Buôn Ma Thuột, hay cách gọi khác là Ban Mê Thuột, định vị trên bản đồ Việt Nam như một đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk về mặt hành chính, nhưng Buôn Ma Thuột dường như không còn giới hạn địa phương nữa khi hàng trăm tác giả khắp mọi nơi tham gia cuộc thi sáng tác văn xuôi chủ đề “Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - Những chặng đường phát triển”.
Cuộc thi “Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - Những chặng đường phát triển” chỉ kéo dài nửa năm, từ tháng 10/3/2023 đến ngày 30/10/2023, nhưng ban tổ chức đã thu hoạch được nhiều bất ngờ. Ngoài những tác giả đang sống ở thành phố Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk, còn có hàng chục tác giả từ Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, TP.HCM, Gia Lai, Thái Nguyên, Ninh Thuận, Điện Biên, Đắk Nông, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Đồng Nai… cũng gửi bài dự thi.
Chấp nhận mọi thể loại văn xuôi, dù là truyện ngắn, ghi chép, tùy bút hay tản văn, cuộc thi “Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - Những chặng đường phát triển” đã thu hút được nhiều cây bút đang sung sức trên văn đàn toàn quốc như Lê Vũ Trường Giang, Phan Đức Lộc, Bùi Tuấn Minh, Tịnh Bảo, Lê Vi Thủy, Nguyễn Thị Khánh Liên, Vũ Thảo Ngọc, Hoàng Thị Hiền, Lê Thị Kim Sơn, Trương Nhất Vương…
Nhà văn Cao Duy Sơn với tư cách Trưởng ban giám khảo, đánh giá: “Mỗi tác phẩm đều mang tới cho bạn đọc một câu chuyện, sự kiện, sự việc dù lớn, dù nhỏ, thoáng qua, hay gợi ý đều đã để lại ấn tượng. Không thể thống kê hết các tác phẩm đã đọc, gợi các trạng thái cảm xúc khác nhau. Nhưng có thể nhận thấy, các tác phẩm viết ra đều xuất phát từ tình cảm yêu mến, tự hào của mỗi người với vùng quê Đắk Lắk - Buôn Ma Thuột.
Ngay cả phản ánh những số phận, cảnh đời va vấp, với những mất mát, đau buồn, hoặc sai lầm phải trả giá, hay mặc cảm tội lỗi, ân hận của nhân vật trong truyện, hay bút ký đều như chuyển tới bạn đọc thông điệp về chia sẻ, cảm thông với những phận người không may mắn, bất hạnh, bị vùi dập, khổ đau, lầm lạc”.
Tại lễ tổng kết diễn ra sáng 29/12, cuộc thi “Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - Những chặng đường phát triển” đã trao 1 Giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba, 7 giải Khuyến khích. Đồng thời, Ban tổ chức cũng có thêm tặng thưởng cho “Truyện ngắn ấn tượng”, “Truyện ngắn viết về vùng đất cảm xúc”, thí sinh nhỏ tuổi có tác phẩm vào chung khảo và nhân vật truyền cảm hứng.
Nếu như ở thể loại truyện ngắn thì độc giả còn phải có chút đắn đo về biên độ tưởng tượng, nhưng ở thể loại ghi chép thì sức sống Tây Nguyên và vẻ đẹp Buôn Ma Thuột được phô diễn đầy đủ qua tâm tư của mỗi tác giả.
Ghi chép đoạt giải nhất “Buôn Ma Thuột và tôi” của nhà văn Trúc Hoài có độ dài gần 6000 chữ, mang dáng dấp một tự truyện thu gọn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1965, nhà văn Trúc Hoài cùng tám đồng nghiệp được điều động chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau bốn tháng trèo đèo lội suối, nhà văn Trúc Hoài đặt chân đến Đắk Lắk chiều 14/4/1966.
Nhà văn Trúc Hoài cùng Đắk Lắk trải qua bom đạn để đến ngày thống nhất đất nước, và ông chọn nơi này làm quê hương thứ hai, như ông thổ lộ: “Nay tuổi đã bát tuần nhưng tôi luôn cảm thấy gắn bó và hăm hở với Buôn Ma Thuột để đi tới ngày mai”
Trong ghi chép “Buôn Ma Thuột và tôi”, nhà văn Trúc Hà chia sẻ: “Tình yêu Ban Mê bắt đầu từ yêu vẻ đẹp cây bơ trĩu quả ở ngay góc sân trước nhà, yêu vườn cà phê bát ngát bông trắng xóa sau cơn mưa, rồi sau đó mấy tháng, trên cành lại khoe chi chít những trái chín mọng màu đỏ sẫm, biểu tượng cho tiềm năng giàu có của vùng đất bazan trù phú này. Trong vườn cà phê, nhô lên những hàng cây muồng chắn gió, lá thì xanh ngăn ngắt, nhưng hoa lại nở vàng quyến rũ. Đường tôi lên phố, qua vườn sầu riêng thoang thoảng hương thơm và khi rảo chân giữa phố, tôi lại hít mùi cà phê đang rang xay tại một cơ sở chế biến thực phẩm gần đó”.
Tương tự, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy bắt gặp Đắk Lắk lần đầu tiên vào năm 1997 với tư cách một người lính. Chàng bộ độ tuổi đôi mươi đã được phân công đến Trạm Radar 20 đóng ven sân bay Hòa Bình thuộc xã Hòa Thắng ven đô Buôn Ma Thuột. Bây giờ, đã thành danh một tác giả quân đội, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đi ngược dòng hoài niệm bằng tùy bút “Ban Mê, còn trong niềm nhớ” đầy thương nhớ: “Do đặc thù lính thông tin trực theo ca nên nếu trực đêm tôi sẽ được nghỉ bù vào buổi sáng. Đó những khoảng thời gian để tôi tìm hiểu thế giới xung quanh.
Ban đầu là những rẫy cà phê quanh đơn vị, đi xa hơn thì ra phía quốc lộ 27, theo các chiến sĩ cũ đi thăm hỏi bà con đồng hương, ghé các nhà dân quanh đơn vị chơi. Tôi đã được chạm vào đất đỏ bazan bằng những nhát cuốc tăng gia, trồng củ cải, bầu bí, mướp đắng. Đất Tây nguyên màu mỡ trồng cây gì cũng tốt.
Tôi đã được trải nghiệm màu đất đỏ quẩn lên sau những trận gió, nhuộm vàng những chiếc khăn mặt lính trong mùa khô. Tôi đã được cảm nhận mùa mưa với những dầm dề quện sánh màu đất đỏ giữ chặt những đôi giày lính trên quãng đường dẫn vào doanh trại”.