Bi kịch của những gia đình nạn nhân nhiều nhan nhản trong khi thủ đoạn của những “ông trùm” ngày một tinh vi…
Tan cửa nát nhà vì tín dụng đen, cho vay nặng lãi |
Giống như nhiều vùng ven đô khác, cơn bão tín dụng đen, cho vay nặng lãi càn quét qua Phúc Thọ từ hàng chục năm nay. Bẵng đi độ 1-2 năm, “cơn bão” tiếp tục quay trở lại đẩy các vùng quê vào cảnh khốn cùng. Nợ nần, chia lìa, tha phương, thậm chí tự tử vì bẫy tín dụng đen. Nhiều cảnh khủng bố, trả thù manh động, hung hăng, bất chấp cả pháp luật của những kẻ cầm đầu cho vay nặng lãi.
Một trong những điểm nóng mà nạn tín dụng đen, cho vay nặng lại đang hoành hành ở vùng ven đô là xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ). Cả ông Đỗ Mạnh Thắng, Phó trưởng công an xã và ông Nguyễn Công Hoàn, Phó chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận đều tỏ ra ngán ngẩm khi thừa nhận hàng loạt những hệ lụy từ tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên địa bàn.
Những vị cán bộ xã này cho hay, những năm trước 2013-2014 là thời điểm tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở Hiệp Thuận hoành hành mạnh nhất. Sau đó im ắng được một thời gian, đến đầu năm 2018 tiếp tục quay trở lại với những thủ đoạn tinh vi, tàn khốc hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn xã xảy ra hàng loạt vụ ném chất bẩn vào nhà người dân – những nạn nhân của tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Các ổ nhóm, tụ điểm cho vay mọc lên đẩy hàng loạt gia cảnh đến bước đường cùng. Ông phó công an xã cảnh báo, từ giờ đến cuối năm âm lịch chắc chắn sẽ còn tiếp tục xảy ra tình trạng đòi nợ, ném chất bẩn trả thù bởi các ổ nhóm cho vay nặng lãi vẫn đang hoạt động hết sức tích cực. Thống kê sơ bộ, số tiền nợ tín dụng đen trong dân ít nhất cũng vài ba chục tỷ đồng.
“Các ổ nhóm hoạt động hết sức tinh vi, hầu như không có bằng chứng cụ thể để xử lý. Bọn chúng có cao thủ, có quân sư tư vấn, thủ đoạn lại vô cùng tinh ranh. Trước 2016 – 2017 những đối tượng cho vay nặng lãi hướng đến thường là trẻ vị thanh niên, nhắm vào những gia đình theo kiểu con dại cái mang, lôi kéo con cái nợ nần rồi bắt bố mẹ phải trả. Vài năm trở lại đây, đối tượng chúng hướng đến cũng thay đổi, thường là những người đủ tuổi lao động nên việc xử lý khó khăn hơn”, lãnh đạo xã Hiệp Thuận chia sẻ.
Tình hình như thế, nên ở Hiệp Thuận bây giờ, vào bất cứ xóm nào cũng rất dễ chứng kiến sự tan tác của các gia đình nạn nhân.
Căn nhà bà Hoàng Thị Sâm nằm ngay đầu làng Hiệp Lộc, không gian lúc nào cũng trầm mặc, u uất, đủ biết gia chủ có chuyện buồn. Làng xóm nói rằng, đó từng là nơi sinh sống bình yên của 2 vợ chồng già cùng với gia đình anh con trai, trước khi cơn bão tín dụng đen, cho vay nặng lãi ập đến.
Những kẻ cho vay nặng lãi ném chất bẩn vào nhà bà Sâm |
5 – 6 năm trước, con trai bà Sâm đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan, tích cóp được ít tiền trở về, cộng với số tiền dành dụm cả đời của 2 ông bà thì vừa đủ mở một xưởng cơ khí. “Thấy con trai tôi làm ăn khấm khá, các đối tượng cho vay nặng lãi tiếp cận, rủ rê, lôi kéo nó chơi bời này nọ… Không biết bọn chúng chơi gì mà đến một thời gian sau thấy con trai tôi báo đang nợ 4 tỷ đồng. Mỗi tháng phải trả ít nhất 645 triệu đồng tiền lãi. Ngày nào cũng có người đến đòi nợ. Không có thì bọn chúng đe dọa, đòi lấy mạng. Không có tiền trả cho bọn chúng, con trai, con dâu tôi phải bỏ trốn khỏi làng. Cháu gái 5 tuổi cũng phải đưa đi gửi nhờ gia đình khác”, bà Sâm nói như muốn khóc.
Khoản nợ khổng lồ trút lên đầu hai vợ chồng già còm cõi. Việc đầu tiên là bán xưởng cơ khí, nhưng toàn bộ thứ được xem là gia sản ấy không khác gì muối bỏ bể. Lần lượt sau đó là cắm sổ đỏ, bán đất vườn, vay hết anh em họ hàng, thậm chí phải mượn cả sổ đỏ của ông bà thông gia để cầm cố nhưng vì số tiền vay nặng lãi cứ đẻ liên tục nên không kham nổi. Đường cùng, ông bà gán nốt mấy sào đất bãi, “nồi cơm” cuối cùng của cả gia đình, vậy mà cũng chẳng yên.
Theo lời bà Sâm, chủ nợ của gia đình là một người tên Thanh ở cùng trong xã. Sau khi gia đình anh con trai bỏ trốn, ông Thanh gọi điện mời ông bà đến bắt phải chứng thực. Ngày nào cũng có người gọi điện, ném chất bẩn vào nhà, thậm chí đưa người vào tận nhà hành hung. Chỉ riêng tiền lãi, giấy hẹn ký từ tháng 11/2017 đến ngày 9/11/2018 ghi rõ, nếu không thanh toán đủ sẽ bị xử lý.
Để gây áp lực lên đôi vợ chồng già, mặc dù chưa đến thời gian trả tiền, Thanh cho đàn em đến cảnh cáo bằng cách ném lưu huỳnh, thuốc sâu vào nhà. Nửa đêm mới đây, gia đình ông bà tiếp tục bị khủng bố bằng hàng loạt túi chứa thuốc sâu, lưu huỳnh với mắm tôm.
Ngôi nhà cấp 4 xập xệ của nạn nhân tín dụng đen |
Sau những trò đe dọa là các trận đòn thù. Hai tháng trước, 3 đối tượng đến hỏi tiền, ông chồng bảo không có, lập tức bị đánh gục ngay tại chỗ. Mấy hôm sau, cũng chính bọn này cầm bình xịt hơi cay dí vào ông chồng, túm tóc bà mà giật nhất quyết ép ông bà bán nhà trả nợ. Hai ông bà già gào lên kêu cứu nhưng bọn chúng cử người phong tỏa ngôi nhà, không cho bất cứ hàng xóm nào đến can ngăn. Anh con rể biết tin chạy sang cũng bị nhốt chung vào một góc và đánh đập. “Bọn chúng bắt gia đình tôi ký giấy bán nhà, nhưng không ai ký. Chúng nó nói rằng không trả đủ tiền thì cả họ nhà bà không ai yên ổn”, đôi vợ chồng già nói giọng đầy sợ hãi.
Nợ nần chồng chất, mà có lẽ bán sạch gia sản cũng không thể nào trả nổi, bây giờ, ngày ngày bà Sâm đi nhặt túi bóng cho xưởng sản xuất bao bì, còn ông chồng thì đi nấu cơm cho xưởng cơ khí, chỉ kiếm đủ tiền ăn.
“Chúng tôi báo với chính quyền xã nhờ can thiệp nhưng họ nói không có bằng chứng. Nhiều gia đình cùng cảnh ngộ như chúng tôi cũng đã làm đơn nhưng chưa thấy trường hợp nào được giải quyết”, bà Sâm nói, nước mắt lăn dài.
Giải thích tình trạng “gia đình nạn nhân không biết kêu ai”, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận cho rằng, về bản chất rất khó để thu thập bằng chứng để xử lý. Ví dụ như người ta cho vay 10 triệu nhưng khấu mất 3 triệu, đưa cho 7 triệu thôi nhưng ký giấy 10 triệu. Trong giấy nợ không thể hiện cho vay nặng lãi. Còn những thủ đoạn đòi nợ, trả thù, bọn chúng tinh ranh lắm, hành động lại cực nhanh. Nhiều gia đình lắp cả camera để ghi lại nhưng lúc bọn chúng đến thì việc đầu tiên bao giờ cũng tháo camera đã. Mà kể cả có camera giám sát, công an điều tra vào thì hầu hết chúng nó bịt mặt, không phát hiện được…
“Chúng tôi cũng bức xúc lắm, nhưng chính quyền có khi bất lực thật”, ông Phó Chủ tịch xã Hiệp Thuận khẳng khái nhận trách nhiệm.
Nhiều dòng chữ đòi nợ công khai viết trên các bức tường gia đình nạn nhân |
Cũng theo ông Hoan, nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi đã ở mức báo động. Tất cả các hội nghị, kể cả hôm nay có buổi đối thoại với Bí thư, Chủ tịch huyện hay các hội nghị tiếp xúc cử tri, Hội đồng nhân dân đều có ý kiến phản ánh về tình hình tín dụng đen, cho vay nặng lãi hoành hành. Chúng tôi cũng liên tục động viên nhân dân tố cáo, nhưng nhiều trường hợp dân tố cáo xong sợ quá lại rút đơn. Xã chỉ biết kêu lên trên thôi.