| Hotline: 0983.970.780

Ca khúc phổ thơ trong sự tương sinh và tương khắc nghệ thuật

Thứ Sáu 23/02/2024 , 15:58 (GMT+7)

Ca khúc phổ thơ là sự quan tâm chính của giới văn chương và giới âm nhạc tại hội thảo 'Thơ - Nhạc tương sinh hay tương khắc' diễn ra sáng 23/2 tại TP.HCM.

Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân phát biểu tại hội thảo sáng 23/2.

Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân phát biểu tại hội thảo sáng 23/2.

Ca khúc phổ thơ được xem như sự đồng điệu giữa nhà thơ và nhạc sĩ. Thế nhưng, ca khúc phổ thơ luôn có sự tương sinh và tương khắc giữa thơ và nhạc. Tìm được sự tương hợp giữa thơ và nhạc trong ca khúc phổ thơ thực sự có ý nghĩa cho giới sáng tác và giới thưởng thức.

Đối với nhân loại, thơ là thể loại văn học xuất hiện sớm nhất ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đối với người Việt Nam, thơ không chỉ đồng hành vui buồn thời gian, mà còn được ngân nga thành ca trù, ca Huế. Cho đến đầu thế kỷ 20, âm nhạc phương Tây tràn vào nước ta, thì một hình thái nghệ thuật mới ra đời, đó là ca khúc. Trong đó, ca khúc phổ thơ, có một vị trí tương đối quan trọng.

Quan hệ thơ – nhạc để hình thành ca khúc phổ thơ, có thể xem như một sự kết hợp thú vị. Bởi lẽ, thơ vẫn là dòng chảy chủ lưu của văn học Việt Nam, còn ca khúc vẫn là dòng chảy chủ lưu của âm nhạc Việt Nam. Và dù muốn dù không vẫn phải khẳng định, ca khúc phổ thơ suốt gần một thế kỷ vừa qua đã góp phần không nhỏ cho đời sống văn hóa của người Việt Nam.

Từ ca khúc phổ thơ đầu tiên được giới thiệu công khai là bài “Bình minh” do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ thơ Thế Lữ (đăng trên báo Ngày Nay số ra ngày 31/7/1938) đến nay thật khó thống kê đầy đủ đã có bao nhiêu ca khúc phổ thơ. Sau lớp nhạc sĩ tiền chiến như Đặng Thế Phong, Hoàng Quý, Lê Thương, Văn Cao, Doãn Mẫn… thì phần lớn các nhạc sĩ tài danh được quần chúng mến mộ đều có ca khúc phổ thơ.

Thậm chí, có những nhạc sĩ mà ca khúc phổ thơ làm nên sự nghiệp của họ như Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến, Phú Quang… Rõ ràng, nhiều bài thơ đã thành bệ phóng cho những ca khúc thăng hoa vào lòng công chúng. Vì vậy, nhà thơ cũng có vai trò đáng kể trong sự phong phú của hoạt động sáng tác âm nhạc.

Thế nhưng, đánh giá một cách khách quan, quan hệ thơ - nhạc vẫn còn nhiều điều bất cập, cần được trao đổi thấu đáo. Dĩ nhiên, ngoài sự tế nhị về thù lao ít ỏi, thì sự cộng hưởng giữa thơ và nhạc trong ca khúc phổ thơ phải minh định rạch ròi hơn nữa. Hiện nay đang tồn tại những ý kiến trái chiều về việc ghi tên tác giả thơ khi công bố ca khúc phổ thơ. Ví dụ, bài thơ có trước thì ghi tên nhà thơ trước tên nhạc sĩ chăng? Hoặc, giới hạn sử dụng bao nhiêu câu chữ từ một bài thơ thì ghi chú “phỏng thơ”, “trích thơ” hay “ý thơ” trong một ca khúc phổ thơ? Hoặc, nhạc sĩ có được phép sửa văn bản gốc mà không màng tham khảo ý kiến nhà thơ không?

Những vấn đề nêu trên đều có vẻ chi li, nhưng chúng ta cũng nên tìm thấy tiếng nói chung để tránh hệ lụy “cơm không lành canh không ngọt” hoặc “bằng mặt không bằng lòng” giữa nhà thơ và nhạc sĩ, trong thiện chí hợp tác hướng đến tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao phụng sự cộng đồng.

Bây giờ, luật sở hữu trí tuệ đang từng ngày được thực hiện khá bài bản và căn cơ. Tuy nhiên, quan hệ thơ - nhạc còn được đặt cao hơn cả những điều khoản pháp quy, bởi quan hệ giữa nhà thơ và nhạc sĩ còn hiển lộ sự đồng điệu, sự tri âm. Khi một bài thơ được phổ thành ca khúc, nghĩa là nhạc sĩ đã nối sợi dây cảm xúc chia sẻ với nhà thơ. Do đó, quan hệ thơ - nhạc nhất định phải sớm loại bỏ những yếu tố tương khắc, để thực sự tương sinh với nhau. Điều này, cần sự nỗ lực ở hai phía, nhà thơ và nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn có ca khúc nổi tiếng 'Đất nước' phổ nhạc từ thơ Tạ Hữu Yên.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn có ca khúc nổi tiếng "Đất nước" phổ nhạc từ thơ Tạ Hữu Yên.

Một ca khúc phổ thơ được lan tỏa rộng rãi trong xã hội, thì giá trị thụ hưởng chia đều cho nhà thơ lẫn nhạc sĩ. Nếu nói nhạc chắp cánh cho thơ bay lên, thì cũng phải nói thơ giúp nhạc trụ lại trong tâm hồn người nghe. Một khi đã xác định không có ai ban ơn cho ai, thì cũng mở hướng chan hòa không có ai mắc nợ ai, cả về vật chất và về tinh thần. Có lẽ đã đến lúc chúng ta sòng phẳng đề cập sự thật, một giải thưởng trao cho ca khúc phổ thơ, không thể chỉ tôn vinh nhạc sĩ mà lãng quên nhà thơ.

Ngôn ngữ của nhà thơ và giai điệu của nhạc sĩ khi có cùng tần số thẩm mỹ, sẽ nảy nở một ca khúc phổ thơ đặc sắc. Ngược lại, ca khúc phổ thơ vì những tác động ngoài nghệ thuật, thì sự nể nang hoặc sự miễn cưỡng chỉ mang lại những tác phẩm lạnh lẽo chìm khuất vào bộn bề danh lợi hôm nay.

Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam 2024, Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp với Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức tọa đàm “Thơ - nhạc tương sinh hay tương khắc” với mục đích cổ vũ nhà thơ và nhạc sĩ phát huy tối đa thế mạnh của mỗi người, để chúng ta cùng có thêm nhiều ca khúc phổ thơ đa dạng hơn, quyến rũ hơn và giàu bản sắc văn hóa Việt Nam hơn, nhằm hồi đáp sự mong đợi của công chúng Việt Nam thời hội nhập.

Xem thêm
Giải mã độ 'hot' của TikToker Lê Tuấn Khang: Mang cả miền Tây vào kênh Tiktok

TikToker Lê Tuấn Khang (sinh năm 2002, quê ở Sóc Trăng) đang là cái tên 'gây sốt' trên mạng xã hội, cùng 'giải mã' xem vì sao anh chàng này 'hot'?

FIFA lại gặp phản ứng vì Messi

Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) được cho là có sự ưu ái đối với Lionel Messi cùng đội Inter Miami nên gặp nhiều phản ứng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.