Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, sẽ sớm có công bố chính thức về ca bệnh này. Sở đang phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát chặt việc phòng bệnh đậu mùa khỉ, đặc biệt là tại các cửa khẩu. Hiện Bộ Y tế đã nắm thông tin.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã có phương án giám sát, chẩn đoán, sàng lọc, cách ly, điều trị khi phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ.
Trong đó, tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, tăng cường sàng lọc tại các cơ sở khám chữa bệnh và tăng cường truyền thông trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xem là nhiệm vụ cấp bách trong công tác phòng, chống dịch của ngành y tế Thành phố trong giai đoạn hiện nay.
Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc và yêu cầu các cơ sở y tế đóng trên địa bàn Thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu, các cơ sở khám chữa bệnh và tăng cường truyền thông trong cộng đồng.
Về công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) triển khai giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ bằng cách giám sát thân nhiệt người nhập cảnh; triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính của tất cả các người nhập cảnh. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin hành chính, lập phiếu điều tra dịch tễ.
Sau khi điều tra dịch tễ, nếu là trường hợp có thể (có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ): kiểm dịch viên y tế hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi. Đồng thời, truyền thông, hướng dẫn người nhập cảnh có các triệu chứng nghi ngờ hoặc yếu tố dịch tễ thông báo cho kiểm dịch viên y tế tại cửa khẩu để được hỗ trợ, tư vấn.
Công tác sàng lọc tại các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu (Trung tâm y tế, Trạm y tế, phòng khám), tăng cường truyền thông cho người dân khi có triệu chứng nghi ngờ phải đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán (nếu cần).
Khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hướng dẫn người bệnh đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được khám, xét nghiệm chẩn đoán.
Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập, tư nhân, khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ phải tiến hành sàng lọc, phân luồng, hướng dẫn người bệnh di chuyển đến buồng khám sàng lọc.
Nếu là trường hợp có thể, lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM để làm xét nghiệm chẩn đoán xác định. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, hướng dẫn người bệnh tự cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện và không có triệu chứng nặng) hoặc cách ly tại khu cách ly của bệnh viện.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được phân công là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp có thể kèm triệu chứng nặng sẽ phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tập huấn về phát hiện, cách ly, chăm sóc người mắc bệnh đậu mùa khỉ cho các cơ sở y tế và các tổ chức sức khỏe dựa vào cộng đồng...
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) sẽ điều tra trường hợp có tiếp xúc gần với người bệnh để lập danh sách, theo dõi giám sát theo quy định.
Đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Biểu hiện triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
Hiện bệnh đậu mùa khỉ đã ghi nhận ở 92 quốc gia trên thế giới với 35.000 ca mắc, trong đó 12 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới ngày 13/7 đã tuyên bố, đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng quốc tế.