| Hotline: 0983.970.780

Bão số 9 thổi bay hơn 56.000 nóc nhà

Thứ Tư 28/10/2020 , 05:02 (GMT+7)

Đến 17h00 ngày 28/10, bão số 9 kèm theo mưa lớn và gió giật mạnh, khiến nhiều tỉnh, thành thiệt hại nặng nề.

360 xã mất điện (chủ động cắt điện chống bão); hệ thống điện mặt trời tại tỉnh Bình Định bị hư hại. Tại Gia Lai, một người bị chết do trú mưa ở lán đã bị sập; 2 người khác ở Bình Định bị thương. Gió giật mạnh đã khiến hơn 56.000 ngôi nhà, trụ sở cơ quan, điểm trường bị sập và tốc mái.

Bão số 9 suy yếu dần 

15h30: Bão số 9 đã đi vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định và suy yếu dần. Dự báo, trong chiều nay, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m.

Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động; sóng biển cao từ 2-4m. Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía đông Bắc của bão số 9, sau ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có gió đông bắc cấp 7-8, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Kon Tum: Gần 450 hộ bị lũ chia cắt hoàn toàn

Theo thông tin từ UBND huyện Kon Rẫy, vào khoảng 11 giờ 15 ngày 28/10, do ảnh hưởng của bão số 9, mưa lớn kéo dài suốt nhiều giờ đồng hồ khiến mực nước lũ trên sông dâng cao, cuốn trôi cầu sắt dân sinh xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy. Hiện có 03 thôn xã với 438 hộ, 1.468 khẩu đã bị chia cắt hoàn toàn.

Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, UBND huyện Kon Rẫy đã huy động mọi lực lượng ứng phó với bão, đồng thời chỉ đạo di dời dân đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão số 9 gây ra.

Sạt lở ở huyện Nam Trà My

Đến trưa 28/10, tại Quảng Nam vẫn đang có gió mạnh và mưa lớn. Mưa gió kết hợp khiến một số khu vực trên địa bàn huyện miền núi Nam Trà My xảy ra hiện tượng sạt lở.

Xuất hiện tình trạng sạt lở ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Xuất hiện tình trạng sạt lở ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Theo thông tin từ UBND huyện Nam Trà Mỹ, ngọn núi sau nhà một số hộ dân ở xã Trà Mai của huyện này đã sạt lở, đất đá tràn vào nhà. Rất may, tại thời điểm đó người dân đã được sơ tán đến nơi an toàn.

Mưa cũng khiến cho nước trên các con sông trên địa bàn huyện lên cao, tràn qua các cầu đường bộ.

Một cán bộ huyện Nam Trà My thông tin, hiện trên địa bàn mưa rất to, gió rít mạnh khiến nhiều điểm bị sạt lở, một số cổng chào bị gió đánh bay. 

"Đến thời điểm này theo thống kê sơ bộ đã có hơn 20 ngôi nhà dân ở các xã trên địa bàn huyện bị tốc mái", vị này nói.

Điều xe bọc thép cứu trọng tài boxing bị tăng huyết áp

Lúc 10h30 phút ngày 28/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã điều xe bọc thép từ lực lượng quân đội để đưa một người đang trú tại khách sạn Sông Trà (TP. Quảng Ngãi) đi cấp cứu do bị tăng huyết áp đột ngột. Đây là trọng tài boxing đang làm nhiệm vụ tại Quảng Ngãi.

Mưa rất to ở huyện Lý Sơn

Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, theo thông tin từ Trạm khí tượng thủy văn huyện Lý Sơn, hiện tại sức gió ở Lý Sơn cấp 11, giật cấp 13-14; sóng biển cao từ 4m -6,5m.

Trên địa bàn huyện Lý Sơn đang có mưa rất to, gió rất lớn nên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện chưa thể đi kiểm tra hiện trường.

Nhiều nhà người dân ở huyện Lý Sơn đã bị tốc mái. Ảnh: TL.

Nhiều nhà người dân ở huyện Lý Sơn đã bị tốc mái. Ảnh: TL.

Theo thông tin từ các lực lượng chức năng, thành viên Ban Chỉ huy được phân công phụ trách địa bàn và Trưởng các thôn thì hiện tại tình hình trên địa bàn Lý Sơn đến thời điểm báo cáo nhanh, số người được huyện bố trí chỗ ở vẫn an toàn, tàu thuyền neo đậu tại vũng neo đậu An Hải vẫn đảm bảo.

Hiện tại, một số trụ sở cơ quan và nhiều nhà dân bị tốc mái; có 3 trường hợp bị thương đã được đưa đến Trung tâm Y tế huyện; nhiều thuyền, ca nô neo trú tại cồn An Vĩnh bị đứt neo do sóng to gió lớn đã bị chìm.

Một số cây xanh, cây cảnh trên địa bàn huyện bị ngã đổ. Về nuôi trồng thủy sản, hiện nay cá tại các lồng bè chết rất nhiều (có nguy cơ mất trắng)

Sóng biển tại Cù Lao Chàm (Quảng Nam) cao từ 4-6m, đe dọa nhà dân ven biển.

Sóng biển tại Cù Lao Chàm (Quảng Nam) cao từ 4-6m, đe dọa nhà dân ven biển.

10h50, tại Cù Lao Chàm (Quảng Nam), gió bão đã mạnh cấp 11-12, giật cấp 13. Sóng biển cao 4-6m, đe dọa đến hàng chục nhà dân ven biển tại thôn Bãi Làng và Bãi Hương. Thông tin được Thượng tá Trần Văn Ba, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm, cung cấp.

Km14+300 tỉnh lộ 676 huyện Kon Plông (Kon Tum) nước tràn qua đường gây khó khăn cho các phương tiện giao thông qua lại. Hiện nay Cầu tràn xã Đăk Ring, huyện Kon Plông bị ngập, xã đã chốt chặn không cho người qua lại.

400.000 hộ dân đã được di dời vào nơi an toàn

10h15, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết: Trước giờ phút bão đổ bộ vào đất liền, các lực lượng an ninh đang duy trì an ninh để đảm bảo không có rủi ro khi tàu thuyền neo đậu trên bến cảng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (trái) thăm người dân trước khi bão số 9 đổ bộ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (trái) thăm người dân trước khi bão số 9 đổ bộ.

Thứ hai, hơn 400.000 hộ dân đã được di dời vào nơi an toàn. Thứ ba, toàn bộ hồ chứa đã được lực lượng của hai ngành NN-PTNT, Công thương cùng lực lượng chỉ huy phòng chống lụt bão của các địa phương giữ gìn, điều tiết một cách hợp lý nhất. Đồng thời, tất cả các lực lượng sẵn sàng nhận lệnh để khi xảy ra sự cố ở đâu chúng ta có thể tiếp ứng.

10h00: Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 9, tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 11, giật cấp 13; tại Bình Châu (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 11, giật cấp 12, tại Hoài Hải (Bình Định) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 11, tại An Khê (Gia Lai) có gió cấp 7, giật cấp 9.

Vị trí tâm bão (10 giờ ngày 28/10): Khoảng 14,9oN; 109,4oE, cách Đà Nẵng khoảng 180km, cách Quảng Nam 110 km, cách Quảng Ngãi 60 km, cách Bình Định 120km; cách Phú Yên 200 km.

Sức gió mạnh nhất: cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác ứng phó bão tại khu vực đường Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng, sáng 28/10.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác ứng phó bão tại khu vực đường Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng, sáng 28/10.

9h10, Kon Tum và Gia Lai ra văn bản khẩn cho phép gần 600.000 học sinh nghỉ học tránh bão số 9. Theo đó, tại Kon Tum, bão số 9 gây ảnh hưởng với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, khiến mưa to, gió lớn.

Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum cho biết, diễn biễn của bão số 9 rất nguy hiểm nên đã thông báo cho ngành giáo dục các địa phương cho hơn 160.000 học sinh nghỉ học trong 2 ngày 28/29/10.

Do thông báo lúc 6 giờ sáng nay nên hàng ngàn học sinh chưa nắm thông tin, bất chấp mưa to, gió lớn tới trường học dù bão số 9 đang đổ bộ vào đất liền.

Sáng cùng ngày, Sở GD-ĐT Gia Lai cũng đã ban hành văn bản khẩn cho 400.000 học sinh các cấp nghỉ học trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 9.

9h05, Theo Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 7h30 sáng nay, do ảnh hưởng của bão, có 230 xã bị mất điện, trong đó tập trung chủ yếu tại Phú Yên: 37 xã, Quảng Nam: 56 xã, Quảng Ngãi: 94 xã, Thừa Thiên - Huế: 23 xã.

9h, theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Phú Yên, hiện toàn tỉnh có 48 xã/phường/thị trấn bị mất điện. Hiện nay, đường dây 22kV các khu vực bị sự cố đi qua khu vực đồi núi, có mưa to, gió mạnh nên chưa tiếp cận được hiện trường để kiểm tra và xử lý khắc phục.

Ngành điện lực đang nỗ lực khắc phục sự cố điện ở Sông Cầu (Phú Yên), sáng 28/10. Ảnh: Duy Dũng.

Ngành điện lực đang nỗ lực khắc phục sự cố điện ở Sông Cầu (Phú Yên), sáng 28/10. Ảnh: Duy Dũng.

Vì vậy, tùy vào tình hình thực tế các khu vực các xã mất điện, ngành điện lực sẽ tập trung xử lý, khôi phục lại phụ tải bị ảnh hưởng trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, một lãnh đạo TX Sông Cầu, cho biết hiện khu vực các xã ven biển, gió vẫn cấp 7-8. Đến nay trên địa bàn vẫn chưa ghi nhận thiệt hại về người. Nhưng đã có nhiều cây bị đổ đã ven dọc đường Quốc lộ và mất điện. Bên cạnh đó, 1 nhà dân ở Hòa Lợi, phường Xuân Cảnh bị sập.

8h40, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa điện thoại đề nghị lực lượng Hải quân cử tàu lớn hơn để ra ứng cứu ngư dân gặp nạn trên biển. Trước đó Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã điều 2 tàu Kiểm ngư ra khu vực các tàu gặp nạn để ứng cứu.

Hiện tại ở cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) đang hứng trận gió cực mạnh. Những tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của ngư dân Bình Định do hết hạn bảo hiểm chưa được bán bảo hiểm trở lại phải neo đậu tại đây dễ dàng bị bão dữ bừa neo, trôi dạt vào cầu cảng gây hư hỏng chân cầu. Nếu những tàu vỏ thép này trôi dạt va đập vào những tàu cá vỏ gỗ đang neo đậu tại đây thì thiệt hại sẽ khó lường.

8h40, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, đến nay trên địa bàn đã có 1 người chết là ông Nguyễn Văn H., (SN 1981, trú xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành), bị ngã chết vào chiều 27/10 khi chằng chống nhà ở. Ngoài ra, còn 1 người khác cũng ở huyện Nghĩa Hành bị thương.

Hình ảnh thể hiện sức gió cực mạnh do chị Mai Lam, (trú xã biển Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cung cấp.

8h30, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, dự báo giữa buổi sáng đến chiều nay (28/10), cơn bão số 9 tác động mạnh nhất ở khu vực ven biển. Như vậy, chúng ta còn thời gian khoảng 2 tiếng nữa để chuẩn bị ứng phó.

Ông lưu ý, cơn bão sẽ ảnh hưởng vùng rất rộng, hoàn lưu bão kéo dài và mưa rất to. Hiện nay chúng ta vẫn còn thời gian làm những việc có thể làm (tuy còn rất ít) để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục kiểm tra tàu thuyền trên biển. “Chúng ta phải yêu cầu và hướng dẫn 42 tàu di chuyển nhanh khỏi vùng nguy hiểm. Thứ hai là kiểm tra tất cả khu vực neo đậu tàu thuyền; cưỡng chế tất cả những ai còn ở trên trên lồng bè nuôi trồng thủy sản ở ven biển. Và đồng thời cần kiểm tra tình hình sơ tán dân, không để người nào ở khu vực nước ngập sâu, gió mạnh và nhà yếu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cũng chỉ đạo phải có biện pháp an toàn ở nơi tránh trú bão khu vực miền núi từ Hà Tĩnh đến Phú Yên; kiểm tra an toàn hồ đập, nhất là hồ đập trọng yếu có nguy cơ gây ra sự cố lớn ảnh hưởng đến hạ du.

Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Quân khu 4, Quân khu 3 và dự phòng Quân khu 7, Quân khu 3 cùng các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn phải có trách nhiệm cùng với Bộ Giao thông, các bộ, ngành liên quan sẵn sàng vật tư, trang thiết bị để chủ động ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn với các trường hợp khẩn cấp.

Bộ NN-PTNT phải phối hợp với Bộ Quốc phòng để tìm kiếm 26 thuyền viên mất tích. Hiện chúng ta đã cử 2 tàu kiểm ngư đến khu vực các tàu cá gặp nạn, nhưng trước hết phải đảm bảo an toàn cho các tàu cứu hộ. Phải cử những tàu có khả năng chống chịu với sóng gió và mưa bão.

8h30, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9, nên từ 1 giờ sáng 28/10, lực lượng chức năng đã cho tạm thời cho dừng tất các các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1 từ Khánh Hòa đi Phú Yên. Việc tạm dừng này kéo dài cho đến khi bão số 9 tan.

Hàng dài các phương tiện 'chôn chân' trên Quốc lộ 1 chờ bão tan, sáng 28/10. Ảnh: Mạnh Hùng.

Hàng dài các phương tiện "chôn chân" trên Quốc lộ 1 chờ bão tan, sáng 28/10. Ảnh: Mạnh Hùng.

Vì vậy, các phương tiện có hành trình từ Khánh Hòa đi Phú Yên lưu ý để có phương án tạm dừng bảo đảm an toàn giao thông và thực hiện nghiêm sự chỉ đạo trong công tác phòng, chống bão số 9.

Trong sáng 28/10, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 9.

Cây xanh bị bật gốc trên đường phố Quy Nhơn (Bình Định) do gió lớn, sáng 28/10.

Cây xanh bị bật gốc trên đường phố Quy Nhơn (Bình Định) do gió lớn, sáng 28/10.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, đến thời điểm hiện tại địa phương này đã di dời hơn 1.000 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu từ vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Đặc biệt, 26 ngư dân trên 2 tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn bị chìm đến giờ vẫn mất tích, nhiều nhà dân ở xã biển Hoài Hương bị tốc mái.

8h10, tại Quảng Nam, đã xuất hiện mưa to, gió mạnh, rít lên từng đợt khiến cây cối bị thổi xiêu vẹo. Gió thổi mạnh khiến nhiều mái tôn của nhà dân như muốn bị cuốn bay.

Cây cối xiêu vẹo trong gió lớn do ảnh hưởng từ bão số 9. Hình ảnh do PV NNVN ghi lại tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), sáng 28/10.

Trên địa bàn TP.Hội An (Quảng Nam), ảnh hưởng của cơn bão số 9 đã xuất hiện rõ hơn khi mưa ngày càng nặng hạt. Sức gió hiện nay tại TP.Hội An đạt khoảng cấp 8-9. Nước biển Cửa Đại đang dâng cao, đánh mạnh vào các bờ kè. 

8h, tại tỉnh Quảng Ngãi đã xuất hiện nhiều đợt gió lớn, kèm theo đó là mưa xối xả. Đà Nẵng cũng đã xuất hiện gió lớn.

Ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), vào khoảng 7h tối 27/10 trời bắt đầu nổi gió, vào thời điểm đó gió mới chỉ cấp 6, càng về sau tăng dần lên cấp 9, đến 4h sáng tăng lên cấp 10.

Cây cối bị gió lớn quật gãy ngổn ngang trên đường phố tại Quảng Ngãi, sáng 28/10.

Cây cối bị gió lớn quật gãy ngổn ngang trên đường phố tại Quảng Ngãi, sáng 28/10.

Theo ông Nguyễn Văn Lê, Phó Ban Tuyên giáo huyện Lý Sơn, đến gần 8h sáng ngày 28/10, gió ở Lý Sơn đã tăng đến cấp 10 cấp 12, giật cấp 13.

“Hiện bây giờ gió vẫn rất săn. Nhưng đến 10 sáng nay dự báo sẽ đổi lại gió Nam thì sẽ còn săn hơn nữa, lúc ấy gió có khả năng giật cấp 15 cấp 17.

Nếu gió bấc thì sẽ ảnh hưởng nặng đến đảo Bé, nếu gió Nam sẽ ảnh hưởng đến vũng neo đậu tàu thuyền và cảng Bến Đình. Vì vậy từ hôm qua 27/10, chính quyền huyện Lý Sơn đã di dời hết người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Đến giờ này đã có khoảng 600 chiếc tàu thuyền neo đậu an toàn vào vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn. Về nhà cửa thì hư hại nhiều công trình phụ, nhà chính thì người dân gia cố kỹ càng nên đến giờ này chưa sao”, ông Lê cho hay.

Gió lớn tại khu vực đường Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng, sáng 28/10.

Gió lớn tại khu vực đường Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng, sáng 28/10.

Gió to đã khiến cho nhiều cây xanh trên các tuyến đường chính như Quang Trung, Hùng Vương, Phan Đình Phùng (TP Quảng Ngãi) bật gốc, gãy đổ.

Các pa nô, biển hiệu hai bên đường cũng bị gió quật bay khắp nơi. Nhiều vùng trên toàn tỉnh bị cắt điện.

Trao đổi nhanh với PV lúc 8h ngày 28/10, ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) thông tin, hiện tại ở Lý Sơn gió đang rất mạnh, cấp 10, giật cấp 12, địa phương đang tích cực ứng phó.

Ban Chỉ đạo Tiền phương ứng phó bão số 9 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, sáng 28/10. Ảnh: Ngọc Hà.

Ban Chỉ đạo Tiền phương ứng phó bão số 9 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, sáng 28/10. Ảnh: Ngọc Hà.

7h45, tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên) gió duy trì cấp 6-7 và mưa nhỏ. Qua nắm thông tin sơ bộ các địa phương, chưa có vấn đề gì thiệt hại lớn, theo lãnh đạo thị xã Sông Cầu.

7h30, tại Bình Định gió ngày càng mạnh, nhiều mái tôn nhà đơn sơ bị gió giật tung, những tấm tôn bay lả tả khắp đường, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông vào thời điểm này.

 

Đến 7h15 ngày 28/10, trên địa bàn Bình Định cúp điện diện rộng, cúp từ thành phố đến làng quê.

Trong gió bão vẫn có người nỗ lực dùng vật dụng giằng mái tôn. Ảnh: Đình Thung.

Trong gió bão vẫn có người nỗ lực dùng vật dụng giằng mái tôn. Ảnh: Đình Thung.

Do ảnh hưởng của bão số 9, lúc 06h00 tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh 21m/s (cấp 9), giật 30m/s (cấp11). Vị trí tâm bão (06 giờ ngày 28/10): Khoảng 14,7oN; 110,0oE, cách Đà Nẵng khoảng 240km, cách Quảng Nam 175 km, cách Quảng Ngãi 140 km, cách Phú Yên 190 km. Sức gió mạnh nhất: cấp 12-13 (115-150km/h), giật cấp 16.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h.

Hình ảnh PV NNVN ghi lại tại Quảng Ngãi, lúc 6 giờ 30 phút sáng 28/10.

Hình ảnh PV NNVN ghi lại tại Quảng Ngãi, lúc 6 giờ 30 phút sáng 28/10.

Vào hồi 6 giờ 30 phút sáng 28/10, ghi nhận của PV NNVN tại Quảng Ngãi cho thấy mưa to, gió mạnh, đường phố ngổn ngang vì nhiều cây xanh, bảng hiệu đổ ngã. Hầu như không có người tham gia giao thông trên phố.

Một số địa phương ở Bình Định, Phú Yên mất điện

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), khoảng 5h30 sáng 28/10, trên địa bàn huyện này có gió trên cấp 7.

Khoảng 5h50 điện bắt đầu cúp diện rộng. Tại cảng cá Quy Nhơn, gió bắt đầu thốc mạnh vào hơn 2h sáng, gió mạnh khoảng cấp 11, 12.

Cảng cá Quy Nhơn lúc 5h30 ngày 28/10. Ảnh: Đình Thung.

Cảng cá Quy Nhơn lúc 5h30 ngày 28/10. Ảnh: Đình Thung.

Theo cho biết của ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định, điện tại cảng cá cúp toàn bộ, ban quản lý cảng cá phải cho chạy máy điện để có ánh sáng theo dõi tình hình tàu thuyền đang neo đậu tại cảng.

“Vào 6h sáng cảng cá Đề Gi (Cát khánh, Phù Cát) báo về là mấy tàu vỏ thép 67 ở đây bị sóng lớn cuốn bừa neo, trôi dạt làm gãy mấy trụ cầu cảng”, ông Thiện cho hay.

Tại Phú Yên, theo lãnh đạo thị xã Sông Cầu, lúc 5 giờ 40 phút ngày 28/10, trên địa bàn hiện mưa lớt phớt, nhưng gió bắt đầu nổi lên, giật cấp 7-8. Toàn thị xã hiện đã mất điện hoàn toàn.

Toàn bộ tàu thuyền đã thoát khỏi khu vực nguy hiểm

Tính đến 5 giờ sáng 28/10, toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Riêng tỉnh Bình Định còn 46 tàu/368 lao động đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm (giảm 46 tàu/300 lao động so với 23 giờ ngày 27/10).

Hiện các hồ chứa trong 10 liên hồ chứa đã đưa về mực nước trước lũ theo quy định, riêng hồ Đăk Ring trên lưu vực sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi hiện lớn hơn mực nước cao nhất trước lũ (dự kiến đến chiều 28/10 sẽ đưa về mực nước quy định); Lưu vực sông Hương: Hương Điền: 53,57/58m; Bình Điền: 77,64/85m, Tả Trạch: 35,92/45m, các hồ tiếp tục xả để hạ thấp mực nước; hồ Kẻ Gỗ: 29,17/32,5, Qxả = 250m3/s.

Lượng mưa được dự báo không thay đổi. Từ 19 giờ ngày 27/10 đến 4 giờ ngày 28/10, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa 50-150mm, trạm Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 154mm, Tam Trà (Quảng Nam) 139mm. Riêng Quảng Ngãi có nơi mưa trên 200mm, một số trạm mưa lớn như: Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 223mm, Trà Thanh (Quảng Ngãi) 211mm.

Toàn bộ huyện Lý Sơn mất điện

Theo phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Quảng Ngãi. 3h30 ngày 28/10, gió bắt đầu mạnh dần lên khoảng cấp 5 đến cấp 6. Tại một số tuyến đường như Hai Bà Trưng, Phan Bội Châu (thành phố Quảng Ngãi) đã có cây xanh ngã đổ.

Thành phố Quảng Ngãi gió mạnh và mưa lớn xuất hiện.

Nằm ở cực Đông tỉnh Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn là địa phương chịu ảnh hưởng đầu tiên của bão số 9.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, vào khoảng 2 giờ ngày 28/10, trên địa bàn đã xuất hiện gió cấp 6 giật cấp 8. Đến 3h30 phút gió đã mạnh dần lên cấp 8 giật cấp 9.

“Hiện tại, chúng tôi vẫn đang trực ứng phó bão 24/24. Vì gió đang mạnh nên chưa thể ra ngoài kiểm tra những thiệt hại do bão”, ông Việt nói.

Toàn bộ huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã mất điện. Gió có lúc giật cấp 10. Lực lượng chức năng vẫn đang túc trực ở các điểm sơ tán dân.

Bản tin bão mới nhất lúc 5 giờ sáng 28/10

Hồi 04 giờ sáng 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,4 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Bão chỉ cách Đà Nẵng khoảng 305km, cách Quảng Nam 240km, cách Quảng Ngãi 200km, cách Phú Yên 195km. 

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 280km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.   

Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 70-150mm.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần.

Đến 16 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Sơ đồ vị trí và đường đi của bão số 9 hồi 4 giờ sáng ngày 28/10. Ảnh: NCHMF.

Sơ đồ vị trí và đường đi của bão số 9 hồi 4 giờ sáng ngày 28/10. Ảnh: NCHMF.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 04 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 105,1 độ Kinh Đông, trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m.

Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Gió mạnh trên đất liền: Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15.

Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.     

Mưa lớn: Ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 150-250mm/đợt.     Từ 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.