| Hotline: 0983.970.780

Tạo niềm tin cho người tiêu dùng về thực phẩm đủ dinh dưỡng, an toàn

Thứ Tư 17/11/2021 , 07:28 (GMT+7)

Đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người dân và quản lý rủi ro an toàn thực phẩm đang là thách thức lớn với hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam.

Hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam chưa có niềm tin vào chất lượng và an toàn của thực phẩm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam chưa có niềm tin vào chất lượng và an toàn của thực phẩm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thách thức lớn đến từ việc duy trì cung ứng thực phẩm chất lượng

Từ thực tiễn hiện nay cho thấy, công tác vận hành hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam đã và đang đảm bảo cung cấp đủ và đa dạng thực phẩm cho gần 100 triệu người dân và hàng triệu khách du lịch hàng năm, qua đó tạo ra nhiều nét ẩm thực đặc trưng cho mảnh đất hình chữ S.

Tuy nhiên, chất lượng dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (ATTP) đang tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân và an sinh xã hội khi một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam chưa có niềm tin vào chất lượng và ATTP. Các loại thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày của người dân Việt Nam phần lớn được nhập về chưa rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như mức độ ATTP.

Thực phẩm chủ yếu tiêu thụ dưới dạng tươi sống ở hệ thống chợ truyền thống, tiềm ẩn mối nguy có nguồn gốc sinh học và hóa học. Các cơ sở tư nhân chế biến thực phẩm truyền thống vẫn sử dụng dụng cụ thủ công và máy móc bán cơ giới, khó để có thể kiểm soát ATTP.

Thói quen thực hành tốt vệ sinh ATTP chưa đảm bảo như sử dụng chung dụng cụ sống, chín, khu vực bán thịt sống và chín gần nhau tạo nên sự lây nhiễm chéo vi sinh trong các sản phẩm tươi sống. Có thể nói, đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người dân và quản lý rủi ro ATTP đang là thách thức lớn với Việt Nam.

Người Việt Nam có thói quen chủ yếu tiêu thụ thực phẩm dưới dạng tươi sống ở hệ thống chợ truyền thống. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người Việt Nam có thói quen chủ yếu tiêu thụ thực phẩm dưới dạng tươi sống ở hệ thống chợ truyền thống. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Nghiên cứu Kinh tế học về hệ sinh thái và đa dạng sinh học (TEEB), phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của hệ thống lương thực thực phẩm chiếm tới 50% so với lượng khí phát thải của con người. Khả năng phục hồi thấp từ tác động của con người và biến đổi khí hậu do các cấu trúc bị phá vỡ và các yếu tố cấu thành hệ sinh thái dần bị mất đi. Điều này đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế xã hội và hệ sinh thái của Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo “Nghiên cứu đề xuất giải pháp tăng cường năng lực hệ thống phòng chống dịch bệnh và quản lý ATTP trong nông nghiệp” của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đối với môi trường, hệ thống lương thực thực phẩm của nước ta mang lại khá nhiều hệ lụy.

Cụ thể là việc ô nhiễm từ sản xuất và chế biến thực phẩm, sử dụng thuốc BVTV, thuốc thú y và phụ gia hóa chất trong sản xuất và chế biến có tác động không nhỏ đến đất và nguồn nước. Khai thác đánh bắt thủy, hải sản quá tải tác động đến môi trường biển và đa dạng sinh học biển. Rác thải khó phân hủy, ô nhiễm trắng có nhiều tác động xấu và lâu dài đến đến môi trường.

Theo đó, để có thể khắc phục tình trạng này yêu cầu lượng kinh phí lớn và quá trình đầu tư lâu dài. Chưa kể đến việc hệ thống lương thực thực phẩm còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái, như là một hệ lụy của tất cả các tác động trên.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự thiếu bền vững và khả năng chậm phục hồi của hệ thống lương thực thực phẩm nằm ở khâu tương tác và liên kết giữa các yếu tố trong hệ thống. Khó kiểm soát chất lượng và ATTP trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị đang là nguyên nhân dẫn đến thiếu an ninh dinh dưỡng, mất ATTP, gây tác động lâu dài đến sức khỏe của hệ thống. Thiếu minh bạch trong chia sẻ thông tin và giá trị gia tăng được tạo ra từ các hoạt động của hệ thống và các tác nhân tham gia là rào cản thu hút đầu tư lâu dài và cam kết với chất lượng thực phẩm.

Đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người dân và quản lý rủi ro an toàn thực phẩm đang là thách thức lớn với Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người dân và quản lý rủi ro an toàn thực phẩm đang là thách thức lớn với Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sự thiếu minh bạch và chia sẻ trong hệ thống làm tăng chi phí giao dịch, đội giá thành sản phẩm và giá bán cuối cùng. Điều này cản trở số đông người tiêu dùng trong nhóm thu nhập thấp có khả năng tiếp cận với thực phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng. Sự thiếu những "chất keo" gắn kết này, hệ thống sẽ lỏng lẻo và không có khả năng đối phó với những sự cố xẩy ra như dịch bệnh, thiên tai mất mùa.

Trình độ học vấn và chuyên môn của lực lượng lao động còn thấp đã hạn chế khả năng tiếp cận thông tin, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Sự phân hóa rõ rệt về giới và độ tuổi trong các hoạt động đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự bền vững của các chuỗi giá trị và của hệ thống lương thực thực phẩm. Để có thể cải thiện tình trạng này đòi hỏi Nhà nước và các ban ngành cần xây dựng chiến lược lâu dài và phù hợp nhằm nâng cao năng lực và trình độ của lao động.

Thiết lập hệ thống lương thực thực phẩm bền vững từ thế hệ trẻ

Từ thực tiễn, có thể nói hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam đã đạt đến độ bền vững. Cụ thể, hệ thống hầu như đảm bảo cung ứng đủ, đa dạng và phong phú lượng thực phẩm cho người dân cả nước. Trong thời gian dài, người tiêu dùng mua thực phẩm với giá cả tương đối hợp lý. Văn hóa ẩm thực của các địa phương rất đa dạng, hấp dẫn khách du lịch và tạo nét đặc trưng riêng của từng địa phương.

Văn hóa đặc trưng của con người Việt Nam và xã hội cũng được bảo tồn và phản chiếu ở nhiều khía cạnh của hệ thống thực phẩm. Ẩm thực trong gia đình, ẩm thực đường phố và ẩm thực để giao lưu đối đãi với khách cũng tinh khiết, đậm đà hương vị thiên nhiên, mộc mạc mà không kém phần tinh tế. Tuy có sự giao thoa với ẩm thực của các nước khác do lịch sử để lại và tương tác với khách du lịch, ẩm thực của Việt Nam vẫn không bị pha trộn mà luôn giữ được bản sắc riêng.

Hiện nay, hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam đang tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người dân từ nông thôn đến thành thị, đồng thời đảm bảo sinh kế bền vững cho nhiều lao động nữ, đặc biệt là ở khâu sản xuất, phân phối tiêu thụ. Kinh doanh thực phẩm và ẩm thực cũng tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho thế hệ thanh niên khởi nghiệp và làm giàu từ lĩnh vực này.

Hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam đang tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người dân từ nông thôn đến thành thị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam đang tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người dân từ nông thôn đến thành thị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các yếu tố tác động đến hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam

Theo “Nghiên cứu đề xuất giải pháp tăng cường năng lực hệ thống phòng chống dịch bệnh và quản lý ATTP trong nông nghiệp” của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có 6 yếu tố chính hiện đang tác động mạnh mẽ đến hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam.

Thứ nhất, môi trường thể chế, chính sách và định hướng phát triển cho Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã đang và sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tính bền vững và khả năng thích ứng của hệ thống lương thực thực phẩm.

Thứ hai, tốc độ đô thị hóa nhanh đã tác động đến phạm vi ảnh hưởng, điều kiện sản xuất, nguồn lao động và môi trường thực phẩm của hệ thống.

Thứ ba, toàn cầu hóa đang thay đổi cấu trúc và vận hành của hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam, qua đó mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.

Thứ tư, việc nhu cầu về thực phẩm chất lượng, đủ dinh dưỡng, đảm bảo ATTP ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến nhiều hoạt động cốt lõi của hệ thống và tác động tới xã hội.

Thứ tư, sự thay đổi thói quen ẩm thực ở giới trẻ báo hiệu những thay đổi về văn hóa ẩm thực trong tương lai.

Thứ năm, phạm vi cung ứng thực phẩm đa cấp đặt ra nhiều thách thức cho đảm bảo an ninh lương thực và ATTP.

Thứ sáu, công nghệ và truyền thông đang là sự kết hợp hữu hiệu cho nhiều giải pháp có tính đột phá mang lại hiệu quả nhiều mặt của hệ thống lương thực thực phẩm.

P.H

  • Tags:
Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.