Ngày 3/6, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 với sự tham gia của các địa phương và nhiều hiệp hội ngành hàng lớn.
Tín hiệu tốt từ thị trường Trung Quốc
Đánh giá tình hiện hiện nay, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho rằng, quả vải đang chuẩn bị bước vào chính vụ và sau cuộc kiểm tra của 2 Thứ trưởng tại cửa khẩu ở Lạng Sơn và Lào Cai thì có thể đánh giá việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất tốt.
Đến tối 2/6, theo số liệu của các đơn vị kiểm dịch thực vật báo về thì chúng ta đã xuất khẩu được 14.000 tấn vải, chủ yếu là vải sớm.
Kết quả này có được là do cách thức làm và phân luồng rõ ràng, cùng với đó là các lực lượng chức năng tại cửa khẩu cũng như nước bạn Trung Quốc tạo điều kiện.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng chỉ đạo Cục BVTV và các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu trực tiếp làm việc với lực lượng chức năng của Trung Quốc. Từ đó tạo ra một quy trình, cách thức giảm thiểu được thời gian rất nhiều. Do đó các quả vải của chúng ta thông quan rất tốt.
Đối với những nông sản đã mở cửa chính ngạch thì Cục BVTV đã chỉ đạo các địa phương tuân thủ đúng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Đặc biệt, có các chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với từng loại. Do đó các sản phẩm nông sản khác xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đang rất tốt.
Lãnh đạo Cục BVTV cho biết thêm, Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc để mở cửa thị trường cho một số sản phẩm như khoai lang.
Ngày 2/5 vừa qua, Cục đã nhận được công hàm phía Trung Quốc đưa ra các yêu cầu về mặt kỹ thuật.
"Trong đó, đề nghị chúng ta hoàn thiện ngay các thông số như mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói. Tiếp đó là 10 đối tượng dịch hại trên cây khoai lang mà chúng ta phải đưa ra biện pháp quản lý. Hiện nay, Cục đang khẩn trương hoàn thiện. Nếu không có gì thay đổi thì đầu tuần tới chúng tôi sẽ gửi cho phía Trung Quốc", ông Trung cho biết thêm.
Nếu Việt Nam đáp ứng đủ các yêu cầu thì nước bạn Trung Quốc sẽ áp dụng cơ chế ký nghị định thư tạm thời để phục vụ xuất khẩu đối với mặt hàng khoai lang.
Còn đối với quả ớt, phía bạn cũng đưa ra 2 giải pháp kỹ thuật: thiết lập vùng trồng tập trung không nhiễm sinh vật gây hại, đây được coi là giải pháp lâu dài; trước mắt phải đưa ra biện pháp xử lý được con ruồi đục quả.
“Cục đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tiến hành ngay các thử nghiệm. Hết ngày Chủ nhật (6/6) sẽ báo cáo các hồ sơ kỹ thuật về biện pháp xử lý, cách thức, quy trình. Từ đó đẩy nhanh việc xuất khẩu quả ớt”, Cục trưởng Cục BVTV cho biết.
Cần sự chủ động từ nhiều phía
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, đối với các đơn vị của Bộ, tiếp tục chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin nhất là giữa các Bộ và với các địa phương để tham mưu cho Bộ đưa ra các giải pháp kịp thời để chỉ đạo giải quyết những vướng mắc mà địa phương có yêu cầu.
Hiện nay, các đơn vị như Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Thú y luôn sẵn sàng giải quyết các thủ tục cho địa phương với phương châm làm việc 24/24 để hỗ trợ xuất nhập khẩu.
Để công tác tiêu thụ nông sản được hiệu quả, ngoài nỗ lực của Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương cần có sự kết nối thường xuyên, vướng ở đâu gỡ ở đó.
Nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa thông quan nhanh, Thứ trưởng yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) nghiên cứu, dựa trên kinh nghiệm thực tế của các địa phương và phối hợp với Bộ Công thương để đưa ra được quy trình đảm bảo an toàn cho tài xế và nông sản trong quá trình vận chuyển.
Quy trình này cần phải làm thật nhanh, có thể ban hành ngay trong tuần tới để vận hành hiệu quả trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
"Trung tâm Xúc tiến thương mại chủ động liên hệ với các địa phương như Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La…, tổ chức các diễn đàn trực tuyến để kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ. Các địa phương cũng cần chủ động liên hệ với Trung tâm Xúc tiến thương mại để tìm đầu ra cho nông sản của mình", Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý thêm.
Đối với các thị trường quốc tế, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công thương, thường xuyên tổ chức các cuộc họp với tham tán của các Đại sứ quán, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Nhiệm vụ tháo gỡ các rào cản kỹ thuật mà các địa phương kiến nghị cũng như xây dựng rào cản kỹ thuật đối với các mặt hàng nhập khẩu được Thứ trưởng giao cho Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.
Trao đổi với các địa phương, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu cần có sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với kế hoạch tiêu thụ, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Mục tiêu là không để xảy ra dư thừa sản phẩm.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần lưu ý đến vấn đề cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi cho các loại nông sản, không chỉ hàng hóa xuất khẩu mà ngay cả tiêu thụ trong nước cũng cần.
“Trong thời gian tới, chúng tôi có thể xem xét, bổ sung tiêu chí liên quan đến vấn đề cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi trong xây dựng HTX của nông thôn mới”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Việc xây dựng chuỗi cung ứng nông sản cũng được lãnh đạo Bộ NN-PTNT lưu ý với các địa phương. Nếu xây dựng được các chuỗi khép kín từ người dân, HTX đến các doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp tiêu thụ sẽ góp phần tăng cường khả năng đảm bảo an toàn thực phẩm cho nông sản.
Đối với các hiệp hội, ngành hàng, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các đơn vị chủ động nắm chắc thông tin thị trường và phối hợp chặt với các cơ quan chức năng của Bộ nhằm giải quyết khó khăn trong tiêu thụ nông sản.