| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ đê bao, bờ bao để an toàn cho sản xuất lúa

Thứ Hai 29/08/2022 , 08:27 (GMT+7)

Nhờ làm tốt việc gia cố, bảo vệ đê bao, bờ bao, tỉnh An Giang đã giảm thiểu được thiệt hại cho vụ lúa hè thu, thu đông trong những năm lũ lớn.

ag 2

Nông dân vận chuyển lúa trên một tuyến đê bao kết hợp với đường giao thông nông thôn ở huyện Phú Tân, An Giang. Ảnh: Sơn Trang.

Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, toàn tỉnh có khoảng 11.000 công trình thủy lợi và đê bao, bờ bao. Trong đó đê bao, bờ bao có 699 tiểu vùng với chiều dài 5.789km, kiểm soát lũ bảo vệ sản xuất cho hơn 255.863ha. Các tuyến đê bao của tỉnh hầu hết được kết hợp với đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.

Trong đó, đê bao triệt để (đảm bảo chống lũ vụ thu đông) gồm 417 tiểu vùng, với 1.649 công trình, chiều dài 4.027km, kiểm soát lũ hơn 188.976ha. Đê bao chống lũ tháng 8 gồm 238 tiểu vùng, với 851 công trình, chiều dài 1.449km, kiểm soát lũ 54.813ha đất sản xuất 2 vụ.

Trên địa bàn tỉnh An Giang còn có hệ thống đê cấp III vùng Đông kênh Bảy xã (thị xã Tân Châu), có tổng chiều dài 22,7km. Trong đó, đê Đông kênh Bảy Xã dài 13km, đê kênh nhánh Đông dài 3,5km và đê Bắc kênh Xáng dài 6,2km.

Để bảo vệ các vụ lúa bị ảnh hưởng lũ sông Cửu Long, ngay từ đầu mỗi năm, sau khi lũ rút, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh An Giang ban hành Công văn chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kiểm tra rà soát xác định các trọng điểm xung yếu về thiên tai, trong đó có đê bao, bờ bao.

Trên cơ sở các trọng điểm xung yếu, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch bố trí nguồn kinh phí dịch vụ công ích thủy lợi để thực hiện gia cố đê bao, bờ bao, sửa chữa cải tạo cống bọng, nạo vét kênh mương để đảm bảo phục vụ sản xuất và dân sinh trong thời gian tiếp theo.

Cụ thể trong năm 2022, các địa phương ở An Giang đã và đang thực hiện tổng số 327 công trình, kinh phí 218,09 tỷ đồng. Trong đó: Triển khai gia cố đê bao với tổng số 144 công trình, kinh phí 140,9 tỷ đồng; triển khai duy tu, sửa chữa cống bọng với tổng số 68 công trình, kinh phí 30,231 tỷ đồng.

Ngoài ra, đối với tuyến đê cấp III vùng Đông kênh Bảy xã, Sở NN-PTNT đã kiểm tra xác định trọng điểm xung yếu và xây dựng kế hoạch thực hiện duy tu, bảo dưỡng gửi Tổng cục Phòng, chống thiên tai xem xét phê duyệt để triển khai thực hiện.

Trước khi mùa lũ đến, các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh An Giang chủ động xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê xung yếu để trình cấp thẩm quyền phê duyệt thực hiện; xây dựng và triển khai kế hoạch hiệp đồng lực lượng, bố trí vật tư, phương tiện, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” kịp thời xử lý tình huống.

Trong thời gian xảy ra lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn các cấp đã chủ động công tác trực ban và bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra đê bao 24/24 tại các khu vực xung yếu. Phân công, bố trí lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã và nông dân có đất sản xuất trong vùng luân phiên tuần tra, kiểm tra đê bao trong thời gian lũ nhằm phát hiện kịp thời và xử lý ngay những sự cố có thể xảy ra. Huy động lực lượng, phương tiện, vật tư xử lý theo phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra ngay giờ đầu.

Nhờ làm tốt công tác gia cố, hộ đê, bảo vệ đê bao, bờ bao, An Giang đã giảm thiểu được thiệt hại trong những năm lũ lớn. Cụ thể, lũ năm 2018, chỉ có 1.274ha lúa bị mất trắng (chiếm 0,32% diện tích xuống giống). Trong đó, vụ hè thu mất 312 ha (0,13% diện tích xuống giống), vụ thu đông 962ha (chỉ chiếm 0,6% diện tích xuống giống).

Thiệt hại do lũ năm 2018 chỉ bằng 25,75% so với năm 2000 và bằng 21,54% so với năm 2011. Từ năm 2019 đến 2021, do lũ nhỏ nên không gây thiệt hại đối với sản xuất.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.