| Hotline: 0983.970.780

Bước ra khỏi vùng an toàn

Thứ Năm 20/06/2024 , 14:48 (GMT+7)

'Các anh có dám đi đến cùng không?'. Câu hỏi đó từ phía bạn đọc khiến chúng tôi vừa thấy áp lực, lại vừa là động lực để thực hiện loạt bài 'Nội chiến vùng keo'.

1.

Chúng tôi tiếp cận thông tin về hoạt động tự phát của các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ khá lâu. Cách đây vài năm khi còn công tác tại cơ quan cũ, tôi đã trao đổi vấn đề này tại cuộc họp báo tỉnh Thanh Hóa, nhưng rồi vụ việc rơi vào im lặng. 

Biết chúng tôi có ý định thực hiện loạt bài, một vài bạn đọc đặt câu hỏi: "Các anh có dám đi đến cùng không? Nếu không làm triệt để thì đừng làm, vừa mất công, vừa tốn sức". Tôi thẳng thắn đáp: "Pháp luật chỉ có đúng và sai, không có pháp luật nửa vời. Pháp luật không bảo vệ cho hành vi vi phạm. Nếu cá nhân, tổ chức nào làm sai, ảnh hưởng đến lợi ích chung, chúng tôi sẵn sàng đi tới cùng sự việc".

Lý thuyết là vậy, nhưng quá trình thực hiện loạt bài này không hề đơn giản, bởi đây là đề tài khá phức tạp, đụng chạm tới lợi ích của một bộ phận không nhỏ các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát và trách nhiệm chính quyền cơ sở. Áp lực và trách nhiệm đặt nặng trên vai, nhưng trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo, động viên, đồng hành, chia sẻ của Ban biên tập Báo, trực tiếp là Trưởng Văn phòng đại diện khu vực Bắc Trung bộ.

Tác giả trong một lần đi tác nghiệp tại huyện Như Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: CTV.

Tác giả trong một lần đi tác nghiệp tại huyện Như Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: CTV.

Sau khi đề tài được Ban biên tập Báo duyệt và chỉ đạo, chúng tôi mất khá nhiều thời gian để khảo sát các điểm thu mua, chế biến gỗ keo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Những góc khuất trong vụ việc cũng dần được hé lộ. Hầu hết các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản mà chúng tôi có dịp tìm hiểu không hề xuất trình được các thủ tục về đất đai, giấy phép hoạt động... nhưng vẫn tồn tại nhiều năm nay.

Cái khó trong tác nghiệp ở chỗ, nhắc đến vấn đề tiêu cực, nhiều cán bộ cơ sở đều không muốn phối hợp cung cấp thông tin hoặc lấy lý do để từ chối thẳng thừng, một phần vì họ có quan hệ với chủ xưởng keo (cùng là người địa phương hoặc quen biết).

Mặt khác, trong số các chủ xưởng, đầu nậu keo, một số ít người là "dân anh chị" trong nghề, sẵn sàng gây áp lực với phóng viên bằng nhiều cách… Chỉ khi có chỉ đạo từ cấp trên, chính quyền cấp xã mới cung cấp thông tin pháp lý về hoạt động thu mua, chế biến gỗ keo trên địa bàn.

Sau thời gian dài ghi nhận thực tế, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã khởi đăng liên tục nhiều kỳ báo với dòng tít: "Nội chiến vùng keo nguyên liệu". Sau khi 2 kỳ đầu tiên đăng tải, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản chỉ đạo làm rõ các nội dung của Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật đất đai, môi trường... theo quy định pháp luật. 

2.

Huyện Như Thanh (Thanh Hóa) thời điểm đó được xem là nơi có hoạt động gỗ keo tự phát nóng nhất tỉnh. Ngoài việc các cơ sở hoạt chế biến gỗ keo chưa tuân thủ các quy định pháp luật, nguồn tin cho biết, hoạt động thu mua, vận chuyển gỗ keo có dấu hiệu quá khổ, quá tải diễn ra khá tấp nập trong thời gian dài nhưng không được xử lý triệt để.

Trong vòng 2 tuần, chúng tôi gần như thức trắng đêm để bám theo xe quá tải chở gỗ keo dưới sự hỗ trợ của một đồng nghiệp và 1 lái xe thạo đường người địa phương. Vậy nhưng mọi thứ đều không dễ dàng, bởi các điểm tập kết gỗ keo trên địa bàn huyện phân bố rải rác với số lượng lớn và di chuyển ở nhiều tuyến đường khác nhau, nên việc theo dõi khá phức tạp và tốn thời gian. 

Sau khi thống nhất, chúng tôi quyết định chia thành 2 nhóm, chốt thành 2 điểm dọc tuyến Quốc lộ 45 từ huyện Như Thanh đi Nông Cống và đường Nghi Sơn - Sao Vàng để "đón lõng" xe quá khổ, quá tải. Một xe 4 chỗ còn lại, chúng tôi cơ động bám theo xe chở keo để tìm hiểu cặn kẽ nguồn tin. 

Khoảng 23 giờ đêm, chúng tôi áp sát một xe chở gỗ keo có dấu hiệu quá khổ đang di chuyển theo hướng Như Thanh - Nông Cống. Sau 30 phút, xe dừng tại xã Công Liêm (Nông Cống) để tưới nước và nghỉ ngơi. Trong vai người mua keo, chúng tôi nắm bắt được khá nhiều thông tin từ cánh tài xế về hoạt động thu mua, vận chuyển gỗ keo trên địa bàn huyện Như Thanh thời gian qua. Đây cũng chính là đầu mối thông tin để chúng tôi mở rộng, tìm hiểu hoạt động chế biến lâm sản tại huyện Như Thanh và các huyện lân cận bằng những bài viết sau đó.

Để hoàn thành bài viết này, phóng viên đã mất khá nhiều thời gian xác minh, tìm hiểu và bám theo đoàn xe chở keo trên nhiều tuyến đường. Ảnh: QT.

Để hoàn thành bài viết này, phóng viên đã mất khá nhiều thời gian xác minh, tìm hiểu và bám theo đoàn xe chở keo trên nhiều tuyến đường. Ảnh: QT.

Hôm sau, chúng tôi tiếp tục đóng chốt từ 23 giờ đến 2 giờ sáng để quan sát hoạt động vận chuyển gỗ keo. Tại điểm chốt Quốc lộ 45 đoạn chạy từ huyện Như Thanh đi Nông Cống, chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, phóng viên đã ghi nhận hàng chục xe tải, xe đầu kéo chất đầy ắp keo gỗ trên thùng, di chuyển băng băng trên đường Quốc lộ mà không gặp bất cứ trở ngại gì. 

Ngay sau phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường lực lượng, phát hiện, xử lý các phương tiện vận chuyển lâm sản có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhằm đảm an toàn giao thông trên tuyến. Nhiều đêm sau đó, chúng tôi vẫn trực ở các điểm chốt cho tới rạng sáng để nắm bắt tình hình, nhưng mọi thứ đã được lập lại trật tự sau khi lực lượng chức năng vào cuộc. 

Xuyên suốt vụ gỗ keo, không ít câu chuyện dở khóc, dở cười xảy ra, thậm chí quá trình tác nghiệp, phóng viên nhận được những lời hăm dọa, "răn đe" nếu tiếp tục sự việc. Chúng tôi không khẳng định hoặc ám chỉ cá nhân hay đối tượng nào phát đi tin nhắn này, chỉ biết thời điểm nhận tin nhắn trùng hợp với thời gian tác nghiệp vụ việc gỗ keo. Nói thật, lúc đọc tin nhắn, cả nhóm cũng hơi hoang mang, bởi trong tay tôi và anh bạn đồng nghiệp không có gì ngoài tấm thẻ nhà báo để phòng thân. Cũng thật may, mọi sự đều bình an cho đến khi chúng tôi cơ bản hoàn thành loạt bài này.

Kết

Sau loạt bài “Nội chiến vùng keo nguyên liệu” do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện, hàng trăm sở thu mua chế biến gỗ keo tự phát tại huyện Thạch Thành, Như Thanh, Như Xuân, Triệu Sơn (Thanh Hóa)… đã bị xử phạt vi phạm hành chính. 

Cũng chưa có vụ việc nào mà tỉnh Thanh Hóa ban hành gần 10 văn bản chỉ đạo như loạt bài “Nội chiến vùng keo nguyên liệu”. Điều đó cho thấy, loạt bài viết nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc làm rõ các vấn đề còn tồn tại xung quanh hoạt động của các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn tỉnh.

Thống kê như vậy không phải để kể lể “thành tích”, bởi nếu nhìn ở một khía cạnh khác, số văn bản chỉ đạo được phát đi dường như tỷ lệ nghịch với trách nhiệm thực thi mệnh lệnh hành chính của cấp dưới đối với chỉ đạo của cấp trên. Nói cách khác, nếu các địa phương tuân thủ thực nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên thì đã không có chuyện các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động bất chấp pháp luật trong trong một thời gian dài.

Một tin nhắn từ số máy lạ gửi vào máy phóng viên trùng với thời điểm chúng tôi tác nghiệp vụ gỗ keo. Ảnh: QT.

Một tin nhắn từ số máy lạ gửi vào máy phóng viên trùng với thời điểm chúng tôi tác nghiệp vụ gỗ keo. Ảnh: QT.

Không phủ nhận, việc các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát góp một phần tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho một bộ phận người dân địa phương. Thế nhưng, nếu nhìn rộng ra, đó là hệ quả của sự buông lỏng quản lý Nhà nước trong một thời gian dài của chính quyền các địa phương trong tỉnh. Hệ lụy của vấn đề này tác động không nhỏ tới công tác quản lý đất đai, môi trường, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này. 

Trong khi đó các doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng tuân thủ pháp luật rơi vào cảnh thiếu hụt nguyên liệu dẫn đến sản xuất gián đoạn; công nhân làm việc cầm chừng, thu nhập sụt giảm; nộp thuế cho Nhà nước theo đó cũng giảm sâu.

“Thiếu trách nhiệm”, “buông lỏng quản lý”, “nể nang” của chính quyền cơ sở trong việc xử lý vi phạm là những cụm từ được Sở NN-PTNT dẫn chiếu và báo cáo tỉnh Thanh Hóa sau khi trực tiếp kiểm tra, xử lý các điểm thu mua chế biến gỗ keo tự phát. Thế nhưng, như vậy là chưa đủ, nếu "trên nóng" nhưng dưới… mặc kệ. Hệ quả là các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo không chấp hành quy định khắc phục tồn tại đã chỉ ra mà còn mọc thêm nhiều cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát mới. 

Nhiều địa phương lấy lý do "lực lượng mỏng", hoặc đây là "tồn tại lịch sử" cần thời gian giải quyết, để "câu giờ", khi có chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Cứ cho rằng, lý do nêu trên của chính quyền địa phương đưa ra là có lý, nhưng thử hỏi: Tại sao chính quyền địa phương không vào cuộc xử lý rốt ráo ngay từ đầu thay vì để "gạo nấu thành cơm" rồi mới kêu khó xử lý?

Pháp luật không cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh, nhưng nếu tư duy như vậy là chưa đủ. Việc sản xuất kinh doanh phải đảm bảo các yếu tố về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư, môi trường, phòng cháy chữa cháy… 

Thử hỏi, một thôn, một xã, một tổ dân phố có hàng trăm điểm thu mua, chế biến gỗ keo tự phát thì hệ lụy về môi trường, an ninh trật tự, giao thông sẽ ra sao? Bởi vậy pháp luật mới quy định rõ những nguyên tắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phát huy hiệu quả sử dụng đất, góp phần phát triển kinh tế địa phương, quan trọng nhất là phát huy vai trò về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Lập lại trật tự kinh doanh, minh bạch trong hoạt động thu mua chế biến gỗ keo tạo ra sự lành mạnh của thị trường thu mua, chế biến lâm sản là nhiệm vụ cần thiết phải làm để loại bỏ những tồn tại bấy lâu. Nếu không quyết tâm, quyết liệt chấn chỉnh tình trạng trên, thì dù tỉnh Thanh Hóa có ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo nữa cũng không giải quyết được căn cơ vấn đề. Nghiêm trọng hơn, hiệu lực hiệu quả về mặt quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh sẽ bị suy giảm.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần chủ động nghiên cứu và bố trí quỹ đất dành cho sản xuất kinh doanh và hướng dẫn tổ chức, cá nhân (đối với các cơ sở tự phát) thực hiện đúng các quy định về hoạt động thu mua, chế biến lâm sản tại các vị trí được quy hoạch. Quy hoạch và phát triển vùng trồng theo hướng bền vững, hướng tới chế biến sâu và xuất khẩu...

Xem thêm
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam là địa phương đứng đầu cả nước trong công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024.

Bình luận mới nhất