Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông trả lời báo chí trong họp báo Chính phủ tháng 7. Ảnh: Tùng Đinh. |
Trả lời câu hỏi phóng viên, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, bộ đã tổng hợp về tuyến hành lang phía Đông sau đó báo cáo Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội, xác định những đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2018-2021 với chiều dài 654km, chia thành 8 dự án nhỏ. Trong quá trình xem xét, phân chia dự án, Bộ GTVT đưa ra các tiêu chí và có đánh giá rất kỹ.
Do dự án được xây dựng và khai thác theo hình thức đối tác công tư - PPP nên cần xem xét kỹ tính hiệu quả, khả năng kết nối với các khu trung tâm, đường có sẵn, hay Quốc lộ 1.
Từ đó, tùy theo vào địa hình để xác định điểm đầu và điểm cuối của từng dự án nhỏ, đảm bảo tính kết nối, hiệu quả, khả năng thu phí, hoàn vốn trong trường hợp kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia.
Về tiêu chí sơ tuyển đấu thầu dự án, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, điều kiện của đơn vị tham gia đấu thầu là phải có vốn điều lệ đảm bảo 20% tổng mức đầu tư.
Do áp dụng hình thức PPP nên theo Luật đấu thầu, cần tổ chức đấu thầu quốc tế. Tuy nhiên, trong trường hợp có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng cần trình cấp thẩm quyền để quyết định.
Hiện nay, dự án đang ở mức đánh giá, sơ tuyển trước khi tổ chức đấu thầu để chính thức lựa chọn nhà thầu. Các thông tin cụ thể đã được Bộ GTVT tổng hợp, trình Chính phủ và Bộ GTVT sẽ đảm bảo hộ trình đấu thầu phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với quyết định của cấp thẩm quyền, Thứ trưởng Đông cho biết thêm.
Liên quan đến hồ sơ mời thầu tuyến cao tốc Bắc Nam, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh đây là điều rất quan trọng, hồ sơ mời thầu có cả của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Theo ông Dũng, quan điểm chỉ đạo việc đấu thầu sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, không thất thoát, lựa chọn nhà thầu có năng lực.
Giai đoạn 2017-2020, dự án cao tốc Bắc Nam được đầu tư 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, với các đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long). Trong đó, ba dự án đầu tư công là Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang - Vĩnh Long). 11 dự án cao tốc Bắc Nam có tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 118.000 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước tham gia là 55.000 tỷ đồng đầu tư cho 3 dự án đầu tư công; hỗ trợ toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và góp một phần vốn xây dựng công trình để đảm bảo tính khả thi của các dự án. |