| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hợp tác Nam - Nam giúp đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững

Thứ Ba 12/12/2023 , 14:10 (GMT+7)

Hậu Giang Liên kết giữa các nước đang phát triển có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, khó đoán định và chịu tác động bởi biến đổi khí hậu.

Hội thảo chiều 12/12 có sự tham gia của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bí thư Nghiêm Xuân Thành cùng nhiều lãnh đạo Trung ương, địa phương. Ảnh: Quỳnh Chi.

Hội thảo chiều 12/12 có sự tham gia của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bí thư Nghiêm Xuân Thành cùng nhiều lãnh đạo Trung ương, địa phương. Ảnh: Quỳnh Chi.

Hợp tác Nam - Nam là hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển.

Trong nhiều năm qua, hợp tác Nam - Nam luôn giữ vai trò quan trọng trong quan hệ đối tác toàn cầu cho sự phát triển nói chung, đặc biệt khi các nước Nam bán cầu ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới.

"Giữa bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng và khó đoán định, chịu tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng lương thực, đói nghèo và xung đột; bên cạnh đó là tác động lớn từ cuộc cách mạnh công nghệ 4.0 và chuyển đổi số; hơn bao giờ hết Hợp tác Nam - Nam lại trở nên cần thiết để bảo đảm thực hiện được các mục phát triển bền vững đến năm 2030", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực, sâu rộng trong các quan hệ hợp tác với các quốc gia đang phát triển khác, đặc biệt với các quốc gia châu Phi.

Trong đó, hợp tác phát triển nông nghiệp giữa Việt Nam và châu Phi đã có từ rất sớm, nổi bật và hiệu quả. Tính đến nay, hơn 2.000 chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam đã được cử sang một số quốc gia châu Phi để giúp các quốc gia này sản xuất nông nghiệp theo hình thức hợp tác song phương chính phủ hoặc hợp tác ba bên: FAO - Châu Phi - Việt Nam; IFAD - Châu Phi - Việt Nam hay JICA - Châu Phi - Việt Nam, Nam Phi – Guinea - Việt Nam.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Việt Nam, ngành nông nghiệp của các nước châu Phi có những bước đột phá rõ rệt. Đặc biệt, năng suất lúa tại châu Phi đã tăng gấp hơn 3 lần so với các giống bản địa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh các vấn đề cần lưu ý trong Hợp tác Nam - Nam. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh các vấn đề cần lưu ý trong Hợp tác Nam - Nam. Ảnh: Quỳnh Chi.

Tại Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi: Hợp tác Nam – Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực chiều 12/12 tại tỉnh Hậu Giang, người đứng đầu Bộ NN-PTNT thừa nhận, số lượng các dự án hợp tác Nam – Nam trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và dư địa.

"Dù tiềm năng phát triển nông nghiệp của châu Phi còn rất lớn, nhiều quốc gia tại khu vực này đang rơi vào khủng hoảng lương thực, khiến số lượng người bị đói và thiếu dinh dưỡng gia tăng. Biến đổi khí hậu, xung đột, giao tranh trên thế giới, dịch bệnh càng làm lộ rõ nguy cơ mất an ninh lương thực của một số quốc gia Châu Phi", ông chia sẻ.

Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Việt Nam đã và đang hướng đến là nhà sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm Minh bạch – Trách nhiệm – Bền vững, một nền nông nghiệp xanh, ít phát thải với mục tiêu hướng đến mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Với những kinh nghiệm của mình cùng với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng và cam kết mở rộng hợp tác Nam - Nam để hỗ trợ các quốc gia châu Phi bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và thịnh vượng.

Vào tháng 4/2023, Việt Nam đã phối hợp FAO, IRRI cùng nhiều tổ chức quốc tế tổ chức thành công Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững của Mạng lưới một hành tinh. Qua hội nghị, đại diện các nước, tổ chức quốc tế đều đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và đóng góp của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh lương thực, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm.

Việc tổ chức hội thảo chiều 12/12, trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, được xem là bước đi tiếp theo nhằm khẳng định nỗ lực của Việt Nam và các đối tác quốc tế trong việc thúc đẩy hợp tác Nam – Nam, hỗ trợ chuyển đổi lương thực bền vững cho cả Việt Nam và châu Phi.

"Tôi tin rằng Hội thảo sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác Nam - Nam chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước châu Phi, cũng như hợp tác ba bên giữa Việt Nam - đối tác quốc tế - châu Phi vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững của các bên và thế giới", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắn nhủ.

Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi: Hợp tác Nam – Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực là sự kiện mở đầu cho chuỗi 4 hội thảo do Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023.

Trong ngày 13/12, 3 hội thảo kế tiếp sẽ được tổ chức gồm: Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm bền vững; Hội thảo Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới; Hội thảo Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về lúa gạo.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Việt Nam - Nhật Bản tăng cường kết nối chuỗi cung ứng nông sản

Ngày 22/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH AEON TOPVALU Việt Nam.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…