| Hotline: 0983.970.780

'Vén màn bí ẩn' dự án hỗ trợ sản xuất ở Bắc Kạn: [Bài 1] Gà, bò dự án đi thẳng vào chuồng của hợp tác xã

Thứ Hai 17/02/2025 , 10:59 (GMT+7)

Bắc Kạn Tiếng là được hỗ trợ vật nuôi nhưng nhiều hộ tham gia dự án do Hợp tác xã Nhung Lũy chủ trì thực hiện không biết con gà, con bò của mình như thế nào...

LTS: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt hàng trăm dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển sản xuất cộng đồng, tổng kinh phí các dự án này là hơn 182 tỷ đồng. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều dự án, người dân được hưởng thụ quá ít so với ngân sách nhà nước hỗ trợ. 

Gà, bò dự án nuôi tập trung trong trang trại của HTX

Yến Dương là xã thuần nông của huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Khi các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện, người dân hy vọng sẽ có thêm sinh kế, vươn lên trong cuộc sống. Nhưng, thực tế khác xa kỳ vọng của bà con, dư luận ở đây đã âm ỉ bức xúc khi bò, gà dự án hỗ trợ không đến tận tay người dân mà đi thẳng vào trang trại của Hợp tác xã (HTX) Nhung Lũy (đơn vị chủ trì liên kết).

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam trao đổi với bà Hà Thị Điện. Ảnh: TS. 

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam trao đổi với bà Hà Thị Điện. Ảnh: TS. 

Bà Hà Thị Điện, thôn Nà Viễn (xã Yến Dương) ở trong ngôi nhà rộng chỉ vài chục m2, trong nhà không có nhiều đồ dùng giá trị, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Năm 2023, gia đình bà Điện được hỗ trợ nuôi gà thuộc dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Có mặt ở nhà bà Điện, chúng tôi không thấy có chuồng trại nuôi gà, hỏi thì bà Điện cho biết, toàn bộ gà nuôi trong trang trại của HTX Nhung Lũy, từ ngày tham gia dự án chưa biết mặt mũi con gà của mình như thế nào.

Bà Điện cho biết, thỉnh thoảng có đến trang trại nuôi gà của HTX Nhung Lũy dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, sau đó họ cho mấy bao phân về bón ruộng, bón vườn. Khi được hỏi nuôi gà dự án đã nhận được bao nhiêu tiền từ HTX Nhung Lũy, bà Điện cho biết, năm 2023 được 12 triệu đồng, năm 2024 đã được trả 3 triệu đồng. Bản thân không biết HTX họ nuôi thế nào, bán được bao nhiêu tiền, lãi bao nhiêu, họ cho mình bao nhiêu thì mình nhận bằng đấy.

Ngoài gà, gia đình bà Điện còn được hỗ trợ nuôi bò sinh sản, bà Điện cho biết: gia đình được hỗ trợ 3 con bò, nhưng chị Nhung (Đinh Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy – PV) bảo hết dự án mới được nhận 3 con bò. Do không mang bò về nhà nuôi nên bà Điện cũng không tham gia nuôi bò, chỉ đi súc phân dọn dẹp chuồng trại của HTX. Từ năm 2024 đến giờ chưa được nhận tiền từ 3 con bò.

Nhận thấy những dấu hiệu khuất tất tại dự án này, chúng tôi tiếp tục tìm đến gia đình anh Nông Văn Ánh, thôn Lỏng Lứng (xã Yến Dương). Trong căn nhà khang trang ở mặt tiền tỉnh lộ 258, anh Ánh đang bận rộn bán hàng, gia đình anh có cửa hàng bán đồ điện nước và tạp hóa khá khang trang. Trao đổi với chúng tôi, anh Ánh cho biết, gia đình cũng được hỗ trợ 3 con bò, tất cả bò nuôi trong trang trại của HTX Nhung Lũy.

Anh Ánh thừa nhận, do gia đình bận rộn bán hàng nên không có thời gian nuôi bò, tất cả bò đều nuôi trong trang trại của HTX Nhung Lũy, thi thoảng rỗi thì đi cắt cỏ hỗ trợ HTX. Gia đình anh Ánh không thuộc hộ nghèo, tham gia dự án với tư cách hộ dân tộc thiểu số.

Trang trại nuôi gà của HTX Nhung Lũy (xã Yến Dương, huyện Ba Bể). Ảnh: NT.

Trang trại nuôi gà của HTX Nhung Lũy (xã Yến Dương, huyện Ba Bể). Ảnh: NT.

Hỗ trợ lớn, dân nhận chả bao nhiêu

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2023 đến nay, HTX Nhung Lũy làm chủ trì liên kết dự án nuôi bò sinh sản và nuôi gà thịt thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, dự án nuôi bò sinh sản tổng kinh phí thực hiện hơn 6,6 tỷ đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 5 tỷ đồng, quy mô dự án 170 con bò. Dự án nuôi bò sinh sản thực hiện thành 2 chu kỳ, chu kỳ thứ nhất 70 con, chu kỳ thứ hai 100 con, số hộ tham gia liên kết 34 hộ, trung bình mỗi hộ được hỗ trợ 5 con, tương đương 147 triệu đồng/hộ.

Đối với dự án nuôi gà thịt, tổng kinh phí thực hiện hơn 6,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 5 tỷ đồng, quy mô dự án 45.000 con/3 chu kỳ (chu kỳ thứ nhất 17.000 con; chu kỳ thứ hai 13.000 con; chu kỳ thứ ba 15.000 con), số hộ tham gia liên kết 17 hộ, trung bình mỗi hộ được hỗ trợ hơn 2.600 con gà, tương đương giá trị 294 triệu đồng.

Việc gà, bò được hỗ trợ nuôi tập trung trong trang trại của HTX Nhung Lũy khiến người dân tham gia liên kết không năm được quy trình cũng như hiệu quả như thế nào. Ảnh: NT.

Việc gà, bò được hỗ trợ nuôi tập trung trong trang trại của HTX Nhung Lũy khiến người dân tham gia liên kết không năm được quy trình cũng như hiệu quả như thế nào. Ảnh: NT.

Như vậy có thể thấy, số tiền ngân sách hỗ trợ cho mỗi hộ là khá lớn, ví dụ nuôi gà đủ 3 chu kỳ mỗi hộ nuôi được hỗ trợ 294 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại đã triển khai 2 chu kỳ, số gà đã hỗ trợ 30.000 con, nhưng thực tế lợi nhuận các hộ nhận được rất thấp.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, các hộ tham gia dự án do HTX Nhung Lũy làm chủ trì liên kết không tham gia (hoặc chỉ tham gia quét dọn vệ sinh chuồng trại) vào quá trình nuôi gà cũng như nuôi bò. Hầu hết các hộ không biết gà của mình ở chuồng nào, dùng hết bao nhiêu cám, bán được bao nhiêu tiền, đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến thực tế mức hỗ trợ lớn nhưng người dân nhận được rất ít.

Làm việc với ông Hà Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Yến Dương (chủ đầu tư dự án), ông Quý thừa nhận, quản lý không chặt chẽ, việc nuôi bò, nuôi gà tập trung trong trang trại của HTX Nhung Lũy là sai quy trình. Các hộ ký nhận bò nhưng không mang về nhà nuôi mà toàn bộ nuôi tập trung.

Bà Đinh Tuyết Nhung (bên phải) trong một lần kiểm tra đàn bò trong khu chuồng nuôi của HTX Nhung Lũy. Ảnh: NT. 

Bà Đinh Tuyết Nhung (bên phải) trong một lần kiểm tra đàn bò trong khu chuồng nuôi của HTX Nhung Lũy. Ảnh: NT. 

“Thấy không đúng cho dừng luôn… lúc kế toán bảo không xong, ký kiểu này không ổn, thế mình biết là sai cho dừng luôn… hiện đã chi 3,6 tỷ”, ông Quý cho biết.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Đinh Tuyết Nhung, Giám đốc Hợp tác xã Nhung Luỹ về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 2, Điều 355 Bộ luật Hình sự. Theo cơ quan điều tra, trong quá trình thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà thịt, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2023-2025)”, Đinh Tuyết Nhung đã có hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn triển khai, thực hiện dự án không đúng quy định, lập hồ sơ thanh quyết toán khống gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất