Hôm nay (31/8), Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị cùng 31 tỉnh thành phía Bắc nhằm sớm triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Năm 2020, ngành nông nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, nhất là ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh Covid-19.
Trong bối cảnh đó, toàn ngành nông nghiệp và các địa phương, bà con nông dân đã vượt qua thách thức, đến thời điểm này đã căn bản giành thắng lợi các mục tiêu lớn về an ninh lương thực. Cụ thể đến nay, tất cả các vùng, các vụ lúa trên cả nước đều đã vượt qua khó khăn về thiên tai để giành thắng lợi lớn, được mùa, được giá so với năm 2019.
Từ nay đến cuối năm 2020, cùng với mục tiêu thắng lợi vụ lúa thu đông tại các tỉnh ĐBSCL, vụ đông tại 31 tỉnh/thành phía Bắc sẽ là vụ sản xuất cuối cùng trong năm. Vì vậy, toàn ngành nông nghiệp, các địa phương phía Bắc cần quyết tâm cao nhất nhằm giành thắng lợi vụ đông 2020, qua đó hoàn tất các mục tiêu lớn về lương thực, thực phẩm của năm 2020.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Vụ đông năm 2020 là năm sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi cho việc phát triển sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cây vụ đông. Đặc biệt thời gian qua, tình hình mưa lũ diễn ra nghiêm trọng ở khắp 27 tỉnh/thành tại Trung Quốc sẽ khiến tình hình sản xuất các sản phẩm rau màu của nước này thiệt hại và ảnh hưởng nghiêm trọng, khó khăn để phục hồi sản xuất trong vụ đông năm 2020.
Vì vậy, đây sẽ là thời cơ thuận lợi để các sản phẩm cây vụ đông tại các tỉnh phía Bắc của nước ta sẽ có cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa do ít chịu cạnh tranh của các sản phẩm cùng chủng loại nhập khẩu từ Trung Quốc, thậm chí có cơ hội để xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế sang thị trường Trung Quốc…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, 31 tỉnh thành phía Bắc nước ta được thiên nhiên ưu đãi một mùa đông lạnh, đây là lợi thế rất tốt nếu biết khai thác.
Hiện nay, các tỉnh phía Bắc cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất vụ đông. Đã hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh cây vụ đông với đa dạng các nhóm cây trồng như cây ưa ấm, cây ưa lạnh có hàng hóa tập trung lớn, có giá trị cao (từ 200-300 triệu đồng/ha), gấp rất nhiều lần so với giá trị sản xuất của lúa.
Hiện nay, các tỉnh cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu… Vì vậy, vụ đông sẽ là vụ làm giàu cho nông dân nếu biết tổ chức sản xuất, tổ chức chế biến, tiêu thụ tốt…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý vụ đông năm 2020 không chỉ có màu hồng, mà thách thức rất lớn. Mưa bão tại các tỉnh phía Bắc vẫn còn diễn ra trong thời gian tới. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có nguy khó khăn cho tổ chức sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm vụ đông…
Bên cạnh đó, cần phải có kế hoạch tổ chức sản xuất, tiêu thụ bài bản, chặt chẽ. Bởi nếu địa phương nào cũng thi nhau trồng một loại cây vụ đông, không tính toán tiêu thụ chế biến thì có nguy cơ dư thừa, rớt giá. Hoặc không phải giống nào cũng đổ xô vào trồng, mà cần lựa chọn cơ cấu, diện tích, các trà sản xuất bao nhiêu cho phù hợp…
"Không phải tỉnh nào cũng nên mở rộng mạnh diện tích vụ đông. Ví dụ như một số tỉnh Bắc Trung Bộ như Hà Tĩnh, thường có mưa bão cuối vụ, nên năm ngoái diện tích vụ đông trên 9.000 ha, năm nay cố gắng phấn đấu lên 10 nghìn ha là được, chứ không nhất thiết tăng quá mạnh về diện tích, bởi rủi ro rất lớn", Bộ trưởng nêu ví dụ.