| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Thứ Sáu 20/01/2023 , 07:57 (GMT+7)

UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều đề án, chương trình nhằm bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sau khi được UNESCO công nhận.

Từ khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác Truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 25/11/2005, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chương trình để giữ gìn và phát huy văn hóa này.

Cụ thể, Đắk Lắk mở nhiều lớp học, các chương trình ngoại khóa để đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy cho học sinh. Hoạt động này không chỉ thắp lửa đam mê cho lớp trẻ mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Níu giữ bản sắc

Trong năm 2022, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Lắk tổ chức khai giảng nhiều lớp truyền dạy đánh cồng chiêng tại 3 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ huyện Krông Ana và Lắk với sự tham dự của gần 100 người từ 6 đến 40 tuổi.

Các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng diễn ra trong 2 tháng, do các nghệ nhân đội chiêng tại địa phương trực tiếp hướng dẫn, truyền dạy. Trong thời gian theo học, các học viên được học cách diễn tấu các bài chiêng cơ bản.

Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: Quang Yên.

Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: Quang Yên.

Ngoài dạy tại các buôn, những năm qua, nhiều trường học tại Đắk Lắk cũng đưa môn cồng chiêng vào giảng dạy. Tại trường PTTH Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (TP Buôn Ma Thuột) mở nhiều lớp học về nhạc cụ dân tộc truyền thống thu hút các học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia.

Đặc biệt với sự tham gia giảng dạy của NSUT Vũ Lân, Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Tây Nguyên, đã thắp lửa đam mê cho rất nhiều học sinh của trường.

Theo NSƯT Vũ Lân, cồng chiêng là nhạc cụ dân tộc đã gắn liền với đời sống văn hóa của bà con dân tộc Tây Nguyên hàng ngàn năm qua. Với bản sắc văn hóa ngàn đời, bà con Tây Nguyên không bao giờ buông bỏ nhưng vì thiếu điều kiện để tiếp cận nên hạn chế niềm đam mê của giới trẻ.

“Tôi muốn góp sức truyền lửa đam mê cho giới trẻ đặc biệt là lứa tuổi học sinh để các em cảm nhận và hiểu hơn về văn hóa của dân tộc mình qua những nhạc cụ văn hóa dân tộc. Tôi mong muốn các em học sinh tiếp cận, để có ý thức bảo tồn và phát huy tốt giá trị văn hóa của dân tộc mình hơn” NSƯT Vũ Lân chia sẻ.

Thầy Bùi Xuân Lễ, Hiệu trưởng trường PTTH Dân tộc nội trú Nơ Trang Long cho biết, trường có 65% là đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 16 dân tộc thiểu số. Những năm qua, nhà trường đã phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức nhiều lớp dạy cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc cho các em là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia.

Nhiều lớp học dạy cồng chiêng cho các em nhỏ nhằm giữ gì di sản này. Ảnh: Quang Yên.

Nhiều lớp học dạy cồng chiêng cho các em nhỏ nhằm giữ gì di sản này. Ảnh: Quang Yên.

“Qua các lớp học, dưới sự hướng dẫn của NSƯT Vũ Lân, hiện nay rất nhiều học sinh của trường chơi được cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc khác. Hiện trường đã thành lập câu lạc bộ với đội chiêng chuyên nghiệp có thể tham dự biểu diễn ở các lễ hội. Đội chiêng là niềm tự hào của trường, là nơi thắp lửa đam mê, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của các dân tộc mà còn thắp lửa đam mê cho giới trẻ”, thầy Lễ đánh giá.

Nhiều đề án bảo vệ di sản

Từ khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk”.

Thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh đã cấp ngân sách mua và cấp 154 bộ chiêng cho những đội chiêng tiêu biểu ở các buôn trong tỉnh, trong đó giai đoạn 2016-2020 cấp được 26 bộ chiêng, 358 bộ trang phục truyền thống cho các đội chiêng, đội văn nghệ ở các buôn.

UBND tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chương trình để bảo vệ Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Quang Yên.

UBND tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chương trình để bảo vệ Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Quang Yên.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và các địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức được hàng trăm lớp truyền dạy đánh chiêng cho hàng ngàn thanh thiếu niên, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số các buôn làng và các trường học trong tỉnh; phục dựng được 136 nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với cồng chiêng; tổ chức biểu diễn định kỳ một tháng hai chương trình văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách tại trung tâm văn hóa tỉnh… với tổng kinh phí hơn 12,7 tỷ đồng.

Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vào tháng 9/2020 cho thấy, toàn tỉnh hiện có 2.098 bộ chiêng, 5.116 nghệ nhân biết đánh chiêng, 311 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, 1.366 nghệ nhân biết chơi các nhạc cụ truyền thống… Những nghệ nhân này là lực lượng nòng cốt giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng ở các buôn làng Đắk Lắk.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.