Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đánh giá: Công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân.
UBND tỉnh Cà Mau đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, ổn định dân sinh. Tỉnh Cà Mau ưu tiên các nhiệm vụ có tính cấp bách, kết hợp với tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 13/7/2018 về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Nghị quyết số 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau ban hành Kế hoạch số 156-KH/TU, ngày 27/5/2020 thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...
UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 3/10/2023 triển khai thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Trong đó, UBND tỉnh Cà Mau đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Cụ thể là tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; hỗ trợ, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc phạm vi của tỉnh.
Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động ven sông, ven biển có nguy cơ làm tăng rủi ro về sạt lở đất; hiện đại hóa công tác quan trắc, dự báo và cảnh báo kịp thời nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển. Tỉnh chú trọng việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, vật liệu mới phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực để phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; xây dựng các công trình phòng, chống, khắc phục sạt lở.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, kết quả rà soát gần đây cho thấy, tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở hơn 90km. Các đoạn bờ sông đang sạt lở và có nguy cơ sạt lở khoảng 425 km. Với tốc độ sạt lở rất nhanh, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới, sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ ven biển đã được hình thành qua hàng trăm năm.
“Đến nay, tỉnh Cà Mau có tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 187/254 km bờ biển. Giai đoạn 2011-2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250 ha, tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh. Trong khi đó, chiều dài các đoạn bờ sông bị sạt lở và nguy cơ sạt lở khoảng 425 km trong tổng số 8.118 km sông, rạch trên địa bàn tỉnh”, ông Sử thông tin.
Bên cạnh đó, sạt lở bờ sông đã làm hư hỏng, sụt xuống sông gần 28 km đường giao thông, 303 căn nhà, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến khu vực với diện tích hơn 3.700 ha, bao gồm: nhà ở, tài sản, diện tích sản xuất của người dân và hạ tầng quan trọng khác. Ước tính thiệt hại về tài sản trên địa bàn tỉnh khoảng 1.100 tỷ đồng.
Tỉnh Cà Mau vừa được bổ sung 500 tỷ đồng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các địa phương vùng ĐBSCL để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL bố trí nguồn vốn này bảo đảm đúng quy định.