Theo ông Kajiwara Junichi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, việc triển khai quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm chế biến theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ (Nghị đinh 09) đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong 5 năm qua.
Theo Nghị định này, các công ty chế biến thực phẩm phải sử dụng muối bổ sung I-ốt, bột mì bổ sung sắt và kẽm khi chế biến thực phẩm cho tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, nhiều nước nhập khẩu lại không chấp nhận việc bổ sung I-ốt, sắt và kẽm vào sản phẩm.
Do đó, đối với hàng nội địa và xuất khẩu, Acecook buộc phải sử dụng nguyên liệu muối và bột mì khác nhau, đồng thời phải tránh nhiễm chéo giữa các loại nguyên liệu này trong tất cả công đoạn bảo quản và sản xuất. Để giải bài toán tránh nhiễm chéo, doanh nghiệp chỉ có 2 cách: Đầu tư một dây chuyền sản xuất riêng cho sản phẩm xuất khẩu hoặc vẫn sản xuất trên 1 dây chuyền nhưng phải đảm bảo không để nhiễm chéo.
Đầu tư một dây chuyền riêng chưa thể làm do chi phí lớn (khoảng 100 tỷ đồng) trong khi doanh thu xuất khẩu còn nhỏ so với chi phí đầu tư và vận hành dây chuyền sản xuất. Vì vậy, Acecook buộc phải sản xuất hàng tiêu dùng nội địa và hàng xuất khẩu trên cùng một dây chuyền, đảm bảo không bị nhiễm chéo.
Việc này đã gây ra những khó khăn trong sản xuất hàng ngày, dẫn tới công suất giảm, nhiều chi phí gia tăng, kết quả kinh doanh sản xuất bị ảnh hưởng nhiều. Trong 5 năm qua, do phải thực hiện theo Nghị định 09, tổng chi phí sản xuất tăng thêm của Acecook đã lên tới gần 196 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng trong thời gian nói trên, Acecook phải bỏ ra thêm gần 3,7 tỷ đồng để mua muối bổ sung I-ốt (so với sử dụng muối thông thường) và gần 52 tỷ đồng để mua bột mì bổ sung sắt và kẽm (so với sử dụng bột mì thông thường).
Do chi phí đội lên quá cao, từ năm 2018, Acecook đã phải ngừng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nauy. Việc xuất khẩu thực phẩm chế biến của công ty sang một số thị trường khác cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt, Acecook đã có chiến lược thâm nhập thị trường Nhật Bản, nơi có 40.000 người Việt Nam đang sinh sống. Nhưng do Nhật Bản không chấp nhận sản phẩm có bổ sung I-ốt, kẽm, nên chiến lược kinh doanh này đang bị ảnh hưởng rất nhiều do phải tốn rất nhiều chi phí để tránh bị nhiễm chéo giữa hàng nội địa và hàng xuất sang Nhật Bản.
Điều đáng nói là các kết quả kiểm nghiệm, phân tích thành phần của mì ăn liền khi sử dụng muối có bổ sung I-ốt đều cho thấy I-ốt hoàn toàn bị mất đi sau quá trình gia nhiệt trong các công đoạn sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan chia sẻ, kể từ khi Nghị định 09 có hiệu lực, Công ty đã sử dụng muối được tăng cường I-ốt trong tất cả các sản phẩm chế biến. Qua quá trình sử dụng, Vissan nhận thấy I-ốt rất nhạy với nhiệt độ và ánh sáng.
Các sản phẩm chế biến từ thịt thường dùng nhiệt độ cao. Do đó, dù Vissan đã sử dụng muối bổ sung I-ốt cho tất cả các sản phẩm chế biến, nhưng sau khi xử lý nhiệt, hầu như không còn I-ốt trong các sản phẩm này.
Ngoài ra, một số sản phẩm còn bị biến đổi màu sắc, mùi vị do sự tác động của I-ốt với các thành phần nguyên liệu ban đầu. Vì vậy, ông An cho rằng, việc sử dụng muối có bổ sung I-ốt vừa khiến cho chi phí mua muối của công ty phải tăng thêm 5%, mà lại không có hiệu quả với người tiêu dùng.
Đại diện một số doanh nghiệp sử dụng bột mì cho biết thêm, việc sử dụng bột mì bổ sung sắt, kẽm gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm (bị biến màu), làm gia tăng mạnh về chi phí và giá thành sản phẩm.