| Hotline: 0983.970.780

'Con đường xanh' của Tập đoàn TH ở miền Tây Nghệ An

Chủ Nhật 12/03/2023 , 21:10 (GMT+7)

Lớp Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đánh giá cao chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn TH ở Nghệ An.

Ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (thứ 3 từ trái qua) cùng đoàn đại biểu thăm cánh đồng nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (thứ 3 từ trái qua) cùng đoàn đại biểu thăm cánh đồng nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH. Ảnh: Tùng Đinh.

Chiều 12/3, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với tỉnh Nghệ An, đại biểu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã tới thăm, làm việc tại các dự án của Tập đoàn TH ở khu vực Phủ Quỳ (miền Tây Nghệ An).

Ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - trưởng đoàn đại biểu cho biết, trong lịch trình của mình, các Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng tới thăm các điểm đến thuộc trang trại bò sữa TH gồm: Cánh đồng ứng dụng công nghệ cao; Trang trại chăn nuôi bò sữa số 3; Nhà máy sữa tươi sạch TH, Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên…

Đây là những điểm đến minh chứng cho câu chuyện về kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại tập đoàn TH với những cách làm hiệu quả. Thông qua câu chuyện này, tôn chỉ “Trân quý Mẹ thiên nhiên” đã thấm vào tất cả các hoạt động, tất cả người lao động của tập đoàn TH với 6 trụ cột của Chính sách phát triển bền vững gồm Dinh dưỡng và Sức khỏe, Môi trường, Con người, Giáo dục, Cộng đồng và Phúc lợi động vật. Đây chính là con đường xanh mà TH đang đi để hướng tới một tương lai bền vững.

Sau khi tham quan các khu vực chăn nuôi, trồng trọt và chế biến của Tập đoàn TH tại khu vực huyện Nghĩa Đàn, các thành viên Lớp Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đánh giá cao chiến lược phát triển xanh, tuần hoàn của tập đoàn cũng như những thành tựu mà TH đã đạt được, làm đổi thay hoàn toàn diện mạo của khu vực miền Tây Nghệ An thời gian qua.

Ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, thành viên đoàn đại biểu cho biết, với những gì Tập đoàn TH đã làm được, ông mong muốn ngày càng có nhiều hơn những doanh nghiệp, doanh nhân lựa chọn phát triển theo mục tiêu kinh tế xanh này.

Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH triển khai từ tháng 10/2009, được đánh giá đặc biệt thành công, xây dựng thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK trở thành thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế. Dự án vận hành theo chuỗi sản xuất từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch, bao gồm vùng nguyên liệu, nhà máy sản xuất thức ăn, trang trại bò sữa, nhà máy chế biến sữa và hệ thống phân phối TH true mart.

Trong đó điểm nhấn nổi bật là trang trại bò sữa TH với 3 cụm (9 trang trại), số lượng bò sữa gần 70.000 con, diện tích cánh đồng gần 8.100 ha, xác lập kỷ lục Cụm trang trại bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới năm 2020. Hiện tại, quy mô đàn bò tiếp tục được mở rộng, mới đây nhất, trang trại bò sữa TH đã nhập khẩu thêm 1.941 bò sữa cao sản thuần chủng Holstein Friesian (HF) từ Mỹ. Ngày 9.3.2023, đàn bò đã về tới Nghệ An và nhập đàn an toàn.

Tại trang trại, các khâu trong trồng trọt, chăn nuôi đều ứng dụng công nghệ cao, trong đó sử dụng Quy trình quản lý đàn Afifarm - Israel tiên tiến nhất thế giới; Quy trình quản lý dịch bệnh và thú y của New Zealand, Quy trình và thiết bị xử lý nước sạch của Hà Lan; Quy trình và thiết bị xử lý nước thải và chất thải Nhật Bản, Israel, Hà Lan; Hệ thống vắt sữa tự động khép kín… Các hoạt động quản trị và dữ liệu sản xuất đã được số hóa, sử dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học điện toán đám mây.

Đoàn đại biểu đi thăm Nhà máy sữa tươi sạch TH và khu vực kho chứa tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Ảnh: Tùng Đinh.

Đoàn đại biểu đi thăm Nhà máy sữa tươi sạch TH và khu vực kho chứa tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Ảnh: Tùng Đinh.

Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, bị suy thoái, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. Xây dựng kinh tế tuần hoàn được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước (…) kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế…”.

Đi đầu trong chủ trương đó, TH đã áp dụng các quy trình sản xuất tuần hoàn từ rất sớm. Trong chuỗi sản xuất tuần hoàn tại Tập đoàn TH, sản phẩm phụ và rác thải của quy trình này lại trở thành nguyên liệu đầu vào của một quy trình khác, ở đó vòng đời của vật liệu được duy trì lâu nhất có thể trước khi thải ra môi trường, từ đó phát thải được giảm thiểu.

TH cũng thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với việc kiểm soát tác động tới môi trường. Đây là mô hình điển hình, là bài học để Chính phủ và Bộ NN-PNT xem xét ứng dụng trong công cuộc tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp.

Cùng với đó, mô hình kinh tế xanh cũng được Chính phủ định hình, thay thế dần cho kinh tế “nâu” để nâng cao đời sống người dân, bảo vệ mẹ thiên nhiên.

Đoàn đại biểu làm việc với Tập đoàn TH tại Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên. Ảnh: Tùng Đinh.

Đoàn đại biểu làm việc với Tập đoàn TH tại Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên. Ảnh: Tùng Đinh.

Kinh tế xanh được hiểu là sự kết hợp giữa ba yếu tố: kinh tế - môi trường - xã hội. Chuỗi sản xuất khép kín của Tập đoàn TH đã góp phần thay đổi phương thức sản xuất truyền thông, thu hút sự tham gia của người dân địa phương, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng ngàn lao động.

Sau hơn một thập kỷ có sự hiện diện của các dự án TH tại miền Tây Nghệ An, trong đó có huyện Nghĩa Đàn, từ một huyện đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo lên tới 23%, thì đến nay, số hộ nghèo toàn huyện Nghĩa Đàn theo chuẩn tiếp cận đa chiều chỉ còn 4,07%. Điều này tiếp tục được khẳng định ở các Dự án khác của TH.

Cùng với Dự án sữa, các học viên cũng lắng nghe về cách thức Tập đoàn TH khai mở con đường đồ uống tốt cho sức khỏe, khởi xướng và làm nên cuộc cách mạng về thực phẩm organic tiêu chuẩn quốc tế; cuộc cách mạng về đồ uống không dùng đường mà dùng vị ngọt tự nhiên từ quả và hạt giúp phòng chống các bệnh mãn tính không lây của thời đại như tim mạch, tiểu đường, béo phì… và dẫn dắt thị trường đi theo xu hướng dinh dưỡng lành mạnh cho người Việt.

Các sản phẩm đi theo xu hướng này được sản xuất tại Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên. Tại đây đang vận hành 3 dây chuyền sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất thế giới, tự động hóa 100%, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, sản xuất nước tinh khiết và các loại nước ép trái cây, nước gạo rang, thức uống thảo dược… với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, gắn với phát triển vùng trồng cây nguyên liệu sạch, an toàn.

Các Dự án của tập đoàn TH tại miền Tây Nghệ An chính là thành tựu mà Anh hùng Lao động Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH đóng góp ngành sữa, ngành nông nghiệp và cho đất nước. Thông qua Dự án sữa và cuộc đấu tranh minh bạch thị trường sữa, Anh hùng Lao động Thái Hương đã dẫn dắt tập đoàn TH làm nên cuộc cách mạng sữa tươi sạch tại Việt Nam.

Với tư duy chiến lược kết hợp tài nguyên thiên nhiên Việt, trí tuệ Việt và công nghệ đầu cuối thế giới (khoa học kỹ thuật và khoa học quản trị), doanh nhân Thái Hương được coi là người góp phần thay đổi cơ cấu ngành sữa, giúp tăng tỷ trọng sữa tươi từ khoảng 8% năm 2009 - thời điểm TH ra đời, lên đến gần 55% năm 2022 (theo số liệu của Nielsen).

Hiện thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK chiếm khoảng 45% thị phần phân khúc sữa tươi tại Việt Nam với 120 loại sản phẩm, đã mở rộng thị trường ra Trung Quốc và các nước ASEAN. Sau Nghệ An, Anh hùng Lao động Thái Hương tiếp tục phát triển mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Phú Yên, Kon Tum, An Giang và ra thế giới với Dự án Chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa và các dự án nông nghiệp có tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD tại Liên bang Nga.

Tại Nghệ An và một số tỉnh thành khác, Anh hùng Lao động Thái Hương đã xây dựng vùng bảo tồn dược liệu; quy hoạch vùng trồng hoa quả và bắt đầu hành trình TH đưa nông dân đi theo chuỗi sản xuất thực phẩm, đồ uống sạch khép kín, cùng nông dân làm kinh tế dưới tán rừng, phát triển nông nghiệp bền vững.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất