| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN-PTNT yêu cầu khẩn trương phòng chống sâu keo mùa thu

Thứ Tư 24/04/2019 , 19:11 (GMT+7)

Đây là loài sâu hại mới xâm nhập, có khả năng di trú xa, gây hại nặng cho ngô và nhiều loại cây trồng khác nên cần có biện pháp quản lí kịp thời và hiệu quả.

Trước tình hình sâu keo mùa thu đã xâm nhập và gây hại tại một số địa phương tại nước ta, hôm qua (24/4), Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; Cục BVTV, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Viện KH Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện BVTV, Viện Nghiên cứu Ngô, Viện Di truyền Nông nghiệp.

Văn bản do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường ký nêu rõ: Loài sâu keo mùa thu (Spodoptera Frugiperda) đã xuất hiện ở nước ta. Hiện nay, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại cục bộ tại một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Để tổ chức phòng trừ kịp thời và hiệu quả loài sâu hại này, Bộ NN-PTNT yêu cầu Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện một số nội dung:

- Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành về trồng trọt và BVTV ở địa phương tổ chức điều tra sự phân bố, mật độ, tỷ lệ gây hại của sâu keo mùa thu trên ngô và các cây trồng khác, báo cáo về Cục BVTV trước ngày 10/5/2019 để tổng hợp, báo cáo Bộ NN-PTNT. Đồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu theo hướng dẫn của Cục BVTV.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền về sâu keo màu thu cho cán bộ ngành trồng trọt và BVTV, khuyến nông và nông dân trên địa bàn quản lí. Điều tra, phát hiện các giống ngô có khả năng kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để hướng dẫn nông dân thay thế các giống ngô bị nhiễm nặng.

Sâu keo mùa thu là loài sâu hại có tốc độ tàn phá khủng khiếp

- Đối với các cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT: Cục BVTV ban hành các tài liệu, quy trình phòng chống sâu keo mùa thu; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhận biết và biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu cho cán bộ trong các cơ quan chuyên ngành trồng trọt – BVTV, khuyến nông từ TƯ đến địa phương và nông dân; hướng dẫn hoạt chất thuốc BVTV tạm thời sử dụng phòng trừ sâu keo mùa thu; khuyến cáo DN đăng ký các sản phẩm phòng trừ sâu keo mùa thu (thuốc BVTV, bẫy bả, bẫy pheromone...), ưu tiên các loại thuốc BVTV sinh học.

Cục Trồng trọt phối hợp với Cục BVTV chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương biện pháp canh tác, chăm sóc, bố trí mùa vụ để hạn chế tác hại của sâu keo mùa thu; đặt hàng nghiên cứu giống kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để đưa vào SX.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục BVTV tổ chức thông tin, tuyên truyền; soạn thảo, in ấn và phát hành tài liệu phòng chống sâu keo mùa thu; xây dựng các mô hình quản lí dịch hại tổng hợp sâu keo mùa thu ở địa phương; tổ chức tập huấn cho cán bộ trong hệ thống khuyến nông ở địa phương.

Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các viện, học viện tổ chức nghiên cứu về sâu keo mùa thu và các biện pháp phòng chống đảm bảo hiệu quả phòng trừ, hiệu quả kinh tế, an toàn môi trường sinh thái; nghiên cứu nhân nuôi ký sinh, thiên địch phòng chống sâu keo mùa thu; nghiên cứu, tuyển chọn giống kháng, giống chống chịu sâu keo mùa thu.

Lai Châu: Sâu keo mùa thu ồ ạt tấn công ngô

Thời gian qua, trên cây ngô ở giai đoạn 3 lá đến xoáy nõn, trỗ cờ tại một số địa phương ở tỉnh Lai Châu đã xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại với tốc độ lây lan rất nhanh. Nếu ngày 4/4, diện tích gây hại mới chỉ khoảng 43ha thì đến nay đã tăng lên gần 700ha.

Cán bộ Chi cục BVTV tỉnh Lai Châu kiểm tra tình hình sâu keo mùa thu gây hại trên ngô (Ảnh: Báo Lai Châu).

Trên diện tích gần 1.000m2 đất ruộng, các năm trước chỉ trồng mía tím thì năm nay, ông Nguyễn Đăng Tỉnh (khu 32, thị trấn huyện Tân Uyên) quyết định trồng xen ngô nếp và để lại một số mảnh trồng ngô tẻ. Cách đây gần 1 tháng, ông phát hiện ngô trồng xen mía bị sâu ăn lá và nõn. Khi bóc nõn ngô, thấy sâu (gần giống như sâu đất), thân to, dài, cây ít 1 con, nhiều có tới 2 con nằm gọn trong đó. Đặc biệt, có những con đã đục lỗ chui xuống thân. Chỉ 10 ngày sau, một số ruộng, lá ngô như vừa trải qua trận mưa đá.

Ông Tỉnh chia sẻ: Mặc dù nhiều năm làm nông nghiệp nhưng lần đầu tiên ông chứng kiến một loại sâu có sự tàn phá nhanh như vậy. Chúng tập trung nhiều nhất ở diện tích ngô xoáy nõn và trỗ cờ. Ông Tỉnh chủ động tìm hiểu, nhờ cán bộ khuyến nông huyện tư vấn mua thuốc BVTV về phun. Riêng diện tích ngô mới trồng, ông đã phun đến lần thứ 3 nên hạn chế tình trạng sâu gây hại. Qua một số lần thử nghiệm, chỉ có cách phun sớm ngay khi phát hiện sâu và xử lý theo hình thức tách ngọn bắt và chụm vòi phun vào ngọn ngô mới có tác dụng.

Phát hiện trên cây ngô có loài sâu mới gây hại, ông Vũ Văn Hiểu ở bản Tòng Pẳn (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) kịp thời báo cáo với xã. Theo đó, xã Bình Lư cử cán bộ khuyến nông phối hợp với trưởng các bản rà soát, kiểm tra cánh đồng trồng ngô trên địa bàn.

Đồng thời, xin ý kiến cơ quan chuyên môn khuyến cáo, hướng dẫn nông dân phương pháp phòng trừ. Thực hiện phòng trừ theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn huyện cũng như trên bao bì thuốc, ông Hiểu tiến hành phun 3 lần thuốc và sâu bệnh đã giảm.

Bà Trương Thị Nhàn - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lai Châu cho biết: Đầu tháng 4/2019, trên ngô xuân sớm giai đoạn 5 lá đến xoáy nõn xuất hiện sâu keo gây hại tại các huyện như Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ với diện tích gây hại khoảng 43ha với mật độ sâu cao, phát tán nhanh, nhiều diện tích nặng. Trước cảnh báo của Bộ NN-PTNT, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT, đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố điều tra, giám sát sự phát sinh gây hại của sâu keo mùa thu.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có diện tích ngô nhiễm loại sâu này lên tới gần 700ha, gây hại chủ yếu ở các huyện: Tân Uyên, Phong Thổ, Tam Đường và thành phố Lai Châu. Một số huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn sâu bắt đầu phát sinh.

Theo Kim Hồng Ninh (Báo Lai Châu)

 

  • Tags:
Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Gần 4.800 ca ngộ độc thực phẩm trong 11 tháng năm 2024

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.