Hiệu quả kinh tế hợp tác
Năm 2024 đánh dấu 10 năm huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) thành lập. Đến với huyện Bắc Tân Uyên hôm nay có thể thấy rõ những đổi thay tích cực, đột phá mới trên khắp các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đặc biệt, với điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, huyện Bắc Tân Uyên đang là một trong những địa phương dẫn đầu về năng suất, chất lượng cây ăn trái có múi của tỉnh. Huyện đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị.
Ông Nguyễn Hoàng Quốc Việt - Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên cho biết, hiện địa phương đã đủ tiêu chí đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Trên con đường chinh phục mục tiêu này có sự tiếp sức rất lớn từ hoạt động hiệu quả của kinh tế hợp tác, điều này giúp cho bộ mặt nông thôn mới ngày càng thêm khởi sắc, thu nhập bình quân của người dân ngày càng tăng.
Đơn cử ở xã Tân Mỹ những ngày này, hai bên đường vào xã có đoạn đường dài mấy cây số toàn cam và bưởi. Vườn cây phủ bóng mát, cộng với mùi hương hoa bưởi thoang thoảng đủ xua tan cái náo nhiệt, ào ồn của phố thị. Trời nắng chang, những người nông dân ở đây cần mẫn cắt tỉa cành, thu hoạch cam, bưởi để bán cho HTX Tân Mỹ, một trong những mô hình kinh tế tập thể hiệu quả và điển hình của tỉnh Bình Dương.
Phấn khởi trước diện mạo nông thôn đổi mới, ông Lê Minh Sang, Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ chia sẻ: Nhờ nông thôn mới mà hệ thống điện, đường giao thông nông thôn được đầu tư bài bản đến tận ngõ, vừa giúp nông dân thuận lợi ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, vừa thuận lợi cho thương lái đến tận vườn để thu mua nông sản, giúp nông dân có điều kiện vươn lên làm giàu.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết thêm, nhờ vào việc phát triển kinh tế hợp tác như vậy đã góp phần giúp cho bộ mặt nông thôn mới ở xã Tân Mỹ ngày càng thêm khởi sắc, số hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Nhất là nhờ chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có múi như bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, quýt, cam, nhiều hộ dân nơi đây trở nên giàu có, đóng góp rất nhiều giúp cho địa phương đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao hồi năm 2021. Từ đầu năm 2023 đến nay, thông qua việc vận động được sự đóng góp của đông đảo người dân trên địa bàn xã, xã Tân Mỹ cũng tập trung cao độ, nhằm tiến tới mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, tính đến nay trên toàn huyện Bắc Tân Uyên có 32 tổ hợp tác đang hoạt động với 175 thành viên và 27 HTX với 258 thành viên. Nhờ một phần vào sự đóng góp tích cực của các HTX, tổ hợp tác mà đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện thực hiện đạt 2.765 tỷ đồng, tăng bình quân 7,6% mỗi năm. Trong đó, trồng trọt chiếm tỷ trọng 79%, chăn nuôi chiếm tỷ trọng 22%. Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt gần 3.000 ha với các loại cây trồng có giá trị, như: Bưởi, cam, quýt, chuối, mít, sầu riêng. Trong đó, diện tích chứng nhận VietGAP, GlobalGAP là 293 ha, tăng 90 ha so với năm 2020.
“Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, một trong những nhiệm vụ then chốt của huyện đề ra đó là tiếp tục phát huy mọi nguồn lực, tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển kinh tế hợp tác, nông nghiệp công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, tạo nền tảng để xây dựng huyện Bắc Tân Uyên ngày càng văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường…”, ông Nguyễn Hoàng Quốc Việt nhấn mạnh.
Bài học kinh nghiệm
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, với mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, Bình Dương đang đi đầu cả nước trong việc xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp hiện đại.
Theo ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương, với đặc thù là một tỉnh có chỉ số phát triển công nghiệp cao, GDP nông nghiệp chỉ chiếm hơn 2,6%, để thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc giá xây dựng NTM, tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp đô thị để hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Song song đó, Bình Dương đã tận dụng sự phát triển công nghiệp đô thị để tạo ra một thị trường tiềm năng cho nông sản. Điều này giúp tăng cường tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, Bình Dương đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng giao thông, điện, đường trường, trạm… nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Điều này giúp cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa xã hội cho cư dân nông thôn. Nhờ những biện pháp này, Bình Dương đã thu hẹp khoảng cách địa lý và cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa xã hội cho cư dân nông thôn.
Đặc biệt, để nông nghiệp có chỗ đứng trong thành phần kinh tế, tỉnh Bình Dương đã lồng ghép những chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản. Qua đó, tỉnh đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân tại các địa bàn nông thôn trong tỉnh. Đây là một bài học kinh nghiệm quan trọng cho các tỉnh thành khác trong việc phát triển nông thôn mới.
Kết thúc năm 2018, Bình Dương cán mốc 100% xã đạt nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 đã đi được hơn nửa chặng đường, diện mạo ở các xã NTM trong tỉnh ngày càng khởi sắc.
“Bình Dương đặt mục tiêu trong năm 2024 hoàn chỉnh hồ sơ huyện đạt chuẩn NTM của 3 huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên trình Hội đồng thẩm định Trung ương công nhận; phấn đấu 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đồng thời giữ vững, củng cố các tiêu chí trên địa bàn các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao theo bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu có từ 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành các hạng mục của đề án thí điểm “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên”, ông Hồ Trúc Thanh nhấn mạnh.
Trong giai đoạn tiếp theo, Bình Dương đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 100% (41/41 xã) số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 24% (10/41 xã) số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 100% huyện đạt chuẩn NTM; hoàn thành xây dựng thí điểm "Làng thông minh" trên địa bàn xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) và nhân rộng đối với các xã còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020; hoàn thành việc thực hiện thí điểm Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện đối với Bàu Bàng và nhân rộng đối với các địa bàn còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.