Tối ngày 30/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ trao giải Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VII.
Tham dự sự kiện có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội; thành viên Hội đồng xét chọn Giải thưởng và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Giải thưởng Báo chí Tài nguyên và môi trường được tổ chức định kỳ 2 năm/lần nhằm động viên, tôn vinh, khen thưởng tác giả, tác phẩm báo chí phản ánh, tuyên truyền đề tài, chủ đề, nội dung về tài nguyên và môi trường có chất lượng và sức lan tỏa cao; góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc Lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, qua 7 lần tổ chức, Giải Báo chí Tài nguyên và môi trường đã trở thành giải thưởng uy tín, thu hút được sự quan tâm của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên và các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình trên cả nước.
Ban tổ chức Giải thưởng lần thứ VII đã nhận được 429 tác phẩm dự thi với 940 bài viết, phóng sự của trên 300 tác giả, nhóm tác giả thuộc 4 loại hình: báo điện tử, báo in, phát thanh và truyền hình, trong đó có nhiều bài viết nhiều kỳ, loạt bài.
“Năm nay, số lượng các Đài phát thanh và truyền hình, cơ quan báo chí ở địa phương tham gia tăng hơn nhiều so với mọi năm. Các đài phát thanh và truyền hình, cơ quan báo chí đã tích cực tham gia như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã gửi nhiều tác phẩm tham dự.
Đặc biệt các tác phẩm dự thi năm nay trọng tâm, trọng điểm vào công tác triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, ý kiến của người dân và doanh nghiệp trong quá trình xây dựng các Luật Tài nguyên nước 2023, Luật Đất đai 2024, Luật Địa chất và Khoáng sản 2024; ứng phó với thiên tai khắc nghiệt; không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế; sử dụng bền vững tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước và các chủ trương, chính sách để thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050… Qua đó cho thấy sự quan tâm, đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí, chính quyền, nhân dân các cấp đối với công tác của ngành nguyên và môi trường", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Ông cho biết, các tác phẩm báo chí dự thi lần thứ VII đều mang tính thời sự cao, tính phát hiện, phản biện sâu sắc, bám sát vấn đề, phản ánh toàn diện, khách quan, trung thực về những vấn đề trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền những mô hình hay, những hình ảnh tích cực trong xã hội về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Điều này đã làm cho các thành viên của Hội đồng giám khảo, chung khảo là các nhà khoa học, nhà quản lý, các nhà báo có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, với tinh thần khách quan, dân chủ.
"Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi nhiệt liệt chúc mừng các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, các tập thể, phóng viên, biên tập viên đã đoạt Giải Báo chí về tài nguyên và môi trường lần thứ VII. Chân thành cảm ơn các nhà báo, phóng viên có những đóng góp quan trọng cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường trong suốt những năm qua.
Dù chưa được vinh danh tại các kỳ xét tặng, nhưng sự quan tâm sâu sắc, sự đồng hành tâm huyết với hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường đã tạo được sự chuyển biến tích cực từ tư duy đến nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và người dân về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển đi lên của đất nước" - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.
Sau thời gian làm việc khẩn trương, Hội đồng sơ khảo đã chọn ra được 90 tác phẩm trên 70 điểm vào vòng chung khảo. Hội đồng chung khảo đã chọn được 36 tác phẩm đoạt giải để vinh danh tại lễ trao giải, gồm 4 giải A, 9 giải B, 20 giải C ở 4 thể loại: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử.
4 tác phẩm được trao giải A ở các thể loại gồm: Loạt 3 bài “Đầu độc sông Bắc Hưng Hải” - nhóm tác giả Đinh Quang Huy - Nguyễn Đình Trường - Trần Mạnh Cường (Báo Thanh niên); Loạt 4 bài: Xử lý rác thải sinh hoạt - Từ cơ chế đến hành động - tác giả Hoàng Quang Huy (Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam); Loạt 5 kỳ: Xây dựng và triển khai Luật Đất đai. Nhóm tác giả: Phạm Thị Hồng Thanh - Vũ Văn Kiểm (Truyền hình Thông tấn, Thông tấn xã Việt Nam); Loạt 5 bài: Hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản: Doanh nghiệp "chây ì" tới bao giờ? - nhóm tác giả: Lê Doãn Xuân - Phạm Văn Hoạch - Nguyễn Quán Dũng - Nguyễn Cao Sơn - Mai Thị Đan (Báo Tài nguyên và Môi trường).
Báo Nông nghiệp Việt Nam được trao giải C đối với loạt bài 5 kỳ: "Sống trên Di sản Cao nguyên đá Hà Giang" - nhóm tác giả Nguyễn Kiên Trung - Đào Thanh thực hiện.