| Hotline: 0983.970.780

Cà Mau kiến nghị ưu tiên vốn làm kè những đoạn sạt lở nghiêm trọng

Thứ Sáu 22/09/2023 , 10:12 (GMT+7)

Cà Mau Biển Đông mong manh do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã làm cho bờ sông, bờ biển của Cà Mau bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng.

Vuông tôm bị sóng cuốn trôi

Sở hữu 254km bờ biển vốn là điều kiện thuận lợi cho Cà Mau phát triển nhiều loại hình kinh tế. Nhưng hơn chục năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã làm cho bờ sông, bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng.

Đến nay, tổng chiều dài đoạn bờ biển bị sạt lở khoảng 187km. Đoạn bờ sông bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở khoảng 425km. Trong 6 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm vừa được UBND tỉnh Cà Mau công bố, có 4 điểm nằm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển với chiều dài hơn 20km.

Đoạn sạt lở từ Khai Long đến Đất Mũi. Ảnh: Trọng Linh.

Đoạn sạt lở từ Khai Long đến Đất Mũi. Ảnh: Trọng Linh.

Nhiều ngày qua chị Nguyễn Thị Yến ở ấp Chợ Thủ B, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển lo lắng vì sóng biển sắp đánh vào tới nhà, vuông tôm hơn 4ha đã theo sóng cuốn trôi gần hết. Sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản hơn mười mấy năm nay kể từ khi lập gia đình từ Năm Căn theo chồng chuyển về xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển sinh sống, chưa bao giờ chị Yến thấy cuộc sống của gia đình mong manh trước sóng biển như vậy. Theo chị Yến, tôm cua giờ không còn thả nuôi được nữa vì sóng biển đánh vào lẹ lắm.

 “Lúc trước bờ vuông tôm của nhà em xa tận ngoài đó, giờ sóng đánh bể banh hết rồi, năm nay không còn canh tác gì được nữa, giờ sóng đánh gần tới nhà luôn. Chờ Nhà nước xây kè chắn sóng mới có thể bám trụ lại đây”, chị Yến nói.

Khu vực từ cửa biển Bồ Đề đến cửa biển Láng Cháo thuộc xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) có chiều dài bờ biển hơn 9km. Các đợt thủy triều diễn ra dồn dập, dữ dội, sóng biển ngày càng lấn sâu vào khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân. Chỉ trong 1 đêm vuông nuôi tôm đầu tư hơn 1 tỷ đồng của gia đình chị Trần Thị Vân đã bị sóng biển đánh tan.

"Gia đình coi như bị mất trắng, không vớt vát được gì, sóng biển mạnh quá, cuốn đi hết", chị Vân nói.

Trình Chính phủ hỗ trợ 900 - 1.000 tỷ đồng

Theo phản ánh của người dân, từ tháng 6 cho đến nay tình trạng sạt lở bờ biển dọc theo xã Tam Giang Tây diễn ra dữ dội hơn, sóng biển xâm thực vào đất liền từ 30 đến 50m. Theo thống kê đến nay đã có 5 vuông nuôi tôm, nuôi cua bị sóng cuốn trôi và 16 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, 5 gia đình phải chuyển đi nơi khác.

Chị Yến chỉ về bờ vuông tôm bị sóng cuốn trôi. Ảnh: Trọng Linh.

Chị Yến chỉ về bờ vuông tôm bị sóng cuốn trôi. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Bùi Quốc Nam, Phó Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều tỉnh Cà Mau cho biết: Trong khoảng 10 năm qua mức độ sạt lở biển Đông ngày càng phức tạp hơn biển Tây. Hiện tại có 4 vị trí đặc biệt nguy hiểm, trong đó có đoạn kênh 5 Ô Rô về tới Khai Long, sạt lở gần tới đường Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới nếu không có giải pháp kịp thời sạt lở nguy hiểm đối với cơ sở hạ tầng như đường, điện và các con đập ngăn triều.  

Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, để chủ động ứng phó nhanh với tình huống sạt lở nguy cấp, Sở được giao phối hợp chính quyền các địa phương trong vùng sạt lở thuộc các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi khoanh vùng khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Thiết lập hành lang an toàn, bố trí lực lượng theo dõi diễn biến sạt lở, nghiêm cấm mọi tác động vào các khu vực này. Đồng thời, có trách nhiệm huy động nguồn lực và triển khai các biện pháp cần thiết khác để ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Trong 10 năm trở lại đây tỉnh Cà Mau mất hàng ngàn hécta đất rừng do sạt lở. Ảnh: Trọng Linh.

Trong 10 năm trở lại đây tỉnh Cà Mau mất hàng ngàn hécta đất rừng do sạt lở. Ảnh: Trọng Linh.

"Tình trạng sạt lở nặng nề nhất là bờ biển Đông, trước mắt tỉnh trình Chính phủ hỗ trợ 900 - 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương dự kiến bố trí cho Cà Mau 500 tỷ đồng, còn lại hơn 470 tỷ tỉnh xin hỗ trợ từ Trung ương cho các đoạn đặc biệt nguy hiểm. Còn lại các đoạn sạt lở nguy hiểm chúng tôi đưa vào kế hoạch thực hiện đề án phòng chống sạt lở giai đoạn 2026 – 2030", ông Nam chia sẻ.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...