Theo đề án, nhóm đối tượng được hỗ trợ nhà ở là những gia đình có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Tổng số lượng nhà tạm, nhà dột nát phải xóa khoảng 4.400 căn, trong đó xây mới 3.463 căn, sửa chữa 937 căn. Mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng mỗi căn, sửa chữa là 30 triệu đồng một căn. Đối với các hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh sẽ vận động thêm nguồn lực xã hội hóa để bảo đảm bằng mức trên.
Nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp đến hộ gia đình để họ tự xây dựng, sửa chữa, chính quyền địa phương và các đoàn thể trực tiếp hỗ trợ, giám sát việc thực hiện. Tổng kinh phí thực hiện đề án gần 236 tỷ đồng, bao gồm các nguồn lực: ngân sách Nhà nước, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, xã hội hóa và vận động nguồn hợp pháp khác...
Trong giai đoạn 1, tính đến cuối năm 2024, tỉnh sẽ hoàn thành 400 căn (xây mới 200 căn và sửa chữa 200 căn), với kinh phí thực hiện 18 tỷ đồng từ nguồn quỹ vì người nghèo. Giai đoạn 2, đến tháng 8/2025 xây mới, sửa chữa số còn lại với kinh phí thực hiện gần 218 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, xã hội hóa, vận động hợp pháp khác.
Theo chính quyền tỉnh Cà Mau, đề án ưu tiên hỗ trợ cho các hộ theo theo thứ tự là người có đất, đủ điều kiện xây dựng, hộ có đất nhưng chờ vận động trong thân tộc hỗ trợ thêm kinh phí.
Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cùng mức ưu tiên, việc hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự: hộ có đất nhưng chưa dự định được thời gian khởi công xây dựng, hộ có đất cho mượn xây cất nhà bằng thời gian sử dụng căn nhà trở lên; hộ không có đất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân yêu cầu UBND các huyện, TP Cà Mau khẩn trương rà soát, cập nhật danh sách, xác định và phân nhóm từng hộ ưu tiên, gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, xác định chính xác nhu cầu, đảm bảo không bỏ sót. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất trong nhận thức và hành động, quyết liệt triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị liên quan được yêu cầu phải chọn phương pháp, cách thức triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch đúng quy định theo phương châm hộ nào đủ điều kiện ưu tiên triển khai trước để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chủ trương lớn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
“UBND tỉnh Cà Mau đảm bảo các điều kiện, sẵn sàng thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Do đó, đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương, nhất là UBND các huyện, thành phố Cà Mau quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Địa phương xem đây là trách nhiệm của mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để thực hiện với quyết tâm cao, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, không để bỏ sót đối tượng, không phát sinh tiêu cực. Qua đó, lan tỏa ý nghĩa, mục tiêu nhân văn của phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, quyết tâm hoàn thành trước ngày 2/9/2025 để chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030”, ông Luân khẳng định.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2024 để kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đã chính thức phát động chương trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.