Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nhấn mạnh quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Trong mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Nông dân là chủ thể, là trung tâm; nông thôn là nền tảng; nông nghiệp là động lực”.
Tiếp cận những quan điểm đó để thấy rằng, Bộ NN-PTNT - với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước và Hội Nông dân Việt Nam - với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam rất cần thiết phải tăng cường phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong giai đoạn mới.
"Để tránh hình thức, chương trình phối hợp xác định 5 nhóm nội dung rất cụ thể cần được quan tâm chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn tới”, ông Lương Quốc Đoàn cho biết.
Lãnh đạo Bộ và Trung ương Hội cũng thống nhất giao nhiệm vụ cho 10 đơn vị đầu mối của hai cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu và tổ chức thực hiện từng nhóm nội dung, giải pháp, định kỳ báo cáo lãnh đạo hai cơ quan để đánh giá và tháo gỡ khi có vướng mắc, khó khăn.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết, nhằm phát triển nông nghiệp, hai bên sẽ phối hợp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt đạt 15 - 20%.
Để làm được điều đó, hai đơn vị cùng thực hiện hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái theo hướng kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với áp dụng quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn GAP...
Về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, trước mắt tập trung vận động, hỗ trợ nông dân tham gia xây dựng các hợp tác xã để phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng chuỗi giá trị tại 11 tỉnh, 75 huyện theo Đề án Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ NN-PTNT.
Đồng thời, hỗ trợ xây dựng và phát triển khoảng 1.000 Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc “5 tự” (tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi).
Song song với đó, xây dựng Hội quán Nông dân, Câu lạc bộ nông dân tỷ phú; Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; Câu lạc bộ Doanh nhân nông thôn; Câu lạc bộ Nhà khoa học của nhà nông...
Hai đơn vị cũng sẽ triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” gắn với Chương trình OCOP. Định kỳ, hai đơn vị sẽ tổ chức hội nghị gặp mặt hợp tác xã, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hợp tác xã, nông dân sáng tạo...
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mong muốn sau hội nghị ký kết chương trình phối hợp ngày hôm nay, Bộ NN-PTNT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Sở NN-PTNT và Hội Nông dân các tỉnh, thành phố sẽ hợp tác chặt chẽ để xây dựng hình ảnh người nông dân, khí chất người nông dân, trí tuệ người nông dân.
Tư lệnh ngành Nông nghiệp nhấn mạnh, tất cả các đề án và chương trình hành động của Bộ NN-PTNT trong tất cả các lĩnh vực: xây dựng nông thôn mới, trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp... đều phải gắn với hai chữ “nông dân”. Và tổ chức đầu tiên cần phối hợp ở địa phương, là Hội Nông dân các cấp. Bởi đó là tổ chức của người nông dân.
“Tôi đọc được ở nhiều tài liệu và học được ở nhiều quốc gia phát triển, đó là cách tiếp cận con người, tiếp cận người nông dân trước tiên. Khi đó, chúng ta mới đặt người nông dân vào đúng vị trí chủ thể”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.