu dùng vội vã mua hàng trước khi giá tăng.
Các nhà lãnh đạo châu Âu phản ứng với sự thất vọng, cho rằng một cuộc chiến thương mại sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng và không có lợi cho cả hai bên.
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết: "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hướng tới một thỏa thuận với Hoa Kỳ, với mục tiêu tránh một cuộc chiến thương mại chắc chắn sẽ làm suy yếu phương Tây theo hướng có lợi cho các thế lực khác trên thế giới".
Viết trên trang mạng X, Tổng thống Thụy Sỹ, bà Karin Keller-Sutter cho biết Hội đồng Liên bang đã nắm được thông tin về kế hoạch thuế quan mới của Mỹ. Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ nhanh chóng xác định các bước tiếp theo. Lợi ích kinh tế lâu dài của đất nước là tối quan trọng. Lòng trung thành với luật pháp quốc tế và thương mại tự do vẫn là những giá trị cốt lõi".
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết "chiến tranh thương mại không có lợi cho bất kỳ ai" khi ông cam kết sẽ có cách tiếp cận "bình tĩnh" đối với thuế đối ứng mới của Mỹ.
Thủ tướng Starmer nhấn mạnh rằng "các cuộc đàm phán mang tính xây dựng đang diễn ra giữa Anh và Mỹ về một thỏa thuận kinh tế tiềm năng" mà ông hy vọng sẽ làm giảm thuế quan thương mại áp đặt đối với Anh.
Là một phần của các cuộc đàm phán, Anh đã đề nghị bãi bỏ hoặc giảm thuế dịch vụ kỹ thuật số, áp dụng mức thuế 2% đối với doanh thu của một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới, bao gồm các "gã khổng lồ" của Mỹ là Google, Amazon và Microsoft.
Hạ viện Brazil cũng ngay lập tức thông qua luật cho phép Chính phủ của Tổng thống Lula da Silva được đưa ra các biện pháp trả đũa đối với quyết định thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Trump, theo đó 10% hàng hóa xuất khẩu của Brazil vào Mỹ sẽ chịu mức thuế 10%. Trước đó, vào ngày 1/4, Thượng viện Brazil cũng đã thông qua luật này với tên gọi "luật đối đẳng kinh tế".
Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Gregory Meeks cho biết ông sẽ đưa ra luật để chấm dứt mức thuế quan này. Tuy nhiên, một dự luật như vậy khó có thể được Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua.
"Trump vừa giáng đòn vào người dân Mỹ bằng đợt tăng thuế kém hiệu quả nhất nhất trong lịch sử hiện đại, một mức thuế quan lớn đối với tất cả hàng nhập khẩu. Các chính sách liều lĩnh của ông không chỉ làm sụp đổ thị trường mà còn gây tổn hại không đồng đều đến các gia đình lao động", ông Meeks cho biết.