Trong những ngày giãn cách xã hội, hay trong hoàn cảnh phải nâng cao ý thức đề phòng Covid-19, thì trẻ em là đối tượng đáng thương nhất. Thiếu nhi không được thoải mái chạy nhảy, nô đùa và ca hát, thì làm sao vượt qua chuỗi ngày căng thẳng chống chọi dịch bệnh? Cùng trẻ em đọc sách là chọn lựa thích hợp và hiệu quả. Phương pháp ấy đã được áp dụng rất tích cực tại Trung Quốc, với một dòng sách nói về cuộc sống thiếu nhi thời Covid-19.
Dòng sách đồng hành trẻ em chống Covid-19 trở thành một hiện tượng xuất bản tại Trung Quốc, và góp phần không nhỏ cho cuộc chiến đẩy lùi đại dịch toàn cầu. Công ty sách Chibooks nhận ra giá trị này và lập tức mua bản quyền để ấn hành tại Việt Nam.
Bộ sách dành cho trẻ em từ 7 tuổi đến 12 tuổi, gồm 6 cuốn: “14 trò chơi của ông nội”, “Levin là một chú mèo”, “Hộp cơm rỗng”, “Chuyến du hành 9000 milimet”, “Chiếc khẩu trang biết đếm” và “Bà mẹ chạy trốn”.
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi cho biết: “Khi đọc nguyên tác bộ sách bằng tiếng Trung Quốc, tôi thấy rất thú vị. Tôi đã dịch thật nhanh để kịp đưa 6 tác phẩm này đến với thiếu nhi Việt Nam. Tôi tin, những câu chuyện được viết từ trong không khí chống Covid-19 của Trung Quốc sẽ rất bổ ích với trẻ em nước ta trong đợt tái chiến Covid-19”.
Bộ sách thiếu nhi thời Covid-19 từng được nhiều Mạnh Thường Quân mua để tặng cho trẻ em vùng dịch ở Trung Quốc, như những món quà tinh thần đẹp đẽ. Đặc biệt ở Vũ Hán những ngày phong tỏa, nhiều cuốn trong bộ sách này được gói kèm với túi lương thực hỗ trợ cho những hộ dân có trẻ em.
Cuốn “Hộp cơm rỗng” của Ngải Văn Nhi- Tinh Hỏa có nội dung: “Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta luôn nhìn thấy có nhiều chó mèo lang thang. Những ngày tháng đặc biệt vì dịch nạn covid-19, con người không thể quên lãng chúng vì chúng cũng có sinh mạng như con người. Giữa trẻ em và động vật vốn có sẵn cảm giác gần gụi tự nhiên. Khi trẻ em coi những động vật nhỏ bình đẳng về sinh mạng, có thể cùng chúng chung sống và cùng hy vọng thì mới có thể xây dựng được những lý giải sâu sắc về cuộc sống”.
Cuốn “Chuyến du hành 9000 milimet” của Trương Hiểu Linh, có nội dung: “Đối với nhiều đứa trẻ, mùa đông không thú vị chút nào. Không gian chật chội, vách tường, bàn học, bàn trà, sô-pha, những đồ chơi cũ đã chơi chán… là tất cả cuộc sống của chúng. Mùa đông thời Covid-19 càng khiến chúng khổ sở hơn là những nhớ nhung và lo lắng về người thân. Tìm kiếm ánh sáng và niềm vui trong thời gian khó khăn chính là bản tính của loài người. Bất luận dù cuộc sống có khó khăn nhường nào, không gian có bức bối ra sao, đều không thể ngăn cản được trí tưởng tượng và sức sống của con trẻ. Dù dịch bệnh ác quái đang vùng vẫy ra sao, ắt cũng sớm bị con người chặn đứng và hướng về một mùa xuân tươi đẹp”.
Cuốn “Bà mẹ chạy trốn” của Thiên Mạch, có nội dung: “Những biến cố đột ngột của Covid-19 khiến hai mẹ con cô bé Hoa vốn không bao giờ rời xa nhau, phải rơi vào hoàn cảnh éo le. Để bảo vệ con gái cưng, bà mẹ thuộc đối tượng nghi nhiễm Covid-19 đã quyết định “trốn” vào một khu vực khác. Cô con gái 6 tuổi một mình đối diện với hoàn cảnh khó khăn và có sự trưởng thành vượt bậc. Tình mẫu tử thời Covid-19 có màu sắc khác, nhưng vẫn chan chứa yêu thương”.