| Hotline: 0983.970.780

Có thể đưa vụ thu đông thành vụ lúa chính thay cho hè thu?

Thứ Sáu 19/08/2022 , 16:30 (GMT+7)

Đưa vụ thu đông trở thành vụ lúa chính thay cho vụ hè thu có thể là một giải pháp hay nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất lúa ở ĐBSCL.

Le Thanh Tung-17

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: Tùng Đinh.

Như Báo NNVN ngày 18/8 đã đưa tin, những ngày vừa qua, các đợt mưa lớn lại khiến nhiều diện tích lúa hè thu đang giai đoạn chín, sắp thu hoạch ở Bình Định bị ngã đổ, gây thiệt hại đáng kể. Điều này cho thấy sản xuất lúa hè thu ở Duyên hải Miền Trung nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung luôn ẩn chứa nhiều rủi ro.

Những năm gần đây, nhiều diện tích lúa hè thu ở Bình Định nói riêng và một số tỉnh phía Nam nói chung thường bị đổ ngã do mưa lớn vào cuối vụ hè thu.

Bài liên quan

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, lúa hè thu ở các tỉnh/thành phía Nam, từ Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ tới ĐBSCL đều chịu những yếu tố bất thường của khí tượng thủy văn. Trong đó có 2 yếu tố ảnh hưởng nặng nề nhất là áp thấp nhiệt đới và bão bất ngờ, thứ hai là triều cường. Hai yếu tố này ảnh hưởng lớn tới năng suất, sản lượng lúa.

Với những yếu tố bình thường như mưa, thì khi bố trí tất cả các thời vụ của các khu vực phía Nam, ngành nông nghiệp đều đã có tính toán và cố gắng né những tháng mưa nhiều. Trong trường hợp ngặt nghèo lắm thì vẫn phải chấp nhận một ít diện tích bị ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng như lúa vừa trỗ bông thì trời đổ mưa lớn.

Theo ông Tùng, năm nay, việc bố trí thời vụ ở vụ hè thu ở các khu vực phía Nam cũng đều đã có tính toán kỹ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của cơn bão số 2, cộng với những con mưa lớn bất ngờ nên có những nơi như Cà Mau, Bạc Liêu… chỉ trong vòng 4 ngày mà mưa tới 300ml. Ở miền Nam, tổng lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.200mm. Vậy mà chỉ trong vòng 4 ngày của tháng 7, tổng lượng mưa ở nhiều nơi đã chiếm hơn 10% tổng lượng mưa trung bình cả năm, như vậy là rất bất ngờ. Mưa lớn bất ngờ kết hợp với triều cường biển Đông đã gây ngập, khiến lúa bị đổ ngã ở nhiều nơi. Đây là những yếu tố ngoài dự báo.

Theo đánh giá, trên toàn Miền Trung - Tây Nguyên, mức độ đổ ngã chiếm chưa đến 5% tổng diện tích lúa hè thu. Những diện tích đổ ngã này sẽ bị suy giảm năng suất.

Đến thời điểm này, Tây Nguyên thu hoạch chưa tới 20% diện tích vụ hè thu. Diện tích còn lại đã qua các thời điểm có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết. ĐBSCL đã thu hoạch 1 triệu ha trong tổng số 1,5 triệu ha, tương đương 65%, năng suất bình quân trên diện tích đã thu hoạch ở ĐBSCL có giảm so với cùng thời kỳ của vụ hè thu 2021. Còn diện tích chưa thu hoạch có thể không giảm. Vì vậy, so với vụ hè thu hàng năm, sản lượng vụ hè thu năm nay sẽ không suy giảm mấy.

Kênh 5B còn 1/2 ấp sạ chung giống lúa OM18, với tổng diện tích khoảng 120ha chưa thu hoạch, bị mưa dông làm ngã rạp, nông dân phải buộc dựng lên để giảm thiệt hại. Ảnh: Trung Chánh.

Tại ĐBSCL, vụ hè thu ngày càng chịu nhiều rủi ro do mưa dông gây ngã đổ lúa, khó khăn cho thu hoạch. Ảnh: Trung Chánh.

Thưa ông, như vậy là vụ hè thu từ Duyên hải Miền Trung vào tới ĐBSCL đều ẩn chứa sự rủi ro bởi thời tiết, thủy văn. Chúng ta có thể bố điều chỉnh thời vụ vụ hè thu nhằm giảm thiểu nguy cơ này hay không?

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, đằng nào trong một năm cũng phải có 5 tháng mưa. 5 tháng mưa đó không rải đều về vũ lượng, cũng không có định hình là mỗi tuần mưa bao nhiêu. Thường với ĐBSCL mưa sẽ tập trung vào tháng 7, tháng 8. Còn với khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, thời điểm mưa nhiều sẽ chậm hơn khoảng 1 tháng, tức là tập trung vào tháng 9, tháng 10.

Từ trước tới giờ, ngành nông nghiệp bố trí vụ hè thu đều cố gắng né tối đa những thời điểm mưa nhiều ở các khu vực. Tuy nhiên bây giờ thời tiết không theo quy luật xưa nay nữa. Nếu cố tình bố trí thời vụ hè thu nhằm né mưa lũ thì sẽ ảnh hưởng tới vụ đông xuân.

Nếu như quay trở lại thời kỳ trước khi có tăng vụ, trước khi có biến đổi khí hậu, chỉ sản xuất 2 vụ lúa trong năm ở ĐBSCL, thì khả năng các vụ lúa bị ảnh hưởng bởi thời tiết, thủy văn sẽ rất thấp, vì hoàn toàn có thể bố trí lịch thời vụ đảm bảo tránh được những thời điểm có nhiều rủi ro về thời tiết, thủy văn.

Tuy nhiên, từ lâu nay, chúng ta đã chuyển sang sản xuất 3 vụ lúa ở ĐBSCL là vụ đông xuân, hè thu và thu đông. Với cơ cấu 3 vụ, suốt 12 tháng trong năm, gần như tháng nào ở ĐBSCL cũng có diện tích lúa được xuống giống. Như vậy, khả năng tránh né những yếu tố bất lợi từ khí tượng, thủy văn là rất khó. Vì thế, chỉ có thể cố gắng bố trí thời vụ ở mức ít rủi ro nhất có thể.

watermark_thien-tai-gay-thiet-hai-nong-nghiep-4-1700_20220713_144-180809

Giữa tháng 7/2022, mưa lớn đã gây ngập nhiều diện tích lúa hè thu tại các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.

Trong 3 vụ lúa ở ĐBSCL thì vụ hè thu thường gặp rủi ro nhiều nhất. Chúng ta có thể cơ cấu lại vụ lúa này theo hướng “đẩy” một phần diện tích vụ hè thu lên vụ đông xuân và một phần “xuống” vụ thu đông để giảm thiểu rủi ro không, thưa ông?

Vụ đông xuân thì đã ổn định rồi, vì được tiến hành trong khung thời gian tốt nhất để né tránh các yếu tố bất lợi về thời thiết, thủy văn. Với vụ hè thu vàvụ thu đông, tổng diện tích gần 2,3 triệu ha. Trong đó, hè thu 1,55 triệu ha, thu đông 700 nghìn ha. Chúng ta có thể dịch chuyển giữa 2 vụ lúa này.

Có 2 phương án dịch chuyển. Thứ nhất là bỏ đi 700 nghìn ha vụ thu đông hiện tại để nhập vụ này vào vụ hè thu. Khi ấy, chúng ta có thể lùi toàn bộ thời vụ vụ hè thu và gieo sạ sau khi mưa xuống vào tháng 6.

Phương án thứ hai là giảm diện tích vụ thu đông hiện nay từ 700 nghìn ha xuống còn 500 nghìn ha, đồng thời dịch chuyển hơn 800 nghìn ha vụ hè thu sang vụ thu đông. Khi ấy, vụ thu đông sẽ được xem là vụ chính, vì vụ hè thu lúc này chỉ còn 700 nghìn ha. Nếu cần phải dịch chuyển giữa vụ hè thu và vụ thu đông để giảm thiểu rủi ro bởi thời tiết, thủy văn, thì đây là sự dịch chuyển về thời vụ rất hiệu quả.

Tuy nhiên, vấn đề này cần phải có sự vào cuộc nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, các chuyên gia lúa gạo, các địa phương và quan trọng nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Vì hơn 50% sản lượng lúa ở ĐBSCL là dành cho xuất khẩu.

"Nếu đưa vụ thu đông trở thành vụ chính thay cho vụ hè thu, thì thời điểm thu hoạch lúa thu đông, liệu có bị trùng về mùa vụ với các nước sản xuất lúa trong khu vực hay không và sự dịch chuyển mùa vụ như vậy có ảnh hưởng gì tới thị trường, tới những cam kết trong hợp đồng xuất khẩu gạo mà hiện vẫn xem vụ hè thu là một trong 2 vụ lúa chính". 

Ông Lê Thanh Tùng.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.