Chiều 25/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với cơn bão Noru gần Biển Đông.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão Noru ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 123,2 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17.
Dự báo trong chiều nay (25/9), bão đổ bộ vào Philippines. Đêm 25/9, rạng sáng ngày 26/9, bão đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 4 trong năm 2022 với cường độ mạnh cấp 13, giật cấp 16 và tiếp tục duy trì cường độ trong ngày 27/9.
Đêm 27/9, rạng sáng 28/9, bão đổ bộ vào khu vực miền Trung, dự kiến từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi.
Do ảnh hưởng của bão Noru, từ khoảng chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị các công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão Noru cần được triển khai rất khẩn trương do diễn biến của bão đang thay đổi rất nhanh.
“Qua kinh nghiệm thực tế cho thấy những cơn bão có cường độ lớn từ cấp 13 trở lên sẽ gây ra ảnh hưởng, thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Theo dự báo bão Noru sẽ có cường độ lớn mạnh cấp 13, giật cấp 16, do vậy công tác ứng phó sẽ khó triển khai”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định.
Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu công tác ứng phó cần được tập trung chỉ đạo sớm từ Trung ương đến các địa phương. Đặc biệt, cần rà soát một cách kĩ lưỡng cơ sở vật chất và các điểm xung yếu để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, hơn 57.800 tàu với hơn 300.000 lao động đã được kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn về nơi an toàn. Đặc biệt trong 24h tới, theo hệ thống giám sát tàu cá, cần phải kêu gọi 127 tàu đang trong vùng nguy hiểm về nới tránh trú an toàn.
Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, các tỉnh trọng tâm dự kiến bão độ bộ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi hiện có 16.661 ha và 3.185 lồng, bè nuôi trồng thủy sản.
Tại khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, diện tích lúa hè thu đã thu hoạch đạt khoảng 100.000 - 175.000 ha, diện tích còn lại chuẩn bị thu hoạch khoảng 75.000 ha.
Diện tích lúa mùa đã gieo cấy được khoảng 1 triệu ha, đạt khoảng 97,6% kế hoạch, lúa đang giai đoạn trỗ và vào chắc. Tại khu vực Nam Trung bộ, đã thu hoạch 214.656 ha lúa mùa, còn 48.988 ha chưa thu hoạch. Về tình hình chăn nuôi tập trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận hiện có gần 8,2 triệu con gia súc và 108 triệu con gia cầm, 248 trang trại quy mô lớn.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã ban hành Công điện, văn bản chỉ đạo sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão gần biển Đông; đồng thời tổ chức kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho các tàu thuyền di chuyển hoặc không đi vào khu vực có khả năng ảnh hưởng của bão.
Các tỉnh từ Quảng Bình - Bình Thuận đã rà soát phương án sơ tán dân với tổng số 213.914 hộ/868.230 người, trong đó các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tuỳ theo diễn biến của bão.