| Hotline: 0983.970.780

Trên đỉnh non thiêng: [Bài 2] Đàn tế trời, tấm lòng của hậu nhân

Chủ Nhật 02/02/2025 , 15:42 (GMT+7)

Bình quân mỗi tháng có 1.000-1.200 khách tới viếng Đàn tế trời Tây Sơn, khách chủ yếu đến viếng vào ngày rằm và mùng Một để thắp hương nguyện cầu bình an cho gia đình.

Ấn Sơn là một ngọn núi thấp nằm bên hữu ngạn sông Kôn, nơi “hội tụ khí thiêng sông núi” của miền đất Võ Bình Định, gắn liền với những truyền thuyết lịch sử hào hùng về triều đại Tây Sơn. Vì thế, Bình Định đã khởi xướng và kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng công trình văn hóa tâm linh Đàn tế trời ngay trên đỉnh núi thiêng này.

Đàn tế trời Tây Sơn còn được gọi là Đàn Kính thiên hay Bảo Sơn Thiên Ấn tọa lạc trên một khu đất rộng 46ha tại khu vực núi Ấn nằm trong dãy núi Hoành Sơn thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường (huyện Tây Sơn, Bình Định). Quần thể công trình gồm 3 khu vực chính: Khu Đàn tế trời, khu Đền Ấn-Tháp Thông Linh, khu Bản quản lý và các hạng mục công trình phụ trợ khác.

Tháp Thông Linh được chạm khắc rất tỉ mỉ. Ảnh: V.Đ.T.

Tháp Thông Linh được chạm khắc rất tỉ mỉ. Ảnh: V.Đ.T.

Đường hành lễ (trục thần đạo) được thiết kế theo hướng Bắc-Nam, từ cổng đón khách đến Nghi môn chính có chiều dài 320m, rộng 5m, trên lối vào có 10 đoạn giật cấp. Từ dưới đất lên tới khu Đàn tế có 183 bậc cấp bằng đá. Độ cao tính từ bậc cấp đầu (ngang cổng đón) đến bậc cấp cuối (ngang Nghi môn chính) vừa đúng 39m, tương đương tuổi hưởng dương của vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ.

Cổng vào Đền Ấn thật uy nghi, được dựng lên bởi hai trụ biểu. Trụ bên phải được ghi chữ: “Rạch Gầm, Xoài Mút, ba trăm thuyền vùi xác bọn chiêu tăng”. Trụ bên trái ghi: “Khương Thượng, Đống Đa, hai chín vạn tan hồn quân Sĩ Nghị”. Hai bên sân đền được đặt mỗi bên một con voi trắng bằng đá, một con ngựa đá trắng, hai bức tượng quan võ và 3 tượng quan văn. Đây cũng chính là những lực lượng tiêu biểu góp phần vào sự nghiệp của nhà Tây Sơn.

Bình phong trấn thủy trên khu Đàn tế trời. Ảnh: V.Đ.T.

Bình phong trấn thủy trên khu Đàn tế trời. Ảnh: V.Đ.T.

Khu Đền Ấn gồm ba hạng mục: Nhà Tiền tế có kiến trúc mặt bằng hình chữ Nhất, 5 gian, mái chái, có đầu đao. Nơi đây có bàn thờ chung các tướng lĩnh và quân sĩ nhà Tây Sơn. Sau nhà Tiền tế là Phương đình, khối kiến trúc hình vuông, 2 tầng mái có đao. Đây là nơi tượng trưng cho sự thông thiên, giao hòa giữa trời-đất, âm-dương. Và cũng tại đây, chúng ta được nhìn thấy bản sao của Ấn lệnh nhà Tây Sơn “Sơn hà xã tắc”.

Phía trong cùng là kiến trúc Hậu cung, mặt bằng chữ Nhất, ba gian, mái chái, là nơi đặt bàn thờ cùng bài vị của ba anh em người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ. Tháp Thông Linh nằm bên phải khu Đàn tế, đối xứng với khu Đền Ấn. Tháp có hình vuông với 7 tầng sừng sững giữa núi non trùng điệp. Trên đỉnh tháp có một hồ lô chảy tràn nước xuống các tầng mái.

Theo ông Lê Văn Cường  (62 tuổi), nhân viên trực khu vực Đàn tế trời, khu Đàn tế trời nằm trên đỉnh cao nhất của núi Ấn, cao 364m so với mực nước biển với cấu trúc 3 tầng nền được xây bằng đá ong. Tầng trên cùng tượng trưng cho Thiên, lan can đá có màu đỏ bao quanh, nền đất được nện chặt, một lối lên từ hướng Nam có 5 bậc. Chính giữa Viên Đàn đặt sạp đá và nhang áng đá là áng thờ trời-đất. Tầng thứ 2 là Phương Đàn hình vuông, tượng trưng cho địa, chiều dài mỗi cạnh 54m, lan can đá màu vàng bao quanh, 4 lối lên theo 4 hướng Nam-Bắc-Đông-Tây, mỗi lối lên có 9 bậc.

Ông Lê Văn Cường, nhân viên khu trực Đàn tế trời, đang kể chuyện về Đài Kính thiên. Ảnh:  V.Đ.T.

Ông Lê Văn Cường, nhân viên khu trực Đàn tế trời, đang kể chuyện về Đài Kính thiên. Ảnh:  V.Đ.T.

Tại đây, khi làm lễ sẽ bố trí các áng thờ thần như: Thần mặt trời, thần mặt trăng, các thần biển-sông-núi… Tầng dưới cùng tượng trưng cho Nhân, cũng hình vuông, có 4 lối vào theo 4 hướng. Hướng chính là hướng Nam với cổng tam quan, 2 tầng, lối đi chính có 2 tầng mái. Bên trong cổng tam quan là một bức bình phong trấn phong thủy được làm bằng đá. Trên cổng tam quan có một bức hoành ghi “Bảo Sơn Thiên Ấn”, có nghĩa nơi này là ngọn núi quý có ấn của trời. Trên trụ biểu cổng tam quan bên trái có ghi: “Trăm họ lầm than nổi trống Tây Sơn trừ bạo chúa”, bên phải ghi “Bốn phương loạn lạc, giương cờ bình định cứu lương dân”. Nhà Bắc thu công nằm hướng Bắc Đàn tế, được thiết kế với 4 hàng cột vuông, sơn màu giả gỗ.

Phía trước cổng tam quan ngoài cùng của trục chính là hồ nước hình bán nguyệt với diện tích 900m2, sâu 4m, có 2 khung bậc lên xuống. Hồ ngăn cách giữa khu Đàn tế và hòn Dũng án ngữ phía trước vừa tạo cảnh quan, phong thủy tốt cho hướng chính điện của Đàn tế, vừa tạo điểm nhấn cho tổng thể quy hoạch của Đàn Thiêng.

Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, đang trao đổi về khu du lịch tâm linh Đàn tế trời. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, đang trao đổi về khu du lịch tâm linh Đàn tế trời. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, đơn vị chủ quản của Đàn tế trời, cho biết: “Đàn tế trời Tây Sơn đứng giữa trời đất thiêng liêng, tạo ra một không gian đất trời rộng lớn kết hợp với các công trình tâm linh uy nghiêm. Theo đó, Đàn tế trời mang ý nghĩa quan trọng trong việc cầu mong thế gian mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình. Trừ những dịp lễ, Tết thì trung bình một tháng có từ 1.000-1.200 khách tới viếng. Họ chủ yếu đi ngày rằm, mùng Một để thắp hương nguyện cầu bình an cho gia đình”.

“Công trình khu du lịch tâm linh Đàn Tế trời trên đỉnh Ấn Sơn là tấm lòng hậu nhân đối với tiền nhân lưu danh muôn thuở. Có thêm công trình này, Bình Định như thêm một địa chỉ để nhân dân cả nước, du khách gần xa đến thăm viếng, bày tỏ, chiêm bái tinh thần phong trào Tây Sơn trường tồn”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định.

Xem thêm
Hàng vạn người dân tham gia lễ hội đua thuyền Thuận Long

Sự kiện đua thuyền Thuận Long (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thu hút hàng vạn người dân địa phương và du khách thập phương đến theo dõi và cổ vũ.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất