| Hotline: 0983.970.780

Bão số 4 nguy hiểm bởi phạm vi hoạt động rộng, đúng dịp nghỉ lễ 2/9

Thứ Tư 28/08/2019 , 17:45 (GMT+7)

Dự kiến đêm 30/8, bão số 4 sẽ đổ bộ vào bờ phạm vi từ tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình, gió giật cấp 12.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến ứng phó bão số 4 vào chiều ngày 28/8. Ảnh: Minh Phúc

13h chiều 28/8, vị trí tâm bão số 4 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển hướng Tây (25km/h) và có khả năng mạnh thêm. Dự kiến đêm 30/8 bão sẽ đổ bộ vào bờ phạm vi từ tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình, gió cấp 9-10 giật cấp 12.

Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết: Khu vực từ Nghệ An đến Bình Thuận hiện có 24 điểm sạt lở với chiều dài hơn 40km cần xử lý cấp bách.

Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai trình bày công tác ứng phó bão số 4. Ảnh: Minh Phúc

Bên cạnh đó, hệ thống đê điều có 237 vị trí trọng điểm xung yếu; nhiều công trình thi công dang dở như công trình nâng cấp đê Bình Minh III tỉnh Ninh Bình và để tả Nghèn, đê biển Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh).

Chiều qua (27/8), Bộ Đội biên phòng đã chỉ đạo lực lượng tại các tỉnh, thành nắm chắc diễn biến bão số 4, kêu gọi người dân thoát khỏi vùng nguy hiểm. Đặc biệt, trong khu vực nguy hiểm có 797 tàu với hơn 4.500 người.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương không lơ là công tác phòng, chống bão số 4. Ảnh: Minh Phúc

"Hiện tại đang còn 20 tàu với 146 thành viên tại Quảng Trị đang hoạt động tại khu vực Vịnh Bắc Bộ nhưng chưa liên lạc được", đại diện Bộ đội Biên phòng cho biết.

Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, đối với khu vực nuôi trồng thủy sản, chúng tôi đã yêu cầu các tỉnh gia cố khu vực nuôi trồng, đồng thời thu tỉa thủy sản để tránh thiệt hại.

Tỉnh Nghệ An hiện có 36 phương tiện đang đánh bắt ở khu vực ven bờ. Đến thời điểm này các chủ tàu đã nắm bắt được thông tin và di chuyển vào nơi tránh, trú bão. Từ 5h sáng mai, tỉnh Nghệ An cấm biển hoàn toàn, không cho các phương tiện ra khơi.

Đến chiều 28/8, Nghệ An đã thu hoạch được khoảng 70% lúa hè thu, còn hơn 10 ha đang dốc sức thu hoạch với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Các công trình thủy lợi đang sẵn sàng bơm tiêu úng để giảm thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Hai hồ thủy lợi lớn cũng đang được xả tràn để đảm bảo an toàn.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến ứng phó bão số 4.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: Bão số 4 có tốc độ di chuyển rất nhanh vào đất liền của Việt Nam và cường độ có xu hướng mạnh lên. Cơn bão này nguy hiểm vì phạm vi hoạt động rộng (từ Phú Yên trở ra) với hơn 60.000 tàu thuyền hoạt động, hơn 20.000 lồng bè. 

Thứ hai, bão xảy ra đúng vào kỳ nghỉ dài ngày 2/9, do đó lượng người hoạt động ở các khu vực ven biển rất lớn. Thứ ba, dự báo bão sẽ đổ bộ vào chiều tối ngày 30/8 nên cần hết sức lưu ý, bởi thời điểm này triều cường đang cao. Thứ tư, bão gây mưa rất lớn và trên diện rộng, nên hết sức đề phòng lũ ống, lũ quét.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh: "Chúng ta còn khoảng 23.000 ha lúa hè thu chưa thu hoạch, tập trung chủ yếu ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Diện tích lúa mùa sớm vùng Bắc Trung bộ cũng đã chín. Nếu mưa ngập sâu, ngập lâu thì sẽ bị thiệt hại rất nghiêm trọng".

Đường đi của bão số 4.

Bên cạnh đó, vùng úng trũng cần bơm tiêu nước đệm để chống lụt cho hoa màu. Ngoài ra, cần có phương án tổng thể để chủ động ứng phó với lũ ống, lũ quét, nhất là khu vực miền núi, địa hình đất dốc, khu vực dọc sông, suối.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị toàn bộ các tỉnh có biển từ Phú Yên trở ra rà soát hết các tàu thuyền và liên lạc với các chủ tàu chưa liên hệ được, không để tàu thuyền hoạt động trong thời gian ảnh hưởng của mưa bão.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: "Cơn bão đổ bộ vào đúng dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, chính vì thế, yêu cầu các địa phương không được lơ là. Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương và các bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi diễn biến chặt chẽ của cơn bão, chủ động triển khai các phương án ứng phó. Qua đó, giảm thiểu thiệt hại tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước".

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.