Tham dự buổi lễ có sự quang lâm của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An; Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương, Phó ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An; chư tôn đức Tăng, Ni và Phật tử...
Về phía lãnh đạo tỉnh Nghệ An có ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; Ban Tôn giáo tỉnh - Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao cùng đông đảo du khách thập phương.
Mở đầu chương trình, nhạc sỹ Lê Minh Sơn và các nghệ sỹ cùng cộng sự đã truyền tải trọn vẹn bài Kinh Chuyển Pháp Luân, lời dạy cốt lỗi đầu tiên của Đức Phật và những ca khúc biểu lộ tình yêu quê hương nồng nàn và lòng mến mộ Phật pháp vô biên của các nghệ sỹ.
Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Thọ Lạc nhấn mạnh: Đức Phật từng dạy trong Kinh Chuyển Pháp Luân rằng: “Trí tuệ là điểm khởi đầu, ươm mầm trí tuệ, soi sáng tất cả ngôn từ, hành động, sinh kế, chuyên cần, đều hợp chính đạo, giúp cho hành giả, xa lánh ràng buộc, giải thoát an vui. Lời dạy ấy chính là kim chỉ nam cho tất cả chúng ta, đặc biệt trong ngày đầu xuân, khi thực hiện nghi thức khai bút – một truyền thống tốt đẹp, thể hiện lòng tôn kính tri thức, ý chí học hành và khát vọng vươn lên”.
Dịp này, Ban Tổ chức cũng đã phối hợp chùa Đại Tuệ (Nam Đàn), chùa Tu và chùa Diệc (TP Vinh) hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại huyện Tương Dương.
Ngay sau phần lễ, chư Tăng Ni và lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã khai bút, khai ấn, phát ấn và tặng bút viết cho du khách thập phương. Ban Tổ chức cũng bố trí nhiều điểm viết chữ Thư pháp để tặng du khách. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển chứa đựng trong đó những ước vọng về một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và bình an thể hiện sự trân trọng giữa người tặng và người nhận.
Được biết, đây là hoạt động thường niên được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An duy trì tổ chức từ năm 2012 đến nay, nhằm giáo dục cho con cháu về truyền thống hiếu học, "tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam.
Chùa Đại Tuệ được xây dựng từ thế kỷ 14, tọa lạc trên núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn là một quần thể kiến trúc có giá trị về lịch sử và danh thắng. Chùa bao gồm 20 hạng mục công trình với 4 ngôi bảo điện được phân bố từ chân lên đến đỉnh núi là các hạng mục chính, gồm chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng, trong đó nổi bật nhất là bảo tháp Đại Tuệ 9 tầng, cao 32m, nơi thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Mẫu Đại Tuệ và Phật Di Lặc.
Chùa còn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và năm vị vua lịch sử: Vua Hùng, Mai Hắc Đế, Hồ Quý Ly, Quang Trung và Cảnh Thịnh, những anh hùng dân tộc gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước. Bên cạnh đó, còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử.
Hệ thống tượng Phật trong chùa gồm 32 pho tượng bằng gỗ dâu nguyên khối, Chùa đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận với bốn kỷ lục ấn tượng: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất, ngôi chùa sở hữu hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất, hệ thống tượng gỗ dâu nguyên khối lớn nhất, và hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam.