| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 30/07/2019 , 09:18 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 09:18 - 30/07/2019

Biển Đông sóng gió và cao tốc Bắc - Nam

Thông tin Việt Nam trao công hàm yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xâm hại vùng biển nước ta, đã khiến người dân cả nước nức lòng nức dạ.

Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc.

Suốt nhiều tuần qua, câu chuyện tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc có mặt tại đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông, đã dấy lên nhiều quan ngại sâu sắc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao - Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đã được xác lập tại Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế".

Trong quá trình hội nhập, Việt Nam bắt tay với tất cả quốc gia trên thế giới trên tinh thần hòa bình và tiến bộ. Thế nhưng, sóng gió liên tục trên Biển Đông buộc Việt Nam phải nhìn nhận lại nhiều dự án khác trên đất liền một cách cẩn thận hơn.

Cách đây không lâu, 118 văn nghệ sĩ đã cùng ký tâm thư để kiến nghị không giao dự án cao tốc Bắc - Nam cho các nhà thầu Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Phạm Chí Dũng đã thiện chí ban hành văn bản phúc đáp để ghi nhận tấm lòng thiết tha của 118 văn nghệ sĩ, đồng thời cam kết: “Là cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư và đấu thầu, Bộ Kế hoạch - Đầu tư luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông - Vận tải trong quá trình thực hiện, đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực thực sự để triển khai các dự án quan trọng quốc gia này!”.

Liên quan đến dự án cao tốc Bắc - Nam, nhiều chuyên gia đầu ngành đã bày tỏ sự băn khoăn. PGS.TS Phạm Xuân Mai (Đại học Bách khoa TP.HCM) cho rằng, nhà đầu tư Trung Quốc thường đưa ra giá thấp để trúng thầu, sau đó thi công rồi cố tình trì hoãn tiến độ để yêu cầu tăng vốn gấp 2 - 3 lần ban đầu, mà chất lượng công trình thường rất kém. Còn TS Nguyễn Hữu Đức (chuyên gia tư vấn của Tổ chức JICA - Nhật Bản) phân tích, chọn nhà đầu tư nước nào để làm cao tốc Bắc - Nam không quan trọng, mà quan trọng là phải đảm bảo chất lượng công trình, đúng tiến độ, không đội vốn. Muốn vậy, cán bộ và bộ máy của Việt Nam phải đủ năng lực quản lý. Còn nếu không quản lý được, thì nhà đầu tư sẽ làm bậy!

Biển Đông không thể bình yên vì những mưu tính ngang ngược, thì con đường cao tốc huyết mạch Tổ quốc không thể không đắn đo trước đối tượng hợp tác ít độ tin cậy. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định về chiến lược xây dựng cao tốc Bắc - Nam: “Ưu tiên các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước đủ năng lực. Với các nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài thì phải có năng lực, trách nhiệm, uy tín và được kiểm chứng. Không để xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông”.

Xưa nay, phòng bệnh vẫn tốt hơn chữa bệnh, trước sóng gió Biển Đông càng cần nghĩ thêm cho êm ấm đất liền. Lòng yêu nước của người Việt Nam luôn bị thử thách và không bao giờ chịu khuất phục.