TAND tỉnh Bình Phước vừa có quyết định trả hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm đối với Thái Bình Dương (29 tuổi, ngụ Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) bị truy tố về tội “buôn lậu” để điều tra bổ sung.
Trước đó, ngày 4/11, TAND đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với Thái Bình Dương về tội “buôn lậu”.
4 vấn đề được HĐXX đề nghị Viện KSND tỉnh Bình Phước làm rõ như: làm rõ hành vi của bị cáo có dấu hiệu phạm tội “trốn thuế” nhằm xác định chính xác tội danh đối với bị cáo; điều tra xác định chính xác số lượng hạt điều thô (hoặc hạt điều nhân) bị cáo đã tiêu thụ nội địa là bao nhiêu kg để xác định chính xác vật chứng của vụ án; xác định cụ thể số tiền thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân...) mà ngân sách nhà nước bị thất thu đối với số lượng điều mà bị cáo đã tiêu thụ nội địa; làm rõ số tiền thu lợi bất chính của bị cáo trên cơ sở số lượng hàng hóa tiêu thụ nội địa, đơn giá nhập khẩu và đơn giá bán bình quân trên thị trường làm cơ sở giải quyết vụ án.
Thái Bình Dương tại tòa. |
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Phước, Thái Bình Dương là Chủ tịch HĐQT của công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản Thái Bình (gọi tắt là công ty Thái Bình). Mặc dù là công ty cổ phần nhưng toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh đều do Dương tự thực hiện và chịu trách nhiệm.
Tháng 7/2016, nhận thấy hình thức nhập hạt điều từ Châu Phi về để sản xuất, nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu 5%, Dương đã thuê một khu đất tại xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước và lắp đặt máy móc, vật tư, thiết bị chế biến điều để được Chi cục Hải quan huyện Chơn Thành, Bình Phước cho công ty nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Sau đó, Dương đã sử dụng tư cách pháp nhân công ty Thái Bình mở 70 tờ khai Hải quan nhập khẩu theo loại hình E31 (nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu) tại Hải quan Chơn Thành để nhập hơn 11.072 tấn hạt điều chưa bóc vỏ xuất xứ từ các nước Châu Phi. Tổng trị giá hàng hóa lên đến hơn 440 tỷ đồng.
Để qua mặt cơ quan chức năng, Dương vẫn thuê người chế biến một phần điều nguyên liệu ra sản phẩm điều nhân xuất khẩu để Chi cục Hải quan Chơn Thành không phát hiện hành vi của mình. Sau khi hạt điều được thông quan, khi đang trên đường vận chuyển hoặc đã vận chuyển về kho thì Dương lén bán cho nhiều người mà không khai báo với Chi cục Hải quan Chơn Thành, không ký hợp đồng mua bán với các bên. Tổng số hàng hóa Dương đã bán ra thị trường là hơn 416 tỷ đồng, gây thất thu cho nhà nước gần 21 tỷ đồng.
Qua kiểm tra hồ sơ vi phạm, Cục điều tra chống buôn lậu xác định hành vi vi phạm của công ty Thái Bình xảy ra có dấu hiệu của tội buôn lậu theo quy định 188 của Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 nên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “buôn lậu” vào ngày 27/7/2018. Ngày 20/3/2019, Công an tỉnh Bình Phước đã có quyết định khởi tố bị can đối với Thái Bình Dương về tội “buôn lậu”.