| Hotline: 0983.970.780

Bảo tàng TP.HCM trưng bày chuyên đề ‘Trần Văn Khê – Trăm năm còn mãi’

Thứ Ba 23/11/2021 , 17:21 (GMT+7)

Bảo tàng TP.HCM khôi phục hoạt động trong bối cảnh bình thường mới bằng trưng bày chuyên đề ‘Trần Văn Khê – Trăm năm còn mãi’ khai mạc hôm nay 23/11.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê (1921-2015).

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê (1921-2015).

Bảo tàng TP.HCM mở cửa trở lại đón khách tham quan với chuyên đề “Trần Văn Khê – Trăm năm còn mãi”. Bảo tàng TP.HCM giới thiệu hơn 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê để giúp công chúng hiểu thêm về nhân vật đã cống hiến trọn vẹn cho âm nhạc dân tộc.

Việc Bảo tàng TP.HCM trưng bày chuyên đề trong không khí cả nước hướng về Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, cũng là một hoạt động được cộng đồng quan tâm. Bởi lẽ, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê cũng là người từng góp phần đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Trưng bày chuyên đề “Trần Văn Khê - Trăm năm còn mãi” tại Bảo tàng TP.HCM (số 65 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1) gồm ba phần. Phần 1: Quê hương và gia đình. Phần 2: Trần Văn Khê – Một đời truyền lửa. Phần 3: Vinh danh.

Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê (24/7/1921 – 24/6/2015) sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở Tiền Giang. Ông cố Trần Quang Thụ là một nhạc sĩ cung đình Huế - người đã lập ra gánh hát đầu tiên của miền Nam có tên gọi Đồng Nữ Ban, cho nên từ nhỏ Trần Văn Khê đã được ngụp lặn trong tiếng đàn, tiếng sáo lẫn giọng ngâm, giọng hò.

Cha mẹ không may chết sớm, Trần Văn Khê và hai người em là Trần Văn Trạch và Trần Ngọc Sương nương tựa tình thương của người cô ruột, để từng bước chập chững lớn khôn. Lên Sài Gòn học trung học ở trường Petrus Ký, Trần Văn Khê bắt đầu sáng tác. Những giờ ngữ văn, thay vì đọc diễn cảm như bạn bè, Trần Văn Khê tự phổ nhạc bài thơ ấy và hát lên.

Tác phẩm khởi nghiệp của Trần Văn Khê, mà chính ông còn lưu trong ký ức, có tên gọi “Hãy nhấp nháy đi, ngôi sao nhỏ”. Trần Văn Khê từng ngày vượt qua chật vật và bất hạnh để được học chữ và học nhạc.

Trần Văn Khê hòa tấu cùng một nghệ sĩ Nhật vào năm 1956.

Trần Văn Khê hòa tấu cùng một nghệ sĩ Nhật vào năm 1956.

Năm 1943, Trần Văn Khê kết hôn với Nguyễn Thị Sương, cả hai cùng tuổi và từng là bạn học nhiều năm. Họ có với nhau bốn người con: Trần Quang Hải, Trần Quang Minh, Trần Thị Thủy Tiên và Trần Thị Thủy Ngọc. Năm 1960, họ li dị, chỉ có người con trai thứ ở lại với mẹ, còn ba người con theo cha sang Pháp. Tháng 7/2014, bà Nguyễn Thị Sương đã mất tại nhà riêng ở Thủ Đức, TP HCM.

Những ngày xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê phải làm nhiều việc để mưu sinh. Ngoài viết báo, ông đi đàn cho các nhà hàng, làm thông dịch viên cho tòa án và lồng tiếng phim. Dành dụm được chút tiền, Giáo sư Trần Văn Khê lại đi diễn thuyết về âm nhạc Việt Nam khắp các châu lục. Nhờ cống hiến không mệt mỏi của Trần Văn Khê, quốc tế đã biết đến ca trù, bài chòi, hát ví, đờn ca tài tử…của Việt Nam.

Năm 2003, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê sau gần nửa thế kỷ bôn ba, đã trở về quê hương định cư với hàng trang là những tài liệu quý giá về âm nhạc và văn hóa Việt Nam.

Vào tháng 4/2021, Quỹ văn hóa Trần Văn Khê đã được phép thành lập tại TP.HCM, với hội đồng quản lý gồm các ông bà Dương Trọng Dật, Nguyễn Thế Thanh, Mai Mỹ Duyên, Hoàng Sơn Điền.

Xem thêm
5 phim được chiếu miễn phí nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng

5 phim được chiếu miến phí nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 -3/2/2025), phim truyện 'Hồng Hà nữ sĩ' cũng được chiếu trong đợt này.

Hơn 200 vận động viên đua thuyền đầu xuân

Giải đua thuyền nam truyền thống lần thứ 30 năm 2025 do UBND huyện Krông Ana (Đắk Lắk) tổ chức thu hút 12 thuyền đua, với hơn 200 vận động viên tham gia.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất