| Hotline: 0983.970.780

Chống ngập Bình Dương nhiều việc phải làm

Bình Dương cần 1.000 tỷ đồng xây dựng các công trình chống ngập

Thứ Sáu 07/06/2024 , 08:37 (GMT+7)

Bình Dương là tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh khiến tình trạng ngập úng cục bộ diễn ra thường xuyên. Nhiều dự án chống ngập được tỉnh này quan tâm đầu tư.

Còn thiếu và yếu

Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Bình Dương, do quá trình đô thị hóa nhanh, năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Dương phát sinh 15 điểm ngập mới. Các điểm ngập trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng nhanh. Qua xử lý, một số điểm ngập đã được giải quyết về cơ bản, nhưng toàn tỉnh vẫn còn 74 điểm ngập do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn trong nguồn vốn.

Năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Dương phát sinh 15 điểm ngập mới. Ảnh: Trần Trung.

Năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Dương phát sinh 15 điểm ngập mới. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Khánh Trường - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương cho biết, nhằm giải quyết triệt để các điểm ngập lụt trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Bình Dương đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thoát nước, triển khai những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Minh chứng, việc đưa cống Bình Nhâm tại thành phố Thuận An vào vận hành là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao khả năng ứng phó với  thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, hiện khu vực này có tới 5 rạch lớn, để đảm bảo chống ngập đồng bộ, cần tiếp tục triển khai thêm 4 hệ thống cống tương tự, với tổng nguồn vốn trên 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngay từ những năm 2.000, Bộ NN-PTNT đã quan tâm đầu tư tuyến đê bao ven sông Sài Gòn. Việc đầu tư là hết sức cần thiết, tuy nhiên, các tuyến kênh chủ yếu bằng đất. Đến nay, do tốc độ đô thị hoá nhanh, các tuyến đê chưa phát huy hết công năng.

Những năm gần đây, tỉnh Bình Dương đã nâng cấp tuyến đê bao và đầu tư vào đường trải nhựa, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Thế nhưng do khối lượng cần nâng cấp khá lớn nên vấn đề đầu tư vẫn chưa đồng bộ, toàn diện và chưa đáp ứng đủ hết yêu cầu về phòng chống thiên tai.

Tiếp tục đầu tư công trình trọng điểm

UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, giảm thiểu ngập lụt đến năm 2030 trên địa bàn. Theo đó, Bình Dương sẽ chi trên 9.800 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch, trong đó vốn ngân sách địa phương là trên 8.200 tỷ đồng và nguồn khác (vốn vay ODA) gần 1.600 tỷ đồng.

Để đảm bảo công tác phòng chống thiên tai, tỉnh Bình Dương đang tính toán phương án quy hoạch và kế hoạch đầu tư để tạo ra hệ thống đê bao và các công trình chống ngập đồng bộ, hiệu quả. Ảnh: Trần Phi.

Để đảm bảo công tác phòng chống thiên tai, tỉnh Bình Dương đang tính toán phương án quy hoạch và kế hoạch đầu tư để tạo ra hệ thống đê bao và các công trình chống ngập đồng bộ, hiệu quả. Ảnh: Trần Phi.

Để thực hiện kế hoạch thành công, Bình Dương cũng đưa ra kế hoạch cụ thể cấp bách và lâu dài nhằm rà soát, bổ sung hoàn thiện quy định pháp luật, tăng cường quản lý các hoạt động tại khu vực bờ sông, nhất là quản lý khai thác cát sỏi, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông và xử lý sạt lở bờ sông để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân và nhà nước.

Tỉnh cũng điều tra cơ bản về sạt lở, dân cư và công trình hạ tầng ven sông, trên cơ sở đó xây dựng cơ sở dữ liệu về sạt lở, dân cư và công trình phòng, chống sạt lở. Tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và chủ động ứng phó với sạt lở bờ sông.

Bên cạnh đó Bình Dương cũng triển khai xây dựng bờ kè, cống kiểm soát triều cường tại điểm thường xuyên sạt lở, nâng cấp cải tạo các tuyến đường giao thông, đê bao ven sông. Đặc biệt là dự án chống ngập, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực ven sông Sài Gòn với diện tích khoảng 2.200ha đất nông nghiệp, vườn cây ăn trái, kết hợp giao thông, chỉnh trang đô thị trong giai đoạn 2020 - 2029.

Hiện Bình Dương đã và đang triển khai xây dựng bờ kè, cống kiểm soát triều cường tại điểm thường xuyên sạt lở, nâng cấp cải tạo các tuyến đường giao thông, đê bao ven sông. Ảnh: Trần Trung.

Hiện Bình Dương đã và đang triển khai xây dựng bờ kè, cống kiểm soát triều cường tại điểm thường xuyên sạt lở, nâng cấp cải tạo các tuyến đường giao thông, đê bao ven sông. Ảnh: Trần Trung.

Trước mắt, tỉnh Bình Dương đang triển khai thực hiện 4 cống kiểm soát triều còn lại (rạch Bà Lụa, Vàm Búng, Lái Thiêu, Vĩnh Bình) trên địa bàn TP. Thuận An với tổng kinh phí dự kiến 1.364 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhằm xử lý nhanh các điểm ngập, Bình Dương đã triển khai đầu tư xây dựng hệ thống tiêu nước Khu công nghiệp Sóng Thần - Đồng An và vùng phụ cận; dự án hệ thống thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp; dự án trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn chiều dài khoảng 11,5km kênh bê tông; cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước Bình Hòa. Cùng với đó là xây dựng kè chống sạt lở từ cầu Rạch Tre đến Thành ủy Tân Uyên giai đoạn 2, kè chống sạt lở cù lao Rùa xã Thạnh Hội...

“Để phát huy hiệu quả của hạ tầng thủy lợi trong phòng chống thiên tai, Bình Dương đã quán triệt quan điểm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch phòng chống thiên tai quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh; từng bước xây dựng tỉnh Bình Dương có khả năng quản lý rủi ro thiên tai; cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai; tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh”, ông Nguyễn Khánh Trường - Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trồng cây nêu ngày Tết, 5 người bị bỏng nặng do điện giật

HUẾ 5 người đang tiến hành trồng cây nêu ngày Tết không may sơ ý vướng phải nguồn điện dẫn đến bị bỏng nặng.

Bình luận mới nhất