| Hotline: 0983.970.780

Nội chiến vùng keo: Nghịch lý càng phạt, càng làm mạnh hơn

Thứ Ba 28/05/2024 , 10:42 (GMT+7)

THANH HÓA Từ bãi đất trống san lấp trái phép, cứ sau mỗi lần bị chính quyền xử phạt, cơ sở chế biến gỗ keo lại hoàn thiện thêm các hạng mục và hoạt động mạnh hơn.

Càng phạt càng làm

Liên quan tới vụ "Nội chiến vùng keo nguyên liệu" do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện, mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có văn bản gửi Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Triệu Sơn… khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Nội dung chỉ đạo nhấn mạnh: “Địa phương nào không thực hiện nghiêm túc, để tái diễn các hành vi vi phạm thì Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa".

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng, UBND các địa phương liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thu mua, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản vi phạm quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, không đảm bảo các điều kiện an toàn trong sản xuất kinh doanh.

Từ chỗ chỉ là khu đất không có gì (ảnh trên), hộ dân tại xã Hóa Quỳ đã bạt đồi, san lấp trái phép để xây dựng xưởng keo. Điều lạ là, mỗi lần xử phạt là mỗi lần hộ dân hoàn thiện dần các hạng mục. Ảnh: QT.

Từ chỗ chỉ là khu đất không có gì (ảnh trên), hộ dân tại xã Hóa Quỳ đã bạt đồi, san lấp trái phép để xây dựng xưởng keo. Điều lạ là, mỗi lần xử phạt là mỗi lần hộ dân hoàn thiện dần các hạng mục. Ảnh: QT.

Sau chỉ đạo trên, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trực tiếp khảo sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát tại các huyện Như Xuân, Như Thanh. Theo đó, tại huyện Như Xuân, qua khảo sát 4 cơ sở cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tại huyện Như Xuân thì có tới 3 doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân Công ty LHD, hộ ông Trần Văn Xuân, ông Mai Văn Thành không chấp hành chỉ đạo dừng sản xuất để hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định.

Đáng chú ý, trong số này, có cơ sở chế biến của ông Mai Văn Thành (xã Hóa Quỳ). Đây là cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo (xẻ nan) đã nhiều lần bị chính quyền địa phương lập biên vi phạm về đất đai (tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp gần 2.000m2) và yêu cầu dừng mọi hoạt động trên thửa đất này để khắc phục vi phạm, thế nhưng chủ cơ sở vẫn phớt lờ.

Không những thế, cứ sau mỗi lần lập biên bản vi phạm, cơ sở này tiếp tục hoàn thiện thêm các hạng mục và đưa vào hoạt động. Ngày 23/4, theo quan sát của phóng viên, tại mặt bằng cơ sở chế biến này, các hạng mục công trình như: Xưởng chế biến, khu nhà điều hành, sân bê tông, bể xử lý nước thải đã hoàn thiện. Hiện nay doanh nghiệp đã tiến hành hoạt động thu mua, sản xuất nguyên vật liệu thay vì thực hiện "mệnh lệnh" trả lại nguyên trạng tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Đối với Công ty LHD (Bãi Trành, Như Xuân), sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, UBND huyện Như Xuân đã vào cuộc kiểm tra việc chấp hành quy định trong quản lý quy hoạch sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường… Kết quả kiểm tra cho thấy, phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam là có cơ sở.

Tại thông báo, UBND huyện Như Xuân nêu rõ: “Công ty LDH được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án với các ngành nghề sản xuất kinh doanh đồ gỗ nội thất, gỗ nan xuất khẩu, vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng, tuy nhiên doanh nghiệp đang thực hiện hoạt động băm dăm là chưa phù hợp với lĩnh vực được cấp phép kinh doanh. Chưa lập hồ sơ cấp giấy phép môi trường theo quy định…”.

Khu vực sản xuất của Công ty Thanh Thành Đạt (Như Xuân, Thanh Hóa). Ảnh: QT.

Khu vực sản xuất của Công ty Thanh Thành Đạt (Như Xuân, Thanh Hóa). Ảnh: QT.

Từ thực tế trên, UBND huyện Như Xuân yêu cầu Công ty LHD dừng hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến ngành nghề băm dăm, giao phòng TN&MT, Kinh tế hạ tầng, UBND xã Bãi Trành thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động và các biện pháp khắc phục của công ty. Thế nhưng, theo quan sát của phóng viên vào sáng 23/5, hoạt động sản xuất dăm tại cơ sở này vẫn hoạt động bình thường chấp chấp lệnh “dừng”. Đây cũng không phải lần đầu tiên doanh nghiệp phớt lờ chỉ đạo nêu trên của chính quyền địa phương.

Cá biệt, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt (chi nhánh nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Nghi Sơn, địa chỉ xã Xuân Hòa, Như Xuân) hoạt động gần băm dăm 10 năm nay, thế nhưng tại thời điểm huyện Như Xuân tiến hành kiểm tra, Công ty này không hề xuất trình được hồ sơ giao đất, cho thuê đất, quyết định phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500, các hồ sơ về môi trường theo quy định.

Tồn tại cũ chưa xử lý, đã phát sinh điểm thu mua tự phát mới

Sau loạt bài của Báo Nông nghiệp Việt Nam, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã ra gần 10 văn bản chỉ đạo gửi các ngành, địa phương có liên quan vào cuộc chỉ đạo làm rõ nội dung báo nêu. Chính quyền địa phương các huyện Thạch Thành, Như Thanh, Như Xuân, Triệu Sơn (Thanh Hóa)… đã xử phạt hàng trăm triệu đồng và yêu cầu dừng hoạt động các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát. Thực tế cho thấy, việc khắc phục vi phạm tại các cơ sở này khá hời hợt, thậm chí làm cho có lệ để huyện đưa vào báo cáo… cho đẹp.

Tại huyện Như Thanh, sau khi có chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND huyện đã ban hành văn bản kiểm tra, rà soát, kiên quyết không để tái diễn các điểm thu mua, chế biến gỗ rừng trồng tự phát trái pháp luật, hướng dẫn các chủ cơ sở thực hiện các thủ tục để tổ chức sản xuất đúng quy định. 

Hàng nghìn m2 đất ở và đất nông nghiệp tại thôn Phúc Minh, xã Xuân Phúc bị san lấp trái phép để làm xưởng chế biến lâm sản. Ảnh: QT.

Hàng nghìn m2 đất ở và đất nông nghiệp tại thôn Phúc Minh, xã Xuân Phúc bị san lấp trái phép để làm xưởng chế biến lâm sản. Ảnh: QT.

Thế nhưng, qua khảo sát thực tế của phóng viên ngày 21/5, nhiều cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát tại xã Phượng Nghi, Cán Khê, xã Xuân Phúc, Xuân Khang, thị trấn Bến Sung... vẫn chưa chấp hành đúng chỉ đạo khắc phục hậu quả. Một số cơ sở chỉ làm qua loa cho xong chuyện (tháo dỡ một phần mái tôn trên đất vi phạm). Các cơ sở này không những không khắc phục vi phạm về đất, mà còn hoạt động rầm rộ như chưa hề có kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Cá biệt, tại xã Xuân Phúc, chỉ trong vòng bán kính vài trăm mét vuông xuất hiện tới 4 điểm thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động lâu nay nhưng chính quyền địa phương không có giải pháp để xử lý triệt để.

Trong khi các tồn tại của các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát cũ chưa được xử lý, thì tại một số địa phương trong huyện Như Thanh tiếp tục xuất hiện điểm thu mua, chế biến gỗ keo tự phát mới, điển hình như cơ sở của ông Phạm Văn Đức (địa chỉ tại thôn Phúc Minh, xã Xuân Phúc).

Tại đây, chủ cơ sở đã tự ý san lấp hàng nghìn m2 đất ở và đất trồng cây lâu năm để làm xưởng chế biến gỗ. Đáng nói là, hoạt động san lấp, xây dựng trạm biến áp, nhà khung thép mái tôn xây dựng diễn ra từ tháng 10/2023, thế nhưng chính xã không có động thái quyết liệt để xử lý vi phạm. 

Tại huyện Vĩnh Lộc có 3 cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo thì có tới 2 cơ sở có dấu hiệu không đảm bảo điều kiện sản xuất kinh doanh gồm: Hộ kinh doanh cá thể ông Trịnh Ngọc Thông (xã Vĩnh Hùng) và Doanh nghiệp Mộc Quân Phát (xã Vĩnh Yên).

Tại Công ty Mộc Quân Phát, đại diện doanh nghiệp chỉ xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi các thủ tục, điều kiện để được thực hiện băm dăm đều không có.

Tại khu đất đang làm xưởng chế biến lâm sản của ông Trịnh Ngọc Thông rộng hơn 1.000m2 gồm đất ở và đất trồng cây lâu năm, chủ cơ sở tự ý san gạt tạo mặt bằng, xây dựng nhà xưởng và đổ bê tông một phần diện tích đất, biến toàn bộ diện tích trên thành điểm thu mua, chế biến gỗ keo khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Sau khi có phản ánh, mới đây UBND huyện Vĩnh Lộc đã vào cuộc kiểm tra, làm rõ tính pháp lý đối với hoạt động của các cơ sở nói trên.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, những tồn tại trong quản lý đối với các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo có nguyên nhân từ việc một số huyện, xã thực hiện chưa nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường… không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng tự phát ngay khi mới phát sinh; có nơi, có thời điểm không quản lý địa bàn để tổ chức cá nhân đầu tư cơ sở chế biến trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa dứt điểm, chưa hiệu quả gây bức xúc dư luận.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất