LTS: Tại sự kiện Trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, các tiềm năng của miền Tây Nghệ An sáng 18/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ những suy nghĩ và một số định hướng phát triển cho mảnh đất, con người nơi đây. Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải những cảm xúc của vị tư lệnh ngành nông nghiệp trong chương trình đặc biệt này.
Cái duyên giữa những làng sen
"Nhắc đến Nghệ An, chúng ta thường nghĩ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng mà hôm nay tôi muốn nhắc tới một người lớn hơn, đó là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Tại vì sao như vậy? Bởi cụ như một chứng nhân của lịch sử. Cụ sinh ra ở làng Sen, xứ Nghệ và hiện nay cụ đang yên nghỉ tại một làng sen khác ở Đồng Tháp Mười. Hai chữ "sen" có lẽ là một sự ngẫu nhiên lịch sử để dẫn dắt cảm xúc của tôi, một người Đồng Tháp đến với Nghệ An.
Nhân sự kiện này, tôi xin kể một vài kỷ niệm. Cụ Nguyễn Sinh Sắc quê tại Nam Đàn, sau đó cụ đi vào Huế, Bình Thuận, một thời gian qua Campuchia rồi cuối cùng trở về Cao Lãnh làm nghề thầy thuốc. Phần mộ của cụ nằm trong một ngôi chùa. Gần chùa đó có một trường tiểu học mà ngày xưa tôi học ở đó. Mỗi giờ ra chơi, tôi ra phía sau và nhìn thấy một phần mộ. Thật ra lúc đó chúng tôi cũng không biết là mộ của cụ Nguyễn Sinh Sắc, nhưng truyền miệng nhau đó là phần mộ của một người rất đặc biệt đối với đất nước. Nhà tôi cách đó chừng một cây số. Chỉ thế thôi, nhưng tôi coi cuộc đời mình có một sự gần gũi, gắn bó với cụ.
Tôi có gửi cho Tỉnh ủy Nghệ An trước đây một vở cải lương của Đồng Tháp có tên là "Người giữ mộ", nói về những ngày trước giải phóng, những ngày gần Tết thì chúng ta thường có tục Thanh minh, tảo mộ để quét vôi, làm cỏ khu mộ. Cụ Nguyễn Sinh Sắc đâu có bà con thân thích gì đâu, chỉ dân làng, những người mà trân quý, kính trọng cụ đến làm cỏ, quét vôi sửa sang mộ để đón Tết cổ truyền. Nhưng lính ngụy thì cấm vì sợ rằng qua đó, sẽ lan truyền tinh thần yêu nước. Vì thế, mỗi lần Tết thì họ lại phái một tốp lính thay phiên nhau trực để cấm người dân đến quét mộ, sửa sang mộ. Nhưng mà suốt tới ngày giải phóng thì Tết nào mộ của cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng khang trang, cũng được quét dọn.
Sau này trong lịch sử ghi lại, hóa ra chính những người lính được giao nhiệm vụ lại là người quét dọn phần mộ của cụ. Có lẽ hình ảnh của cụ, đức của cụ đối với dân làng đã thuyết phục được cả những người lính. Hằng năm, vào tháng 12, ngày giỗ của cụ Nguyễn Sinh Sắc đều có đoàn của Nghệ An vào dự. Cũng giống như là ngày giỗ của cụ bà thì Đồng Tháp có ra dự. Đặc biệt là ngày giỗ cụ Sắc, không ai bảo ai, cả miền Tây, miền Trung vào viếng 2, 3 ngày trước. Nên nếu nói về xứ Nghệ, người xứ Nghệ ở trong lòng dân Đồng Tháp, có lẽ đó chính là cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Tôi xin đề từ cảm xúc đó của người Đồng Tháp, cơ duyên của đồng sen Tháp Mười với làng sen xứ Nghệ làm cho tôi rất cảm xúc mỗi chuyến về thăm xứ Nghệ. Đặc biệt là tối qua, khi nghe những bài ca, tiếng hát có câu "Gặp nhau đây, xôn xao tiếng Nghệ". Và đúng là từ sáng đến giờ, tại đây đều xôn xao tiếng Nghệ, rất là cảm xúc. Và tôi cũng mong rằng ông Thái Thanh Quý (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) là người cuối cùng cảm ơn Bộ NN-PTNT vì sự kiện này, bởi có lẽ là anh em ở Bộ NN-PTNT sẽ cảm ơn người xứ Nghệ thì đúng hơn. Bởi tất cả đã để cho chúng tôi những cảm xúc từ hôm qua đến nay rất rộn ràng.
Hình ảnh các bà con các dân tộc Khơ Mú, người Thái, người Mông... cũng đến khuôn viên của Bộ NN-PTNT để cho chúng tôi thấy rằng, chúng tôi rất hạnh phúc được gần với bà con xứ Nghệ hơn, được gần với bà con phía Tây hơn. Chúng ta cho nhau hạnh phúc rồi chúng ta sẽ thấy rằng mọi người chúng ta cùng hạnh phúc và chúng ta sẽ vun đắp hạnh phúc đó cho người miền Tây xứ Nghệ.
Năm rồi miền Tây có một trận lũ rất nặng. Tôi không đến được đó ngay sau trận lũ. Gần một năm sau, tôi trở lên, có tiếp xúc với cán bộ lãnh đạo của huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, dự một số sự kiện đó. Có lẽ không phải cá nhân tôi mà Bộ NN-PTNT và tất cả chúng ta đều cùng đang nghĩ về miền Tây xứ Nghệ, miền biên ải, miền biên cương của chúng ta từ ngàn đời đã định cư ở phía Tây, phía trên đỉnh Trường Sơn. Trước tiên chúng ta cứ nghĩ mình phải làm gì đó, mặc dù chưa biết mình làm cái gì, nhưng thấy chuyện đó là điều phải làm, cần làm. Cho nên làm cái gì đó rồi sẽ ra.
Nông nghiệp còn ẩn chứa giá trị văn hóa
Hôm qua, tôi có tham dự một sự kiện với phía Nhật Bản, và họ nói rằng chúng ta luôn phải nghĩ khác đi, mọi việc đều có giải pháp. Nếu chúng ta cứ mặc định đóng đinh tư duy "Đã miền núi là nghèo, đã đồng bào dân tộc thì cứ khổ", thì sẽ không có những thái độ tích cực để chúng ta thay đổi. Mọi chuyện đều có thể thay đổi, khi chúng ta thay đổi. Nếu mình vui, mình lạc quan thì mình sẽ có những sáng kiến để cùng nhau thay đổi.
Tôi có bàn với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An làm một sự kiện tại Bộ NN-PTNT, nơi đây có rất nhiều con em xứ Nghệ, cũng là cán bộ ngành nông nghiệp. Đó cũng là một dịp để anh em nhớ về quê hương của mình và mỗi người chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta phải làm một điều gì cho quê hương. Mua một bắp ngô ngọt của Kỳ Sơn rồi chia sẻ và tặng lại cho bạn bè, cho gia đình, đó cũng là yêu quê hương. Chúng ta cùng với các tỉnh phía Tây Nghệ An phải lạc quan về những gì sắp tới, vì người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Nếu lạc quan, thì mình sẽ tìm ra được những giải pháp. Còn nếu bi quan mặc định đã là miền núi là nghèo, Kỳ Sơn là xa xôi, hiểm trở, cản trở thì bản thân sẽ làm giảm cảm xúc của chính mình.
Chúng ta nhìn thấy một sức sống của các huyện phía Tây của Nghệ An thông qua các gian hàng, các điệu múa, các chương trình văn nghệ của bà con dân tộc hội tụ tại Bộ NN-PTNT hôm nay. Nó đong đầy giá trị tinh thần, những giá trị vô hình đó có thể kích hoạt những phần hữu hình của các huyện phía Tây.
361km là chiều dài của sông Lam khi bước vào địa phận của Kỳ Sơn để chảy qua 5 huyện để ra Cửa Hội. Sông Lam, núi Hồng Lĩnh đều là những biểu tượng, có giá trị để chúng ta suy nghĩ về việc "bán". 361km dòng sông Lam đó không có phân khúc địa giới hành chính, không phân biệt nó nằm ở huyện nào. Đất đai mình nối liền một dải, và đó là di sản. Cũng giống như môi trường rừng của các huyện phía Tây không hề phân chia bản đồ hành chính, chỉ do con người chúng ta lấy cái bản đồ phân chia địa giới hành chính ở huyện này, huyện kia. Bây giờ chúng ta phải làm cho nó liền lại để thấy rằng tài nguyên đó lớn hơn và giá trị ẩn sâu trong lòng đất, trong tầng văn hóa, lịch sử của địa phương và cấu trúc của cộng đồng bà con dân tộc của các huyện phía Tây như thế nào.
Ngày nay, người ta thường đi bán những câu chuyện để tăng thêm giá trị cho mật ong, trà hoa vàng hay những nông sản mà chúng ta thấy bà con đem trưng bày tại đây. Sự kiện này sẽ giúp chúng ta đưa ra những tầm nhìn mới lạc quan hơn, giúp chúng ta có sự phối hợp hành động từ Trung ương đến địa phương, mang tính chất liên ngành, đa ngành. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải tiếp cận một cách tổng thể để khơi dậy tiềm năng từ tài nguyên bản địa, cộng với văn hóa của các dân tộc miền Tây, cấu trúc cộng đồng xã hội. Tôi nghĩ rằng đó là câu chuyện của phía Tây Nghệ An.
Tạm thời chúng ta chia là Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Kỳ Sơn, nhưng khi chúng ta đi chung, dùng chung một khái niệm là phía Tây Nghệ An, chúng ta thấy rằng sản lượng của chúng ta rất nhiều. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp ở đây không chỉ đong đếm tài nguyên bản địa phía Tây ở một xã hay một huyện nào đó, mà phải có một không gian lớn hơn, chứa đựng một giá trị lớn hơn. Muốn có không gian lớn hơn thì tư duy chúng ta phải mở hơn, tư duy mở thì không gian mở, không gian mở thì giá trị tích hợp nhiều.
Rào cản quản lý phân tầng đang làm cho chúng ta bị ức chế trong cách suy nghĩ. Chúng ta đang hướng tới là phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Do đó, tôi có trao đổi với đồng chí Bí thư, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho Bộ NN-PTNT lấy phía Tây Nghệ An để thí điểm tất cả những đề án mà Bộ đã trình Trung ương, trình Chính phủ để có cái nhìn tích hợp đa tầng giá trị cho ngành nông nghiệp. Nông nghiệp không chỉ là trồng trọt, chăn nuôi mà nó còn là văn hóa.
Canh tác có nghĩa là vun trồng, vun trồng đất, vun trồng con người, vun trồng tương lai, vun đắp cho những con người xứ Nghệ, trong đó có cộng đồng bà con các dân tộc. Cùng nhau, chúng ta hãy cùng vun trồng tương lai cho miền Tây xứ Nghệ".
Cuối tháng 7/2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT khảo sát thực tế miền Tây Nghệ An, trong đó có Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Kỳ Sơn và một số địa điểm khác.
Chuyến đi để lại cho vị tư lệnh ngành nông nghiệp nhiều suy nghĩ, trăn trở. Ông tâm niệm: Lên vùng cao để hiểu hơn vùng cao, tìm kiếm cách nhìn mới về vùng cao. Quan trọng hơn, là làm thế nào để góp phần đưa vùng đất nơi đây phát triển hơn, gây được chú ý hơn giống như huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã làm được.
Trở về từ chuyến công tác, với những điều thấy được, nghe được, cảm nhận được, Bộ trưởng đã giao Cục Lâm nghiệp làm đầu mối, chủ trì, phối hợp các đơn vị trong Bộ NN-PTNT xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế nông lâm nghiệp.