| Hotline: 0983.970.780

Bờ sông Thu Bồn sạt lở

Thứ Năm 27/06/2024 , 06:50 (GMT+7)

Sạt lở không chỉ khiến cho hàng chục ha đất nông nghiệp bị mất đi hoặc không thể sản xuất mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân bên bờ sông.

Những năm gần đây, cứ vào mỗi mùa mưa lũ, bờ sông Thu Bồn (đoạn qua thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) lại xảy ra tình trạng sạt lở. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, tình trạng này lại càng nghiêm trọng hơn khi tốc độ xỏi lở ngày càng nhanh và diễn biến phức tạp. Qua thực tế cho thấy, hiện nay, một số đoạn sông đã bị biến dạng, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã “biến mất” hoặc không thể canh tác vì bị bồi lấp.

Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân dọc sông Thu Bồn (đoạn qua thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) bị cuốn trôi do sạt lở xảy ra hàng năm. Ảnh: L.K.

Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân dọc sông Thu Bồn (đoạn qua thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) bị cuốn trôi do sạt lở xảy ra hàng năm. Ảnh: L.K.

Ông Hồ Quang Thường (64 tuổi, trú thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn) cho biết, trước đây, từ bờ sông đến mảnh vườn trồng rau, hoa màu của gia đình ông dài khoảng 20m. Mỗi năm, bờ sông cứ sạt lở khiến nhiều mét đất bị cuốn đi. “Nặng nhất là vào mùa lũ năm ngoái, sạt lở ăn sâu vào vườn nhà tôi hơn 5m. Bây giờ khoảng cách từ bờ sông vào chỉ còn tầm 10m nữa thôi”, ông Thường tâm sự.

Theo UBND thị xã Điện Bàn, thôn Nhị Dinh 3 là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do bờ sông Thu Bồn bị sạt lở. Trong 2 năm (2022 và 2023), có khu vực bị sạt lở ăn sâu gần 80m. Ngược lại, phía bờ sông bên kia lại xảy ra tình trạng bồi lắng, tạo bãi cao trung bình 2 - 4m so với đáy sông hiện trạng, dài hơn 500m, rộng 250m gây khó khăn cho việc sản xuất nông nghiệp.

Tại thôn Nhị Dinh 3 hiện có khoảng 240 hộ dân với 1.200 nhân khẩu đang có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của sạt lở. Vị trí sạt lở còn cách khu dân cư gần nhất khoảng 100m. Ngoài ra, hàng trăm hộ dân sống trong vùng lân cận cũng đang bị đe dọa đến cuộc sống, sinh hoạt.

“Nhà tôi hiện chỉ còn cách bờ sông Thu Bồn khoảng 100m. Giờ nhà đã xuống cấp nhưng tôi không dám đầu tư tu sửa vì không biết sạt lở sẽ ảnh hưởng đến nhà cửa lúc nào. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị khẩn cấp chính quyền sớm có giải pháp kè bờ sông để bảo vệ đất, nhà cửa cho dân”, ông Trương Phú Hòa, Trưởng thôn Nhị Dinh 3 nói.

Ông Hồ Quang Thường lo lắng vì sạt lở khiến cho diện tích mảnh vườn của gia đình ngày càng bị thu hẹp. Ảnh: L.K.

Ông Hồ Quang Thường lo lắng vì sạt lở khiến cho diện tích mảnh vườn của gia đình ngày càng bị thu hẹp. Ảnh: L.K.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn thông tin, từ năm năm 2022 đến nay, sạt lở bên bờ sông Thu Bồn đã làm mất gần 12,5ha đất sản xuất dọc theo chiều dài sông gần 2km. Đặc biệt, giai đoạn gần cuối năm 2023 trở lại đây tốc độ sạt lở ngày càng nhanh. Trung bình hàng năm có khoảng 2 - 3ha đất sản xuất và đất vườn của người dân bị dòng lũ cuốn trôi.

Dự báo khoảng 40 ha đất nông nghiệp đang có nguy cơ không thể sản xuất (do sạt lở và bồi lấp). Sạt lở đe dọa đến sự an toàn của các công trình hạ tầng, như giao thông, điện… Dọc sông có khoảng 2km đường giao thông và 3km đường điện trung và hạ thế đã và đang chịu tác động trực tiếp từ việc xói lở bờ sông.

“Tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, mưa lũ với cường độ lớn và thời gian kéo dài đã khiến dòng chảy trong sông thay đổi bất thường. Mặt khác, sự tác động ngày càng nhiều các yếu tố mặt đệm của lưu vực (các công trình hạ tầng trong lưu vực sông đã và đang xây dựng, hoạt động sản xuất, khai thác cát đầu nguồn, một số đoạn bờ sông hình thành bãi bồi...) là những nguyên nhân chủ yếu làm thay đổi tình hình dòng chảy trong sông ngày càng thiên về hướng bất lợi cho sự ổn định lòng sông”, bà Nguyễn Thị Minh Châu nhận định.

Trước thực trạng trên, mới đây lãnh đạo thị xã Điện Bàn đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam cùng các ngành chức năng đề nghị các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn đoạn qua thôn Nhị Dinh 3. Theo UBND thị xã Điện Bàn, qua phân tích các tính toán về dòng chảy và lòng sông, nhận thấy giải pháp chung là nạo vét chỉnh dòng chảy đoạn bãi bồi bờ hữu; xây dựng công trình kè bảo vệ bờ tả. Đồng thời khuyến khích người dân trồng cây dọc 2 bờ sông nhằm ổn định đường bờ và giảm vận tốc dòng chảy tác động vào khu dân cư.

“Công trình kè sẽ giúp nhân dân ổn định sản xuất, yên tâm trong mùa mưa lũ. Xét về lâu dài, công trình không ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ của sông Thu Bồn, không ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái nước của đoạn sông hạ lưu. Tuy nhiên, những tác động bất lợi là không thể tránh khỏi, nhưng chủ yếu là các tác động tạm thời và ngắn hạn, xảy ra trong thời gian thi công. Những tác động bất lợi này có thể được giảm thiểu và khắc phục được bằng các biện pháp phù hợp, ít tốn kém về kinh tế. Do vậy, cần nhanh chóng thực hiện dự án để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường bền vững cho khu vực”, lãnh đạo thị xã Điện Bàn kiến nghị.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.