Ngày 5/10, tỉnh Cà Mau tổ chức chương trình “Cà Mau hưởng ứng ngày chuyển đổi số Quốc gia năm 2024”.
Thời gian qua, Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) tỉnh Cà Mau đã tham mưu phát triển hạ tầng số với mạng lưới viễn thông, cáp quang Internet, mạng 3G/4G đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối 3 cấp hành chính, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (Trung tâm IOC) đã được vận hành, giúp lãnh đạo các cấp theo dõi, giám sát và ra quyết định liên quan đến các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về xã hội số, 100% ấp/khóm thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Các Tổ đã thực hiện làm mẫu, hướng dẫn cho hơn 210.000 hộ gia đình cài đặt, sử dụng các nền tảng số, chiếm 65% số hộ gia đình trên toàn tỉnh, tỷ lệ đã cấp định danh điện tử (mức độ 1, mức độ 2) đạt gần 80% người dân trưởng thành.
Đối với chính quyền số, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước, được Thủ tướng Chính phủ biểu dương tại Hội nghị chuyên đề về dịch vụ công trực tuyến cuối tháng 8 vừa qua.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng, chuyển đổi số đã và đang tác động đến mọi mặt, trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Từ thành thị đến nông thôn, từ người già đến người trẻ, từ trí thức đến nông dân; dù ở bất kỳ đâu, trên lĩnh vực nào, thuộc thành phần nào trong xã hội cũng đang sử dụng và trải nghiệm những tiện ích của chuyển đổi số.
Theo ông Sử, tại các thành phố lớn, ngày càng có nhiều người dân sử các dụng ứng dụng gọi xe, mua thực phẩm, hàng hoá trực tuyến, sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử để tối ưu hóa thời gian và cải thiện chất lượng cuộc sống. Ở các vùng nông thôn, ngày càng có nhiều nông dân áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thông qua các ứng dụng quản lý nông trại, sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ giới hạn ở giới trẻ, người cao tuổi cũng bắt đầu quen với việc sử dụng điện thoại thông minh để kết nối gia đình với nhau, để theo dõi sức khỏe qua các ứng dụng y tế, để cập nhật những kiến thức mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định, với chuyển đổi số, dường như khoảng cách về địa lý không còn tồn tại. Người dân có thể nói chuyện, gặp mặt, làm việc, ký kết hợp đồng trực tuyến với đổi tác, có thể gặp gỡ với người thân, bạn bè, đối tác, dù họ đang ở bất kỳ đâu chỉ bằng một vài thao tác trên mạng.
"Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Vấn đề đặt ra cho mỗi chúng ta hiện nay là phải biết nắm bắt, tận dụng cơ hội và hạn chế những rủi ro, thách thức mà chuyển đổi số đặt ra”, ông Sử nói.