| Hotline: 0983.970.780

Bẫy tống tiền hàng loạt sinh viên: ‘Nội dung giả, cạm bẫy thật’

Thứ Tư 10/04/2024 , 18:36 (GMT+7)

Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, các đối tượng lừa đảo tạo ra những hình ảnh, video ‘deepfake’ mang nội dung khiêu dâm để tống tiền các nạn nhân.

Deepfake là công nghệ sử dụng AI để thay thế các chi tiết nhận dạng cơ bản trên gương mặt với tốc độ chuyển động và âm thanh giọng nói gần như thật. Cách đây vài năm, người dùng mạng xã hội hào hứng với công nghệ deepfake khi giúp họ “hoá thân” vào những hình ảnh, thước phim của người nổi tiếng. Thế nhưng, ngoài mục đích giải trí, rất nhiều đối tượng đã sử dụng công nghệ này vào mục đích lừa đảo, tống tiền.

Tiền bảo toàn danh dự

P.M.T (sinh viên năm 3, Hà Nội) bất ngờ nhận được tin nhắn của người lạ, yêu cầu chuyển cho đối tượng này 20 triệu đồng vì hắn đang giữ những video nhạy cảm của T. Người này yêu cầu M.T nhắn tin qua Telegram và gửi cho nam sinh này xem 2 video khiêu dâm mà khuôn mặt của T đã được ghép vào video.

P.M.T chia sẻ: “Khi đối tượng gửi clip cho mình xem, mình thấy rất bất ngờ và đứng hình một lúc vì clip chúng làm như thật, khi đòi tiền thì chúng đã lên sẵn danh sách những tài khoản mạng xã hội của người thân, bạn bè mình, đe dọa sẽ gửi cho họ và phát tán rộng rãi trên mạng”.

Các đối tượng thường tiếp cận qua các ứng dụng nhắn tin ẩn danh để che giấu danh tính của bản thân. Ảnh: NVCC.

Các đối tượng thường tiếp cận qua các ứng dụng nhắn tin ẩn danh để che giấu danh tính của bản thân. Ảnh: NVCC.

Một số nạn nhân khác còn “ngạc nhiên” khi các đối tượng có cả số điện thoại liên lạc của bố, mẹ, người thân trong gia đình. Rõ ràng, khi các đối tượng liên lạc để tống tiền, chúng đã tìm hiểu kỹ các thông tin về “con mồi” và chuẩn bị các thủ đoạn để dồn ép các nạn nhân.

Các tài khoản liên lạc với nạn nhân đều là tài khoản ảo, sau đó chúng yêu cầu các nạn nhân liên lạc qua ứng dụng Telegram (đây là nền tảng thường được các đối tượng lừa đảo sử dụng để liên lạc vì có thể dễ dàng xoá dấu vết: đổi tên liên tục, xoá tin nhắn 2 chiều, các cơ quan chức năng khó tiếp cận để truy tìm thông tin…).

Một nạn nhân khác là L.B chia sẻ: “Dù biết những video đó là dàn dựng, giả mạo nhưng mình thấy sợ và lo lắng vô cùng vì nhìn thấy nó rất thật, hơn nữa, mình là con gái, thật kinh khủng khi những hình ảnh thế này được gửi cho bạn bè, đồng nghiệp. Chúng liên tục bình luận những hình ảnh trên trang cá nhân của mình để gây sức ép, mình ngồi canh để xoá, vô cùng hoảng loạn”.

Các nạn nhân thường có tâm lý hoảng loạn khi nhận được thông tin tống tiền. Ảnh: Hình ảnh minh hoạ bởi AI.

Các nạn nhân thường có tâm lý hoảng loạn khi nhận được thông tin tống tiền. Ảnh: Hình ảnh minh hoạ bởi AI.

Sau khi liên lạc, các đối tượng tống tiền liên tục gây sức ép để nạn nhân nhanh “xuống tiền”. Khi nghe cuộc nói chuyện trực tiếp của đối tượng tống tiền với nạn nhân, Phóng viên nhận thấy nhiều giọng nói cũng đang trao đổi với những nạn nhân khác, cho thấy chúng hoạt động theo tổ chức phạm tội chuyên nghiệp. Những kẻ tống tiền còn nói thẳng về mức giá dành cho “tệp khách hàng” của chúng: “Sinh viên sẽ lấy 20 triệu, người đi làm 60 triệu, công chức nhà nước như giáo viên, bác sĩ thì 120 triệu”. Nhiều người vì mất bình tĩnh, hoảng sợ đã thoả hiệp và mất tiền cho các đối tượng lừa đảo.

“Lỗ hổng” chí mạng

Thượng tá Công an Đào Trung Hiếu – Chuyên gia Tội phạm học cho rằng: “Hiện nay, thủ đoạn sử dụng công nghệ, các phần mềm chuyên dụng để ghép mặt của một người nào đó vào các hình ảnh, video nhạy cảm, dung tục, đồi trụy, rồi sử dụng các sản phẩm đó để đe dọa, tống tiền nạn nhân đã xuất hiện, đe dọa gây ra những hậu quả, thiệt hại lớn trong đời sống dân sinh”.

Lý do kẻ xấu thực hiện hành vi nguy hiểm này, là vì chúng biết khi những hình ảnh nhạy cảm do cắt ghép được phát tán trên không gian mạng, sẽ gây ra những tổn thương về tâm lý, tình cảm, cùng những tổn hại sâu sắc về hình ảnh, uy tín, danh dự, nhân phẩm, gây ra những hiểu lầm tai hại, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị con người trong xã hội của nạn nhân. Đặc biệt là đối với người nổi tiếng, những hình ảnh xấu do cắt ghép, ngụy tạo có thể làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của họ trước công chúng.

Những đối tượng tống tiền thường hoạt động theo tổ chức. Ảnh: Hình ảnh minh hoạ bởi AI.

Những đối tượng tống tiền thường hoạt động theo tổ chức. Ảnh: Hình ảnh minh hoạ bởi AI.

Bởi vậy, bất kỳ ai cũng lo sợ bị tấn công bằng thủ đoạn này và vì sợ hãi, trước nguy cơ bị bôi lem, hạ nhục trên mạng, nhiều người chấp nhận thỏa hiệp, trả tiền cho những kẻ bất lương để chúng không làm vấy bẩn hình ảnh của mình”.

Để tạo ra những video “deepfake” độ chân thực cao, những kẻ tống tiền cần có tư liệu gồm hình ảnh, video, cuộc gọi facetime… của nạn nhân. Vậy những hình ảnh, video của nạn nhân bị đánh cắp như thế nào?

Theo các chuyên gia, botnet chính là hình thức tấn công mạng phổ biến để đánh cắp dữ liệu người dùng. Bằng các đường liên kết (link), những chiêu trò dụ dỗ người dùng truy cập, tải về các phần mềm có chứa botnet, các đối tượng tống tiền có thể đánh cắp toàn bộ thông tin trong điện thoại của người dùng bao gồm ảnh, video, cuộc gọi facetime, mật khẩu facebook, zalo, tài khoản ngân hàng…

Những đường dẫn (link) 'rác' ngập tràn mạng xã hội dụ dỗ những người yếu kỹ năng về sử dụng an toàn internet. Ảnh: Chụp màn hình. 

Những đường dẫn (link) “rác” ngập tràn mạng xã hội dụ dỗ những người yếu kỹ năng về sử dụng an toàn internet. Ảnh: Chụp màn hình. 

Hiện nay, trên mạng xã hội đầy rẫy những kẻ giăng bẫy người dùng bằng những đường link, yêu cầu người dùng bấm vào để xem các vụ việc hot (tai nạn, án mạng) hay các clip khiêu dâm. Ngoài ra, nhiều đối tượng còn dụ dỗ người dùng tải về những phần mềm chỉnh ảnh, trò chơi cờ bạc… nhưng thực chất là những phần mềm độc hại để đánh cắp dữ liệu. Người dùng truy cập vào các đường link lạ, tải các phần mềm độc hại đồng nghĩa với việc tạo ra lỗ hổng để kẻ gian đánh cắp dữ liệu và thực hiện đủ chiêu trò tống tiền.

Thậm chí, có những trường hợp đối tượng tống tiền chính là “người yêu” qua mạng của mình? Đó là trường hợp của M.Đ.Đ (sinh viên năm 2, Hà Nội). Hơn 2 tháng qua, nam sinh này vẫn chưa hết bàng hoàng vì trở thành nạn nhân của nhóm tội phạm chuyên nghiệp.

Theo chia sẻ của Đ, một tài khoản facebook tên Giang chủ động làm quen, tâm sự với Đ, trên trang cá nhân, cô gái này đăng tải những hình ảnh khiêu gợi với những dòng trạng thái “cô đơn”. Nhắn tin, gọi điện tâm sự được 4 ngày, cô gái ngỏ lời muốn trở thành người yêu của Đ.

M.Đ.Đ kể: 'Tôi cảm thấy sợ hãi và cầu xin đối tượng cho tôi thời gian chuẩn bị tiền, tôi không dám báo Công an do quá xấu hổ về hành vi của mình'. Ảnh: NVCC.

M.Đ.Đ kể: "Tôi cảm thấy sợ hãi và cầu xin đối tượng cho tôi thời gian chuẩn bị tiền, tôi không dám báo Công an do quá xấu hổ về hành vi của mình". Ảnh: NVCC.

Cô đơn lâu ngày bỗng có “bạn gái”, nam sinh này đồng ý ngay lập tức mà chẳng mảy may nghi ngờ. Ngay tối hôm đó, cô gái kia “gạ” Đ. gọi điện video khoả thân. “Lúc ấy mình thấy bạn ấy chủ động trước, nghĩ mình là con trai, không mất gì nên mình cũng làm, sau đó khoảng 10 phút thì bạn ấy tắt điện thoại và ngay lập tức có một người lạ nhắn tin cho mình. Hắn nói đang giữ video mình và bạn gái kia khỏa thân video call. Hắn gửi video và đòi mình tiền chuộc, nếu không sẽ gửi cho gia đình và bạn bè”.

Có thể bị phạt từ 1 - 5 năm tù

Đây cũng là thủ đoạn được Cơ quan Công an các tỉnh, thành phố cảnh báo xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây và các nạn nhân chủ yếu là nam giới. Vì tâm lý e ngại, xấu hổ nên nhiều người không trình báo với cơ quan Công an mà che giấu, bỏ qua.

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tuân (Công ty Luật hợp danh Đại An Phát) cho rằng: “Bộ Luật Hình sự đã đưa ra các quy định bảo vệ quyền và lợi ích của mọi người khi bị xâm phạm dựa trên tinh thần của Hiến pháp. Vì vậy, khi nhận được thông báo tống tiền từ các đối tượng, nạn nhân cần tố giác tội phạm để bảo vệ bản thân và những người xung quanh”.

 

Ngoài ra, hành vi cắt ghép sử dụng hình ảnh của người khác vào những video clip nhạy cảm nhằm mục đích tống tiền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS 2015: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Chủ thể của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là chủ thể thường, thỏa mãn điều kiện về năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại BLHS.

Cả hai thủ đoạn tống tiền trên đều có điểm chung là lợi dụng sự sơ hở, thiếu cảnh giác, thiếu kỹ năng sử dụng mạng xã hội của người dùng, đặc biệt là việc sử dụng mạng xã hội để chia sẻ hình ảnh cá nhân.

Đánh giá về tình hình tội phạm công nghệ cao hiện nay, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng: “Rất phức tạp, lợi dụng sự phát triển của công nghệ, độ phủ của mạng internet, mạng xã hội, số lượng người dùng rất đông (78 triệu người/100 triệu dân), trong khi kỹ năng sử dụng mạng xã hội, mạng internet của nhiều người còn hạn chế, bọn tội phạm sử dụng nhiều thủ đoạn, chiêu trò tinh vi, xảo quyệt để tấn công, chiếm đoạt tài sản của người dùng. Hiện thủ đoạn lừa đảo trên mạng đang rất nhức nhối, chiếm đoạt tài sản của nhiều người, gây hậu quả đặc biệt lớn”.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...